Các công nghệ tiên tiến đang từng bước được các doanh nghiệp ứng dụng hiệu quả để phát triển kinh doanh, tăng cường trải nghiệm khách hàng, xây dựng cách thức sáng tạo giúp khách hàng khám phá mua hàng, đánh giá chất lượng sản phẩm và dịch vụ.
Cùng với sự bùng nổ của thương mại điện tử, thời gian tới sẽ tiếp tục chứng kiến nhiều xu hướng công nghệ mới được ứng dụng nhiều trong đời sống như trí tuệ nhân tạo (AI), mạng di động 5G, mua sắm thông qua mạng xã hội… Bên cạnh đó, VR và AR cũng bắt đầu được ứng dụng nhiều trên các nền tảng thương mại điện tử khác nhau để nâng cao trải nghiệm và tương tác với khách hàng.
Tiềm năng tăng trưởng ứng dụng AI, AR, VR
Chia sẻ về các xu hướng công nghệ năm 2023, đại diện của Meta tại Việt Nam cho hay: trí tuệ nhân tạo (AI) đã có một bước ngoặt lớn kể từ cuối năm 2022, ngày càng được nâng cao và trở nên phổ biến hơn, do vậy ngày càng có thêm các sản phẩm và dịch vụ kết hợp AI như thiết bị nhà thông minh, ô tô tự lái, trợ lý ảo...
Việc sử dụng AI để phân tích, sắp xếp, truy cập và cung cấp các dịch vụ tư vấn dựa trên một loạt thông tin phi cấu trúc sẽ ngày càng phát triển. Chi tiêu cho các hệ thống AI ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương của IDC dự kiến sẽ tăng từ 17,6 tỷ USD từ năm 2022 lên khoảng 32 tỷ USD vào năm 2025.
Các doanh nghiệp cũng tăng cường sử dụng trợ lý thực tế ảo để hỗ trợ dịch vụ khách hàng cũng như các công cụ tự động hoá thông minh để giải quyết các công việc kinh doanh phức tạp, lặp đi lặp lại nhằm thúc đẩy quyết định mua hàng nhanh chóng hơn.
Cùng với AI, gần đây, các doanh nghiệp đã bắt đầu sử dụng AR/VR để tăng cường trải nghiệm khách hàng và xây dựng các cách thức sáng tạo, sống động giúp khách hàng trải nghiệm thương hiệu. Theo IDC, chi tiêu vào AR/VR tại khu vực APAC sẽ tăng với mức độ tăng trưởng kép ở mức 42,2% (2021-26) và chạm tới mức 16,6 tỷ USD trước năm 2026.
Quảng cáo thực tế ảo tăng cường là công cụ giúp doanh nghiệp củng cố kết nối với khách hàng và cải thiện trải nghiệm quảng cáo chung cho người dùng trên các nền tảng của Meta.
Theo nghiên cứu, chi tiêu vào AR/VR tại khu vực APAC sẽ tăng với mức độ tăng trưởng kép ở mức 42,2% (2021-26) và chạm tới mức 16,6 tỷ USD trước năm 2026.
Nghiên cứu mới về thái độ và hành vi tiêu dùng dịp cuối năm thực hiện tại 12 thị trường APAC cho thấy 79% người mua sắm trên mạng xã hội tại Việt Nam được khảo sát đã sử dụng AR hoặc sẵn sàng sử dụng AR khi mua sắm trực tuyến. Có khoảng 80% người mua sắm trên mạng xã hội tin các công cụ thực tế tăng cường có ảnh hưởng đến quyết định mua hàng trong dịp giảm giá.
Mặc dù các cửa hàng vật lý đang đón khách trở lại nhưng thói quen mua hàng trực tuyến được hình thành trong đại dịch tiếp tục phát triển và dần thay thế cho trải nghiệm mua hàng trực tiếp.
Kết quả từ nghiên cứu thường niên SYNC Đông Nam Á của Meta và Bain & Company về kinh tế số và tương lai của thương mại điện tử tại khu vực cho thấy: tại Việt Nam, gần 8/10 dân số trưởng thành là người tiêu dùng kỹ thuật số. Trong giai đoạn khám phá, 84% người mua sắm Việt Nam xem trực tuyến là kênh truy cập để duyệt và tìm các mặt hàng.
Sách Trắng về thương mại điện tử năm 2022 ước tính số lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến ở Việt Nam lần đầu tiên sẽ chạm mốc 60 triệu. Giá trị mua sắm trực tuyến của một người dùng sẽ tiếp tục tăng mạnh, dự báo sẽ đạt 260- 285 USD/người trong năm 2023. Trong số 75% người dân Việt Nam sử dụng Internet thì có 74,8% người dùng Internet tham gia mua sắm trực tuyến. Đặc biệt, 97% người tiêu dùng cho biết sẽ tiếp tục mua hàng trực tuyến.
Còn theo NielsenIQ, khu vực châu Á- Thái Bình Dương ghi nhận sự trỗi dậy của những người tiêu dùng mua sắm đa kênh- một xu hướng mới nổi bật nhất ngày càng được khẳng định và sẽ tiếp tục phát triển trong năm 2023.
Kinh doanh hội thoại: Xu hướng của tương lai
Không chỉ giúp mua sắm online những sản phẩm và dịch vụ trong nước, sự phát triển của công nghệ còn khiến việc mua sắm của người dùng trở nên thuận tiện và dễ dàng hơn ở mọi nơi.
Thống kê cho thấy mức tăng trưởng thương mại điện tử xuyên biên giới hiện đang vượt xa tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử trong nước 5 điểm. Đến năm 2026, ước tính thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới toàn cầu sẽ trị giá 2,2 nghìn tỷ USD với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm 17%.
Một khảo sát cho thấy 51% người mua sắm xuyên biên giới cho rằng nhà sáng tạo nội dung là nguồn thông tin hàng đầu để khám phá và đánh giá sản phẩm. Điều này tạo cơ hội cho các thương hiệu hợp tác với những người sáng tạo để cùng xây dựng câu chuyện thương hiệu.
Theo nhận định của các chuyên gia, đối với các thương hiệu, đây là thời điểm vàng để khám phá hoạt động cộng tác, đồng sáng tạo với các nhà sáng tạo nội dung và thậm chí là cộng tác với các thương hiệu khác để cùng phát triển.
Tại Việt Nam, kinh doanh bằng hội thoại đang bùng nổ mạnh mẽ sau đại dịch với 73% người tiêu dùng được khảo sát cho biết sử dụng hội thoại để tiếp cận doanh nghiệp và hình thức này là một phần quan trọng trong hành trình mua sắm. Khoảng 40% người tiêu dùng được khảo sát cho biết tăng tần suất sử dụng hội thoại.
Tin nhắn hội thoại, trao đổi khi mua hàng đang trở thành phương thức chính để người dùng tiếp cận, tìm hiểu thông tin, trải nghiệm các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, thương hiệu. Thay vì gọi điện thoại hoặc gửi email, người dùng có xu hướng nhắn tin và mong nhận được những phản hồi riêng nhanh chóng từ các nhãn hàng, dịch vụ, doanh nghiệp.
Ngày nay, doanh nghiệp có nhiều cách để kết nối với khách hàng và xây dựng thương hiệu thông qua các trải nghiệm xã hội, trực tuyến. Những cách thức kinh doanh và kết nối mới này với người tiêu dùng sẽ ngày càng phát triển.
Theo các chuyên gia, đây là nhu cầu mới của người tiêu dùng, đồng thời cũng sẽ là xu hướng của tương lai, mang tới nhiều cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp cho dù quy mô lớn hay nhỏ khi phát triển kinh doanh online.
Chia sẻ về xu hướng tương tác giữa nhãn hàng và người dùng, Viber- ứng dụng của “ông lớn” thương mại điện tử Rakuten Nhật Bản cho biết: 71% người tiêu dùng muốn có quyền truy cập thuận tiện để giao tiếp với doanh nghiệp. Các nhãn hàng đang quan tâm hơn tới các giải pháp nhắn tin dành cho doanh nghiệp như một công cụ để xây dựng kết nối với người tiêu dùng.
Trong năm 2022, Viber Việt Nam ghi nhận số lượng đăng ký tạo tài khoản tin nhắn kinh doanh tăng 60% so với năm trước. Tổng số tin nhắn doanh nghiệp được gửi đi tăng 48%. Trong số các loại tin nhắn doanh nghiệp được các nhãn hàng sử dụng: quảng cáo, giao dịch (xác nhận đơn hàng, theo dõi giao hàng, nhắc nhở cuộc hẹn) và đàm thoại đã tăng trưởng 107%.
Số lượt hiển thị quảng cáo trung bình hàng tháng trên Viber đạt 6 tỷ trên toàn thế giới trong đó tại Việt Nam là 230 triệu lượt. Trong số các ngành quảng cáo hoạt động hiệu quả nhất tại Việt Nam, quà tặng và thẻ quà tặng tăng 683%; lữ hành và khách sạn tăng 243%; ứng dụng di động tăng 218%, thời trang tăng 106%, mỹ phẩm tăng 83%.
Trước xu hướng ngày càng tăng đối với tương tác thực tế ảo và nội dung trực quan, đơn vị này cũng cho phép các nhãn hàng và tổ chức tạo dựng bộ lọc ảnh riêng và nhãn dán biểu cảm mang tính thương hiệu trên ứng dụng để nâng cao độ phủ của nhãn hàng.
Đây là giai đoạn người tiêu dùng kỹ thuật số Việt Nam sử dụng nhiều nền tảng hơn khi thị trường thương mại điện tử chiếm 51% chi tiêu trực tuyến. Mạng xã hội và các công cụ liên quan là những kênh rất quan trọng đối với người mua sắm kỹ thuật số của Việt Nam.
Thực tế hiện nay có nhiều doanh nghiệp nhạy bén đã tích hợp và đầu tư chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong thiết lập hệ thống chăm sóc, nâng cao trải nghiệm khách hàng, tăng lợi thế cạnh tranh. Ông Khôi Lê, Giám đốc quốc gia thị trường Việt Nam của Meta, khuyên các doanh nghiệp cần xác định rõ các mục tiêu xây dựng thương hiệu hay thúc đẩy trải nghiệm mua sắm. Ngày nay, doanh nghiệp có nhiều cách để kết nối với khách hàng và xây dựng thương hiệu thông qua các trải nghiệm xã hội, trực tuyến. Những cách thức kinh doanh và kết nối mới này với người tiêu dùng sẽ ngày càng phát triển.