Theo khảo sát của MarketTimes tại một khu chợ truyền thống ở khu vực Nam Từ Liêm (Hà Nội), tất cả các cửa hàng bán cố định đều có mã QR cho khách hàng chuyển tiền.
Anh Lương Văn Hoàng một tiểu thương bán thịt bò cho biết, anh sử dụng phương thức thanh toán này khá lâu, khách hàng giờ đây rất chuộng trả tiền qua quét mã QR, vì trong tay khách hàng có điện thoại di động thông minh, chỉ cần 1-2 thao tác là có thể trả tiền được ngay, chứ không cần gõ số tài khoản. “80% khách hàng giao dịch tại cửa hàng của tôi không dùng tiền mặt. Từ ngày thanh toán theo cách này tôi không phải bận tâm đếm tiền, trả lại tiền thừa cho khách nữa”, anh Hoàng chia sẻ.
Các tiểu thương ở chợ truyền thống hiện nay cũng sử dụng QR để khách hàng thanh toán khá nhiều. (Ảnh: MarketTimes).
Chị Thu Hương, tiểu thương bán gà chia sẻ: việc thanh toán không dùng tiền mặt vô cùng có lợi. Trong 2 năm đại dịch, ai cũng ngại tiếp xúc với tiền mặt, nhất là hàng gà tươi như của tôi. Thế nhưng việc giao dịch quét mã QR mang lại sự tiện lợi cho khách.
Không chỉ hàng thực phẩm có giá trị cao, hàng rau củ tại khu vực chợ truyền thống này cũng được người bán hàng sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt. Theo người bán mặt hàng rau củ, có khi người đi chợ chỉ mua bó rau 10.000 đồng, hoặc mua hàng với số tiền lẻ như 23.000 đồng, 29.000 đồng… việc thanh toán qua QR rất tiện lợi.
Bà Winnie Wong, Giám đốc Quốc gia của Mastercard tại Việt Nam, Campuchia và Lào đánh giá, các nước Đông Nam Á và đặc biệt là Việt Nam sau đại dịch Covid-19, xu hướng thanh toán mới này càng có tiềm năng phát triển mạnh mẽ nhờ có dân số trẻ và tỉ lệ sử dụng thiết bị di động và Internet cao.
Trước đó, theo ghi nhận của Napas, việc sử dụng các dịch vụ trực tuyến gắn với thanh toán không dùng tiền mặt như gọi xe công nghệ, giao hàng, mua hàng hóa, dịch vụ trên các nền tảng thương mại điện tử, hay thanh toán không tiếp xúc tại các điểm bán lẻ, cửa hiệu tạp hóa... tiếp tục có sự tăng trưởng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2022.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, giao dịch qua hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 94% về số lượng và 114,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, các hình thức thanh toán qua hệ thống điện tử liên ngân hàng, thanh toán thẻ chip, thanh toán trên internet; thanh toán qua di động, thanh toán qua mã QR và số lượng ví điện tử được kích hoạt... đều có sự tăng trưởng đáng kể.
Mục tiêu đến năm 2025 thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử sẽ đạt 50%. Điều này hoàn toàn có thể đạt được. Bởi theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, hiện tỷ lệ người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán đạt gần 66%. Cả nước đã có thêm khoảng 3,4 triệu tài khoản và 1,3 triệu thẻ ngân hàng được mở mới trực tuyến. Trong số 1,1 triệu khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ Mobile Money, có gần 660.000 là khách hàng ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 69,7% về số lượng, 27,5% về giá trị; giao dịch qua internet cũng tăng tương ứng 48,39% và 32,76%; qua điện thoại di động tăng tương ứng 97,65% và 86,68%; qua QR code tăng tương ứng 56,52% và 111,62% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng số ví điện tử đã kích hoạt tăng 10,37% so với cuối năm 2021.
Một số chuyên gia cho biết, hiện tỷ lệ người dân tại khu vực Đông Nam Á sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt như thẻ ngân hàng hay ví điện tử trên thiết bị di động rất cao, trung bình khoảng 93%.
Tuy nhiên, với vùng nông thôn ở Việt Nam việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt khó khăn hơn do thói quen cũng như việc người lớn tuổi sử dụng các thiết bị điện tử không thuận lợi.
Như vậy, việc thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam đang có sự phát triển mạnh ở mọi khu vực, hạ tầng cho hoạt động này cũng đang được đầu tư tốt. Đây cũng là sự cạnh tranh của các ngân hàng thương mại để có thể “hút” tiền giao dịch qua ngân hàng của mình, vì thế các hoạt động giao dịch này mỗi ngân hàng đều có những chính sách ưu đãi khác nhau, tạo nên “trăm hoa đua nở”.