TikTok bị cấm tại Ấn Độ vào năm 2020 vì lo ngại an ninh sau cuộc đụng độ giữa quân đội nước này với Trung Quốc trên dãy Himalaya vào tháng 6 cùng năm. Lệnh cấm có hiệu lực vĩnh viễn từ tháng 1/2021. Theo Forbes, tại thời điểm bị cấm, TikTok có khoảng 150 triệu người dùng hàng tháng ở Ấn Độ. Chính phủ nước này còn cấm hơn 50 ứng dụng của Trung Quốc, bao gồm app nhắn tin WeChat và trò chơi PUBG. Ảnh: WSJ.
Nepal công bố lệnh cấm TikTok vào tháng 11/2023. Rekha Sharma, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nepal, cho rằng mạng xã hội này “liên tục được sử dụng để chia sẻ nội dung gây xáo trộn sự hòa hợp xã hội, phá vỡ cấu trúc gia đình và các mối quan hệ xã hội”. Theo Washington Post, lệnh cấm được đưa ra sau khi nội các nước này công bố hướng dẫn quản lý các nền tảng mạng xã hội. Ảnh: Reuters.
Từ cuối tháng 2/2023, các tổ chức hoạch định chính sách tại Liên minh châu Âu (EU) đã cấm cài đặt TikTok trên điện thoại của nhân viên. Trong thông báo chính thức, Ủy ban châu Âu cho biết biện pháp này giúp bảo vệ trước “các mối đe dọa an ninh mạng và hành động lợi dụng để tấn công mạng”. Ngoài ra, nhân viên chính phủ tại một số nước trong 27 quốc gia thuộc khối EU, gồm Bỉ, Đan Mạch và Hà Lan, cũng được yêu cầu không dùng TikTok trên điện thoại làm việc. Ảnh: AA.
Canada đã cấm TikTok trên tất cả điện thoại do chính phủ cấp vào tháng 2/2023, sau khi Mỹ và EU đưa ra quy định tương tự. Thời điểm đó, chính phủ nước này xác định "mức độ rủi ro không thể chấp nhận với quyền riêng tư và bảo mật" của ứng dụng. Thủ tướng Canada Justin Trudeau (ảnh) mô tả lệnh cấm là “bước đầu tiên” và “có thể là động thái duy nhất” mà chính phủ cần áp dụng. Ảnh: AP.
Tháng 3/2023, Vương quốc Anh công bố cấm sử dụng TikTok trên thiết bị của bộ trưởng và công chức chính phủ vì lo ngại rò rỉ dữ liệu. Ngay sau đó, Quốc hội Anh cũng cấm sử dụng TikTok trên mọi thiết bị kết nối với mạng cơ quan. Thời điểm đó, thủ tướng Anh nói rằng nước này sẽ “nhìn những gì đồng minh đang làm” để đánh giá việc sử dụng TikTok trên thiết bị của chính phủ. Ảnh: Shutterstock.
Australia đã cấm TikTok trên tất cả thiết bị của chính phủ liên bang vào tháng 4/2023, sau khi nhận lời khuyên từ các cơ quan tình báo và an ninh. Trong thông báo chính thức, các quan chức Australia xác định việc cài TikTok trên thiết bị của chính phủ “gây rủi ro bảo mật đáng kể”. Ảnh: Reuters.
Tháng 3/2023, các nhà lập pháp New Zealand đã đồng ý chặn TikTok trên mọi thiết bị di động kết nối với hệ thống mạng của quốc hội nước này. Quan chức cho biết quyết định được đưa ra dựa trên phân tích của chuyên gia. Họ viện dẫn lo ngại về an ninh mạng, nhưng cho biết sẽ áp dụng ngoại lệ nếu cần dùng TikTok trong công việc. Ảnh: Bloomberg.
Những năm gần đây, chính phủ Pakistan nhiều lần chặn TikTok do chứa nội dung không phù hợp nhưng cũng nhanh chóng dỡ bỏ. Một trường hợp được AP đưa tin vào năm 2021 cho biết tòa án nước này đã chặn ứng dụng sau khi nhận khiếu nại về một “nội dung vô đạo đức và khiếm nhã”. Dù vậy, lệnh cấm được gỡ bỏ sau chưa đầy một tháng. Ảnh: AFP.
Tháng 4/2022, Taliban ra lệnh cấm ứng dụng TikTok và game PUBG tại Afghanistan để "ngăn chặn giới trẻ đi chệch hướng". Vào tháng 2/2023, trang Wired đưa tin một số nhà sáng tạo nội dung trong nước nhận thấy lượt xem tăng trở lại sau khi người dân dùng VPN là một số công cụ để lách luật. Ảnh: Wired.
Indonesia từng cấm TikTok vào tháng 7/2018 vì lo ngại “nội dung khiêu dâm, không phù hợp và báng bổ”. Tuy nhiên, lệnh cấm đã bị bãi bỏ sau 6 ngày khi nền tảng đồng ý kiểm duyệt một số nội dung. Ảnh: AFP.
Tháng 8/2023, nước Somalia tại châu Phi đã ra lệnh hạn chế truy cập TikTok, Telegram và trang cá độ 1Xbet vì lo ngại lan truyền nội dung khiêu dâm, tạo ra “tác động bất lợi đến giới trẻ”. Theo Reuters, bộ trưởng truyền thông nước này nói rằng các nền tảng trên bị “nhóm khủng bố và kẻ xấu liên tục sử dụng để lan truyền hình ảnh khủng khiếp, thông tin sai lệch đến công chúng”. Ảnh: Reuters.