Trang Comsumer Affairs đã thực hiện một cuộc khảo sát với 1.000 người Mỹ về một loạt các chủ đề tài chính và lời khuyên chi tiêu. Độ tuổi trung bình của người tham gia khảo sát là 40 tuổi, trong đó 55% là nam và 45% là nữ.
Nhiều thế hệ khác nhau sẽ có cách tiếp cận, tìm hiểu các lời khuyên tài chính khác nhau. Nhưng mạng xã hội dường như đóng một vai trò khá lớn đối với hầu hết mọi người. Hơn một nửa người tham gia khảo sát coi YouTube là nền tảng truyền thông xã hội hàng đầu để tìm kiếm tư vấn tài chính. Trong khi đó, Thế hệ Z chủ yếu chuyển sang dùng Instagram để tìm cách giải quyết những rắc rối về tiền bạc của họ.
Và những người có sức ảnh hưởng (influencer) về lĩnh vực tài chính trên mạng xã hội thực sự giúp ích được cho nhiều người. Những người tìm kiếm lời khuyên trên mạng xã hội đã có thể tiết kiệm trung bình hơn 1.500 USD và giảm khoản nợ trung bình 800 USD.
Khi được hỏi về influencer về tài chính trên mạng xã hội mà mọi người theo dõi và tin tưởng, nhiều người thuộc thế hệ bùng nổ trẻ sơ sinh (Baby Boomers – người sinh trong khoảng 1947 đến 1961) và thế hệ X (Gen X – trong khoảng giữa thập niên 1960 đến cuối thập niên 1970) sẽ chọn tỷ phú đầu tư Warren Buffett.
Nhưng đối với thế hệ Z (Gen Z), Warren Buffett chỉ xếp thứ 5. Vậy chuyên gia tài chính số một đối với họ là ai? Đó là người đàn ông tên Humphrey Yang.
Humphrey Yang là một cựu cố vấn tài chính cho công ty môi giới chứng khoán Merrill Lynch. Năm 2019, Yang nhận ra rằng có rất ít người đưa ra lời khuyên tài chính trên nền tảng mạng xã hội TikTok.
Anh nói: “Tôi muốn trở thành người đầu tiên làm điều đó”. Hiện anh đang có 3,3 triệu người theo dõi và từng được tạp chí Fortune bình chọn.
Khi mọi người phải chi tiền tiết kiệm nhiều hơn so với những năm trước, Yang đã đưa ra những lời khuyên tiết kiệm hàng đầu để mọi người tham khảo và áp dụng.
- 1. Theo dõi chi tiêu
Yang nói rằng thói quen theo dõi chi tiêu là cách tốt nhất mà mọi người có thể áp dụng để tiết kiệm tiền. Anh nói: “Nếu bạn biết mình chi tiêu gì, bạn sẽ nhận thức được mình còn lại những gì”.
Thay vì phó mặc chi tiêu cho những ứng dụng theo dõi tự động như Mint hay YNAB, Yang thường theo dõi quá trình tiêu dùng của bản thân một cách thủ công thông qua ứng dụng Spending Tracker. Điều này giúp anh chủ động tham gia quản lý ngân sách chứ không chỉ thụ động đọc thông tin đã được ứng dụng tổng hợp.
Anh cho biết công việc này không mất quá nhiều thời gian. Vào cuối ngày, anh nhập số tiền đã chi tiêu. Thông tin chi tiêu càng cụ thể, bạn càng có khả năng cắt giảm những khoản không cần thiết để tiết kiệm tiền.
- 2. Đừng để các đại lý ô tô ‘dụ dỗ’
Việc thuê một chiếc ô tô hiện tại cực kỳ tốn kém và điều đó có thể khiến bạn nảy sinh tâm lý muốn giảm bớt các khoản chi hàng hàng tháng cho việc thuê xe. Tuy nhiên, việc bỏ ra 3.000 USD hoặc 5.000 USD thuê một chiếc xe hơi lại có thể giúp tiết kiệm phần nào, trừ trường hợp chiếc xe bị hỏng thì người thuê sẽ không được hoàn trả.
Ngoài ra, Yang khuyên mọi người nên cẩn thận với cách mà các đại lý xe hơi đang khiến người tiêu dùng phải trả nhiều tiền hơn giá trị gốc của chiếc xe. Anh nói: “Các đại lý ô tô kéo dài thời gian cho vay từ 36 lên 72 tháng”. Trong khi thời gian vay càng dài thì số tiền lãi khách hàng phải trả càng cao. Nói cách khác, một khoản thanh toán hàng tháng thấp hơn có thể đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải trả nhiều hơn để sử dụng một chiếc xe.
Vì vậy, chỉ nên mua xe ô tô khi thực sự cần dùng đến, vì giá trị chiếc xe sẽ giảm dần theo thời gian, trong khi chi phí sử dụng và bảo trì cho xe lại cao.
- 3. Mua hàng số lượng lớn
Chắc chắn, bạn đã từng nhiều lần nghe đến việc mua hàng với số lượng lớn sẽ giúp tiết kiệm tiền. Nhưng Yang lưu ý rằng bạn chỉ thực sự tiết kiệm được nhiều tiền nếu mua số lượng lớn những vật dụng thiết yếu và dùng thường xuyên.
Khi bạn mua một lượng lớn bất cứ món đồ gì, giá mỗi chiếc sẽ rẻ hơn. Tại sao các công ty muốn cung cấp các sản phẩm rẻ hơn cho người tiêu dùng?
Yang giải thích: “Nếu bạn nhìn từ góc độ tiếp thị của một doanh nghiệp, công ty phải chi tiền để thu hút khách hàng. Nếu họ chi cùng một khoản tiền mà khách hàng mua nhiều hơn, đó là một món hời đối với họ”.
Từ thế hệ này sang thế hệ khác, mọi người sẽ có cách quản lý tài chính cá nhân khác nhau và rèn luyện thói quen kiếm tiền dựa trên kinh nghiệm sống của họ. Nhưng nếu để học hỏi thêm những điều hữu ích, việc lập tài khoản tiết kiệm và học cách lập ngân sách, cân đối chi tiêu sẽ giúp mọi người tránh được cuộc sống ngập trong nợ nần hoặc chẳng có lấy một đồng để phòng thân.
Đối với Gen Z, họ có thể học được rất nhiều lời khuyên trên mạng xã hội về việc tiết kiệm sớm cho thời gian nghỉ hưu sau này, phân bổ các quỹ đầu tư và phát triển các thói quen bền vững để đạt được thành công về tài chính. Những lời khuyên có giá trị và kinh nghiệm quý báu của thế hệ đi trước cũng sẽ giúp Gen Z tạo ra một tương lai tài chính an toàn.
Tổng hợp