Các hãng xe điện Trung Quốc giá rẻ đang đặt mục tiêu thâm nhập nhanh chóng vào thị trường Việt Nam tương tự như cách thức đã thành công ở Thái Lan và Brazil, theo Nikkei Asian Review.
Động thái mở rộng của các nhà sản xuất xe điện như BYD và Haima tại Việt Nam xuất hiện trong bối cảnh mặt hàng này bị chính phủ Mỹ áp thuế 100% và nguồn cung nội địa dư thừa.
Hàng loạt thử thách
Không giống những quốc gia khác trên thế giới, các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc đang phải đối mặt với thách thức rõ rệt tại Việt Nam.
Thứ nhất, Việt Nam đang có VinFast, nhà sản xuất xe điện đang thống lĩnh gần như tuyệt đối thị trường. Thứ hai, người tiêu dùng Việt Nam vẫn còn tâm lý thiếu thiện cảm với các sản phẩm đến từ Trung Quốc.
“Định kiến về các sản phẩm Trung Quốc là vấn đề ngay từ đầu. Nhưng tôi luôn khuyên người dùng đến các đại lý để tham khảo trực tiếp. Họ đều ngạc nhiên về chất lượng, công nghệ và giá cả. Những quan điểm tiêu cực về chất lượng của ôtô Trung Quốc đang được cải thiện”, ông Đinh Quốc Đạt, Giám đốc bán hàng tại nhà phân phối Haima Carvivu, chia sẻ.
Bên cạnh vấn đề tâm lý, PGS.TS Đàm Hoàng Phúc tại Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết VinFast hiện là đơn vị duy nhất phát triển hạ tầng trạm sạc điện trong nước. Do đó, đây cũng là rào cản mà các đối thủ Trung Quốc cần phải vượt qua.
Tuy nhiên, VinFast cũng có những trở ngại riêng. Ngoài tình trạng thua lỗ, nhà sản xuất xe điện của Việt Nam đang phải tìm cách lôi kéo người tiêu dùng trước khi bị các đại gia trong ngành công nghiệp ôtô, vốn sở hữu mẫu mã rẻ và chuỗi cung ứng phát triển hơn, đe dọa.
Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), thị phần xe điện trong nước giai đoạn 2022-2023 đã tăng gấp đôi lên 10%. Với VinFast, số liệu gửi lên Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ hé lộ hãng đã giao tổng cộng 32.855 xe vào năm ngoái.
Trong khi đó, số liệu từ hải quan cho biết chỉ có 1.987 ôtô Trung Quốc trong số 6.955 chiếc lắp ráp hoàn chỉnh nhập khẩu vào Việt Nam trong tháng 1. Số lượng xe điện cụ thể nằm trong báo cáo này thậm chí chưa được xác định.
Tháng trước, Chery công bố sẽ là nhà sản xuất xe điện đầu tiên đến từ Trung Quốc xây dựng nhà máy trong nước. Tương tự, BYD cũng có kế hoạch xây dựng một nhà máy sản xuất ôtô điện.
Riêng Wuling, hãng tiến vào thị trường Việt Nam bằng mẫu xe điện giá rẻ Mini EV. Thương hiệu GAC AION cũng dự kiến cho ra mắt 2 mẫu xe vào tháng 6 tới.
Tại một đại lý MG tại TP.HCM, một nhân viên bán hàng cho biết hãng này sẽ mở rộng các mẫu mã xe điện tại Việt Nam bên cạnh xe xăng truyền thống. Đại diện Carvivi cũng chuẩn bị phân phối các mẫu xe điện từ Trung Quốc nhưng từ chối tiết lộ tên.
Việt Nam có thể dẫn dắt cuộc đua xe xanh
Xe điện chỉ là một phần của câu chuyện. PGS.TS Đàm Hoàng Phúc dự đoán trong vòng 3-5 năm tới là thời điểm vàng cho dòng xe hybrid. VAMA, vốn đại diện cho các nhà sản xuất phương tiện chạy nhiên liệu truyền thống, cũng bày tỏ sự ủng hộ với xe hybrid, đồng thời duy trì quan điểm không nên hạn chế doanh số bán xe xăng.
Theo ông Đào Công Quyết, đại diện truyền thông của VAMA, xe hybrid có khả năng giảm phát thải khí nhà kính trong giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi và đặc biệt phù hợp với cơ sở hạ tầng hiện nay khi các trạm sạc dành cho xe điện chưa phát triển.
Nói thêm với Nikkei, ông Phúc cho rằng nếu xe điện Trung Quốc muốn đến Việt Nam, hạ tầng trạm sạc là vấn đề chính mà họ phải giải quyết. Các thương hiệu Trung Quốc phải xây dựng riêng các trạm sạc hoặc hợp tác với các công ty khác.
Vị chuyên gia cũng cho rằng các hãng xe điện cần mở rộng mạng lưới đại lý và showroom trưng bày lớn hơn.
Việt Nam có tiềm năng để vượt xa các nước láng giềng ASEAN trong cuộc đua xe xanh
Báo cáo của HSBC
Các nhà sản xuất Trung Quốc không chỉ cạnh tranh với VinFast mà còn hợp tác với chính đối thủ và các công ty Việt Nam khác như Geleximco, đối tác liên doanh của nhà máy Chery.
Gotion, đối tác cung cấp pin và đầu tư cho VinFast, cũng đang có kế hoạch xây dựng một nhà máy tại Việt Nam.
“Bằng cách tận dụng các mối quan hệ đối tác với Trung Quốc và vượt qua những rào cản cả trong nước và quốc tế, chúng tôi cho rằng Việt Nam có tiềm năng để vượt xa các nước láng giềng ASEAN trong cuộc đua xe xanh”, HSBC đánh giá trong báo cáo mới đây.
HSBC cũng đánh giá Việt Nam sẽ tập trung nhiều hơn vào việc đảm bảo toàn bộ chuỗi cung ứng xe điện kết hợp tăng cường hợp tác với các công ty Trung Quốc. Điều này cũng có thể thúc đẩy khả năng hội nhập sản xuất lớn hơn với Thái Lan.
Ngân hàng này dự báo doanh số bán xe điện 2 bánh và 4 bánh hàng năm của Việt Nam sẽ đạt 2,5 triệu chiếc vào năm 2036. Việt Nam cũng có cơ hội trở thành thị trường xe điện 2 bánh lớn nhất thế giới sau Trung Quốc.