Công nghệ

Ở nơi người ăn xin dúi mã QR vào ôtô khi bạn nói không có tiền mặt

G20 Indonesia: Hệ thống thanh toán tức thời "cây nhà lá vườn" của Ấn Độ đã cách mạng hóa thương mại và giúp cuộc sống hàng ngày ở nước này trở nên thuận tiện hơn.

Những chiếc mã QR nhỏ đang có mặt khắp mọi nơi ở Ấn Độ rộng lớn.

Người ta có thể thấy nó được dán trên cây bên cạnh một tiệm cắt tóc ven đường, đặt trên đống đồ thêu mà các nữ thợ dệt bán, hay lấp ló sau đống đậu phộng mới rang trên chiếc xe bán đồ ăn nhanh.

Một nghệ sĩ bên bờ biển ở Mumbai đặt mã QR cạnh hộp quyên góp trước khi biểu diễn như robot. Một người ăn xin ở Delhi dúi nó qua cửa sổ ôtô khi người ngồi bên trong nói rằng họ không có tiền mặt.

Các mã QR đang kết nối hàng trăm triệu người trong một hệ thống thanh toán tức thời. Hàng tỷ giao dịch trên ứng dụng di động diễn ra mỗi tháng thông qua mạng kỹ thuật số trong nước đã giúp việc kinh doanh trở nên dễ dàng hơn và đưa một số lượng lớn người Ấn Độ bước vào nền kinh tế chính thức.

Hệ thống quét và trả tiền là một trong những trụ cột mà thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ủng hộ. Nó giúp cuộc sống hàng ngày trở nên thuận tiện hơn, mở rộng các dịch vụ ngân hàng như tín dụng và tiết kiệm cho thêm hàng triệu người Ấn Độ, đồng thời mở rộng phạm vi tiếp cận các chương trình của chính phủ và việc thu thuế.

Theo New York Times, với mạng lưới này, Ấn Độ cho thấy đổi mới công nghệ nhanh chóng có thể tạo ra tác động vượt bậc như thế nào đối với các quốc gia đang phát triển. Nó cũng giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ngay cả khi cơ sở hạ tầng vật chất còn tụt hậu.

Đó là một mô hình công - tư mà Ấn Độ muốn đưa ra thế giới khi nước này tự coi mình là vườn ươm những ý tưởng có thể nâng đỡ các quốc gia nghèo hơn.

Mã QR được đặt bên cạnh hộp quyên góp của một nghệ sĩ biểu diễn đường phố. Ảnh: New York Times.

Thanh toán không tiền mặt bùng nổ ở Ấn Độ

“Hệ sinh thái thanh toán kỹ thuật số của chúng tôi đã được phát triển như một hàng hóa công cộng miễn phí”, ông Modi nói trước các bộ trưởng tài chính của nhóm G20 vào tuần trước. “Điều này đã thay đổi hoàn toàn việc quản trị, tài chính toàn diện và giúp cuộc sống dễ dàng hơn ở Ấn Độ”.

Nói một cách đơn giản, các quan chức Ấn Độ mô tả cơ sở hạ tầng kỹ thuật số giống một tập hợp “đường ray xe lửa” do chính phủ đặt ra, mà trên đó sự đổi mới có thể diễn ra với chi phí thấp.

Trọng tâm là một chiến dịch mạnh mẽ nhằm cung cấp cho mọi công dân mã số nhận dạng duy nhất, được gọi là Aadhaar.

Theo AFP, Aadhaar là hệ thống dữ liệu sinh trắc học lớn nhất thế giới. Mỗi công dân, kể cả trẻ em ở Ấn Độ, đa số đều có một Aadhaar gồm 12 chữ số với thông tin về mống mắt và dấu vân tay để xác định danh tính.

Sáng kiến bắt đầu vào năm 2009 đã được ông Modi thúc đẩy sau nhiều năm vượt qua thách thức pháp lý liên quan đến quyền riêng tư.

Khi ra đời, chương trình này hứa hẹn kết thúc vòng luẩn quẩn mà trong đó người nghèo không thể chứng minh được họ là ai và do đó không nhận được những khoản hỗ trợ đáng ra được nhận.

Chính phủ cho biết khoảng 99% người trưởng thành hiện có số nhận dạng sinh trắc học, với hơn 1,3 tỷ ID được cấp.

ID giúp dễ dàng tạo tài khoản ngân hàng và là nền tảng của hệ thống thanh toán tức thời, được gọi là Giao diện thanh toán hợp nhất (UPI).

Thanh toán kỹ thuật số trở nên phổ biến đối với cả những giao dịch nhỏ nhất. Ảnh: New York Times.

Nền tảng này cung cấp dịch vụ từ hàng trăm ngân hàng và hàng chục ứng dụng thanh toán di động mà không tính phí giao dịch. Nó là một sáng kiến của Ngân hàng Trung ương Ấn Độ do tổ chức phi lợi nhuận điều hành.

Vào tháng 1, khoảng 8 tỷ giao dịch trị giá gần 200 tỷ USD đã được thực hiện trên UPI, theo Dilip Asbe, giám đốc điều hành của Tập đoàn thanh toán quốc gia Ấn Độ, cơ quan giám sát nền tảng này.

Giá trị của các giao dịch kỹ thuật số tức thời ở Ấn Độ năm ngoái cao hơn nhiều so với ở Mỹ, Anh, Đức và Pháp.

Ông Asbe cho biết hệ thống này đã phát triển nhanh chóng và hiện được sử dụng bởi gần 300 triệu cá nhân cùng 50 triệu thương nhân.

Người dân thanh toán kỹ thuật số đối với cả những giao dịch nhỏ nhất. Gần 50% số lượng thanh toán được phân vào nhóm thanh toán nhỏ, như 10 xu cho một cốc sữa hay 2 USD cho một túi rau tươi.

Đó là sự thay đổi hành vi lớn ở nền kinh tế từ lâu đã dựa vào tiền mặt.

Có mặt ở khắp nơi

Một động lực thúc đẩy việc chuyển từ tiền mặt sang thanh toán kỹ thuật số là quyết định của ông Modi vào năm 2016 về việc loại bỏ các loại tiền tệ có mệnh giá lớn khỏi thị trường. Được quảng bá như một nỗ lực để loại bỏ tiền bẩn trong chính trị, ban đầu, cú sốc này đã tàn phá các doanh nghiệp nhỏ hoạt động bằng tiền mặt.

Thế nhưng, sự phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số ngày càng sâu sắc trong thời kỳ đại dịch, khi chính phủ sử dụng số ID để quản lý đợt tiêm chủng lớn nhất thế giới và cung cấp hỗ trợ tài chính.

Dù vậy, khi hệ thống này đã đi vào cuộc sống của người Ấn Độ, những lo ngại về quyền riêng tư dữ liệu vẫn chưa hoàn toàn lắng xuống, ngay cả sau khi Tòa án Tối cao nước này đã ra phán quyết duy trì tính hợp pháp về việc sử dụng.

Các mã QR đã làm cho cuộc sống của hàng triệu người dễ dàng hơn. Ảnh: New York Times.

Amitabh Kant, một trong những điều phối viên hàng đầu của Ấn Độ tại các sự kiện của nhóm G20, cho biết chính phủ đã đạt được sự cân bằng hợp lý giữa quyền riêng tư và sự đổi mới.

“Chúng tôi đã nói rằng dữ liệu thuộc về cá nhân và cá nhân có quyền đưa ra quyết định đồng ý mọi giao dịch mà người đó thực hiện”, ông cho biết.

Theo Economic Times, Ấn Độ đã xây dựng cơ sở hạ tầng thanh toán kỹ thuật số lớn nhất thế giới trong hai thập kỷ qua với các giao dịch kỹ thuật số chiếm khoảng 20% GDP của đất nước.

Trong một cặp cửa hàng ở ngôi phía bắc bang Uttar Pradesh, thanh toán kỹ thuật số chiếm khoảng 10% doanh thu hàng ngày. Tại các thị trường sầm uất hơn của Delhi, con số đó có thể là 1/4 hoặc một nửa.

Các công ty ứng dụng đang làm việc để đảm bảo thanh toán kỹ thuật số tiện lợi, dễ sử dụng hơn.

Hộp thoại nhỏ do các ứng dụng thanh toán cung cấp là vật cố định tại những xe bán đồ ăn nhanh và quầy trà. Khi người bán hàng quá bận rộn để kiểm tra tin nhắn điện thoại sau mỗi giao dịch nhỏ, một giọng nói giống như Siri sẽ thông báo số tiền nhận được ngay lập tức với mỗi lần thanh toán bằng mã QR.

Rajesh Kumar Srivastva, tài xế xe kéo ở Delhi, chia sẻ: “Tôi từng thích tiền mặt hơn. Nhưng tôi đã học được những lợi ích của việc này trong thời gian phong tỏa”.

Trước đại dịch, ông Srivastva đã dán mã QR vào bên trong xe kéo, nhưng chỉ khoảng 1/4 các khoản thanh toán của ông dưới hình thức kỹ thuật số nên chúng vẫn được xem là một lựa chọn sau cùng.

Ngay trước đợt phong tỏa năm 2020, ông Srivastva đã trả hóa đơn tiền điện khổng lồ và hai lần trả góp khoản vay mua xe khiến tiền mặt trong nhà cạn kiệt.

Vợ ông sau đó đã giục ông kiểm tra tài khoản được liên kết với khoản thanh toán kỹ thuật số. Không thể tìm ra số dư của mình tại máy ATM, Srivastva sau đó quay lại cùng con gái mình, một sinh viên kỹ thuật dân dụng 20 tuổi.

Đầu tiên, con gái ông rút 5.000 rupee, tương đương 60 USD.

“Con bé kiểm tra lại và nói: 'Bố ơi, còn 45.000 rupee (hơn 545 USD) nữa'”, ông Srivastva nói, trước khi nở một nụ cười thật tươi. "Tôi yêu nó!".

Link bài gốcLấy link
https://lifestyle.zingnews.vn/o-noi-nguoi-an-xin-dui-ma-qr-vao-oto-khi-ban-noi-khong-co-tien-mat-post1408243.html