Triển lãm di động MWC 2023 diễn ra tại Barcelona (Tây Ban Nha) từ ngày 27/2-2/3. Đây là một trong những sự kiện công nghệ quy mô lớn, với hơn 2.000 gian hàng từ các công ty công nghệ, viễn thông và di động khắp thế giới.
Điểm nhấn của MWC đến từ các giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu mới trong ngành công nghiệp di động, phục vụ người dùng và doanh nghiệp. Đây là những xu hướng công nghệ đáng chú ý tại triển lãm năm nay.
Smartphone màn hình gập
Năm 2019, Samsung và Huawei là những công ty đầu tiên tung ra smartphone màn hình gập. Sau 4 năm, đã có nhiều hãng điện thoại Trung Quốc gia nhập thị trường này.
Ngày 15/2, Oppo giới thiệu Find N2 Flip trong sự kiện tại London (Anh) trước khi trưng bày tại MWC 2023. Đây là smartphone màn hình gập đầu tiên được hãng bán ra thị trường quốc tế.
OnePlus, thương hiệu con của Oppo cũng xác nhận ra mắt smartphone màn hình gập vào cuối năm nay. Tại triển lãm, hãng mang đến nguyên mẫu điện thoại với hệ thống tản nhiệt chất lỏng.
MWC 2023 chứng kiến màn ra mắt quốc tế của Magic VS, model màn hình gập được Honor ra mắt tại Trung Quốc vào tháng 11/2022. Thiết bị sử dụng chip xử lý Snapdragon 8+ Gen 1 của Qualcomm, cảm biến camera đến từ Sony trong khi màn hình gập do công ty BOE của Trung Quốc cung cấp.
Phantom V Fold, smartphone màn hình gập đầu tiên đến từ Tecno cũng sẽ lên kệ thị trường quốc tế. Màn hình ngoài của máy có kích thước 6,4 inch, còn màn hình chính phía trong là 7,85 inch, đều với tần số quét 120 Hz.
Xiaomi và Samsung cũng mang đến triển lãm 2 mẫu smartphone gập mới nhất, gồm Mix Fold 2 và Galaxy Z Fold4. Trong khi đó, Motorola trình diễn ý tưởng điện thoại và laptop với màn hình cuộn.
Theo số liệu của hãng nghiên cứu Canalys, doanh số smartphone màn hình gập trong năm 2022 đạt 14 triệu máy, tăng 59% so với 2021. Runar Bjorhovde, nhà phân tích từ Canalys dự đoán doanh số điện thoại màn hình gập có thể chạm mốc 30 triệu thiết bị trong năm nay.
Điện thoại không còn chú trọng sức mạnh
Thay vì hiệu năng chip xử lý, bộ nhớ trong hay dung lượng RAM, hầu hết smartphone ra mắt tại MWC 2023 được chú trọng vào công suất sạc, khả năng tản nhiệt và camera.
Theo Times of India, OnePlus trình diễn mẫu OnePlus 11 Concept với hệ thống tản nhiệt chất lỏng CryoFlux, giúp giảm khoảng 2,1 độ C khi chơi game, có thể tăng 3-4 fps. Khi sạc pin, thiết bị sẽ mát hơn 1,6 độ C, rút ngắn 30-45 giây sạc.
Trong khi đó, Realme có mặt tại triển lãm để ra mắt GT3 - smartphone đầu tiên hỗ trợ sạc 240 W được bán trên toàn cầu. Với công suất 240 W, thiết bị có thể sạc đầy viên pin 4.600 mAh pin trong chưa đến 10 phút.
Xiaomi cũng trình diễn công nghệ sạc nhanh 300 W trên Weibo. Trong khi đó, dòng flagship Xiaomi 13 ra mắt tại triển lãm chú trọng vào camera, sử dụng cảm biến 1 inch cùng một số chi tiết được Leica tinh chỉnh.
Honor Magic5 Pro cũng ra mắt với 3 camera 50 MP, hỗ trợ zoom kỹ thuật số 100x. Máy còn trang bị 2 camera trước, hỗ trợ chụp selfie chân dung tốt hơn.
5G và liên lạc vệ tinh
Hiệp hội GSM (GSMA), đơn vị tổ chức MWC cho biết triển lãm năm nay đánh dấu bước khởi đầu cho làn sóng tiếp theo của 5G. Trước đó, các smartphone 5G đầu tiên được ra mắt tại MWC 2019.
Dữ liệu của GSMA Intelligence dự đoán độ phổ biến của 5G sẽ tăng gấp đôi trong 2 năm tới. Dự kiến có hơn 30 quốc gia triển khai lắp đặt hạ tầng 5G mới trong 2023.
Tại MWC 2023, các công ty viễn thông như Ericsson, Nokia và hãng phần mềm đám mây VMware mang đến các giải pháp hỗ trợ nhà mạng, doanh nghiệp triển khai 5G nhanh chóng và hiệu quả.
Công nghệ liên lạc vệ tinh cũng thu hút sự chú ý. Qualcomm cho biết đang hợp tác với Honor, Motorola, Nothing, Oppo và Xiaomi để phát triển smartphone có khả năng liên lạc vệ tinh thông qua chip Snapdragon Satellite.
"Công nghệ này sẽ cho phép nhà sản xuất cung cấp phạm vi phủ sóng toàn cầu, hỗ trợ nhắn tin 2 chiều để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp", đại diện Qualcomm cho biết.
AI xuất hiện mờ nhạt
Tại MWC 2023, Qualcomm trình diễn công cụ tạo ảnh bằng trí tuệ nhân tạo (AI) trên thiết bị dùng chip Snapdragon mà không cần kết nối Internet.
Sử dụng mô hình Stable Diffusion, thiết bị có thể tạo ảnh 512 x 512 pixel dựa trên mô tả của người dùng trong chưa đầy 15 giây.
Theo WSJ, yếu tố quan trọng là quá trình xử lý diễn ra ngay trên điện thoại, thay vì gửi về máy chủ để chờ phản hồi. Qualcomm mô tả đó là "kiến trúc AI lai", kết hợp sức mạnh tính toán trên thiết bị và cả đám mây.
Những mô hình AI ngày càng được chú ý sau sự phổ biến của ChatGPT. Tuy nhiên, hãng di động dường như chưa sẵn sàng tích hợp các mô hình này lên sản phẩm, ít nhất là trong khuôn khổ MWC 2023.
Thực tế ảo vẫn là điểm sáng
Sau nhiều năm xuất hiện, thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) vẫn là chủ đề chính tại MWC 2023. Với việc 5G ngày càng phổ biến, các hãng công nghệ mong muốn tận dụng kết nối để tích hợp AR, VR vào cuộc sống thường ngày.
Tại triển lãm, HTC cho biết sẽ bán mẫu kính thực tế hỗn hợp Vive XR Elite trong tháng 3. CEO Cher Wang nhấn mạnh tầm nhìn về thế giới kết hợp giữa thực và ảo, khi người dùng có thể làm việc, xem phim và các mô hình 3D được chiếu lên không gian thực, sau đó thư giãn trên một hòn đảo ảo.
Xiaomi cũng mang đến nguyên mẫu kính AR có tên Wireless AR Glass Discovery. Thiết bị có kích thước nhỏ gọn, hoạt động không dây, trang bị chip Snapdragon XR2 Gen 1 với nền tảng Snapdragon Spaces của Qualcomm.
Công ty Trung Quốc cho biết màn hình micro-OLED của kính có mật độ điểm ảnh cao, giúp hình ảnh sắc nét hơn. Dù vậy, Xiaomi chưa công bố thời điểm thương mại hóa thiết bị.
Patrick Chomet, Phó chủ tịch sản phẩm và trải nghiệm của Samsung cho biết công ty đang hợp tác với Google và Qualcomm để phát triển kính thực tế.
Trong khi đó, CEO Cristiano Amon của Qualcomm nhận định sự kết hợp giữa 5G và thực tế ảo giúp việc sử dụng, giao tiếp trở nên tự nhiên hơn.