Cuối năm 2009, một hãng xe Trung Quốc với logo hình ngọn núi đánh tiếng hỏi mua lại thương hiệu Volvo từ tập đoàn Ford của Mỹ.
Thương vụ ngoạn mục này đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của cộng đồng vào hãng xe gần như là một tân binh vô danh ở thời điểm ấy, bởi chỉ vừa chính thức trình làng toàn cầu tại triển lãm Frankfurt Motor Show diễn ra tại Đức hồi năm 2005.
Và đó là cách mà thế giới biết đến Geely, tập đoàn ôtô Trung Quốc do Li Shufu thành lập và đang sở hữu một loạt thương hiệu ôtô tên tuổi như Volvo, Polestar, Lynk & Co, Zeekr hay chính hãng xe Geely.
Đổi đời nhờ thương vụ Volvo
Là một thương hiệu Trung Quốc vốn khá non trẻ so với sự phát triển chung của ngành công nghiệp ôtô toàn cầu, Geely của Li Shufu hiểu rõ bản thân khó có thể tiếp cận các thị trường lâu đời như Mỹ hay châu Âu với nội tại hiện có.
Do đó, Geely tìm cách xâm nhập các thị trường này thông qua nỗ lực kết hợp với một thương hiệu danh tiếng đã quen mặt với khách hàng thế giới. Volvo, thương hiệu xe sang Thụy Điển vốn đang rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng ở thời điểm đó, đã trở thành lựa chọn của Geely.
Cuối năm 2009, Geely xác nhận đang đàm phán với Ford để mua lại Volvo. Một năm sau, tập đoàn của Li Shufu hoàn tất mua lại thương hiệu xe Thụy Điển với giá 1,8 tỷ USD. Thương vụ này được xem là một món hời của Geely bởi số tiền mà tập đoàn ôtô Trung Quốc bỏ ra chỉ bằng một phần ba những gì Ford phải trả để mua lại Volvo từ Volvo Group hồi năm 1999.
Khi trao đổi với báo giới sau thương vụ Volvo, Li Shufu nhiều lần khẳng định “Volvo là Volvo và Geely là Geely” hay “Geely và Volvo như những người anh em”, qua đó xác nhận tập đoàn Trung Quốc mua lại thương hiệu xe Thụy Điển để làm đối tác chứ không phải để sở hữu.
Nhờ khung gầm SPA được phát triển sau thời điểm về chung một nhà với Geely, doanh số Volvo có dấu hiệu phục hồi trở lại và đến năm 2018 đã tăng trưởng gấp đôi so với cùng kỳ của năm 2009.
Năm 2017, Volvo xô đổ kỷ lục doanh số và lợi nhuận từng tồn tại trong 91 năm khi bán được 571.577 xe cùng lợi nhuận 1,76 tỷ USD. Chỉ một năm sau, thành tích này tiếp tục bị vượt qua với tổng số 642.253 xe bán ra trên toàn cầu, tăng trưởng đến 12,4% so với năm 2017 và là năm thứ 5 liên tiếp tăng trưởng dương.
Như vậy, việc Geely mua lại Volvo nhìn chung đã là một thương vụ có lãi. Hãng xe Thụy Điển được hồi sinh từ khủng hoảng, còn Geely từ một cái tên vô danh đến từ ngành công nghiệp ôtô non trẻ tại Trung Quốc đã nhanh chóng được cả thế giới biết mặt gọi tên.
Khó khăn thuở ban đầu
Doanh nhân Li Shufu đã chọn Geely, cụm từ bắt nguồn từ tiếng Trung Quốc mang ý nghĩa "tốt lành", để làm cái tên cho công ty của mình. Dù vậy, mọi thứ dường như đã không diễn ra tốt đẹp như mong muốn của người đàn ông từng khởi nghiệp ở một hiệu chụp ảnh nhỏ.
Geely được Li Shufu thành lập vào năm 1986 với khởi điểm là một công ty sản xuất linh kiện tủ lạnh trước khi có thể lắp ráp và bán những chiếc tủ lạnh hoàn chỉnh.
Ngành ôtô Trung Quốc vẫn còn khá non trẻ ở giai đoạn hình thành của Geely. Ôtô lưu hành tại quốc gia tỷ dân khi này chủ yếu có nguồn gốc từ nước ngoài, còn sản lượng xe lắp ráp nội địa trong năm 1985 chỉ đạt khoảng 5,2% tổng doanh số.
Năm 1993, Li Shufu thành lập công ty tư nhân đầu tiên của Trung Quốc sản xuất xe máy. Đến năm 1998, dây chuyền sản xuất xe van cỡ nhỏ của Geely đi vào hoạt động trước khi chính thức xuất xưởng mẫu xe đầu tiên vào ngày 8/8, một ngày may mắn theo quan niệm dân gian của người Trung Quốc.
Tuy nhiên, chất lượng kém của những mẫu xe thương mại đầu tiên khiến ông chủ Li Shufu cũng phải lắc đầu ngao ngán. Ông từ chối bán các mẫu xe này và khẳng định đã loại bỏ toàn bộ sản phẩm trong đợt xuất xưởng đầu tiên vì “vẫn chưa đủ tốt”.
Lô thứ hai, rồi đến lô hàng thứ ba cũng vẫn chưa thể làm hài lòng Li Shufu. Thậm chí, một nhà máy của Geely đặt tại Ninh Ba (Chiết Giang, Trung Quốc) hồi năm 2000 từng bị ông chủ thẳng thừng chê bai đã tạo ra “sản phẩm tồi, chất lượng kém”.
Mọi chuyện dường như tốt đẹp hơn cho Geely cũng như toàn ngành công nghiệp ôtô Trung Quốc khi nước này chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001. Trong giai đoạn từ 2002 đến 2007, sản lượng ôtô tại quốc gia tỷ dân đạt mức tăng trưởng trung bình 21%/năm.
Sang đến năm 2009, Trung Quốc chính thức vượt qua Mỹ để trở thành quốc gia sản xuất ôtô lớn nhất thế giới về số lượng với tổng cộng 13,79 triệu xe xuất xưởng, trong đó có 8 triệu ôtô du lịch cùng 3,41 triệu xe thương mại.
Riêng đối với Geely, hãng xe này đã chính thức ghi danh vào top 10 nhà sản xuất ôtô hàng đầu Trung Quốc vào năm 2002 nhờ doanh số cùng độ phổ biến tăng trưởng tốt. Dù vậy, Geely vẫn chưa phải là một cái tên quá nổi bật bởi thị trường ôtô Trung Quốc lúc đó là sân chơi chủ yếu của nhóm "Big Four" thuộc sở hữu nhà nước, bao gồm SAIC, Dongfeng, FAW và Changan.
Nỗ lực điện hóa
Năm 2015, Geely công bố dự án Blue Geely Initiative với mục tiêu 90% doanh số bán hàng của tập đoàn trong năm 2020 sẽ là ôtô năng lượng mới.
Tập đoàn của tỷ phú Li Shufu đã thật sự nghiêm túc với mục tiêu này khi sẵn sàng chi rất nhiều tiền để phục vụ quá trình điện hóa. Trong nửa đầu năm 2022, báo cáo từ The China Report cho biết Geely đã đầu tư 3,63 tỷ NDT, tương đương khoảng 509 triệu USD, cho nghiên cứu và phát triển điện hóa.
Kết thúc năm 2023, ôtô năng lượng mới từ các thương hiệu thuộc tập đoàn Geely đạt tổng doanh số 980.000 xe, tăng hơn 51% so với cùng kỳ năm trước. Mục tiêu lấp đầy doanh số bằng xe năng lượng mới từ dự án Blue Geely Initiative của tập đoàn có vẻ đã chưa thể thành công. Rõ ràng, Geely vẫn còn nhiều việc phải làm nếu muốn thành công trên con đường điện hóa.
Tại thị trường quê nhà, nhóm ôtô thuần điện đạt tổng doanh số hơn 5,1 triệu xe trong năm 2023. Trong đó, 2 hãng xe Geely và Zeekr lần lượt đạt doanh số 121.176 xe và 118.685 xe, nắm giữ thị phần khiêm tốn khi đặt cạnh những cái tên khác như BYD (hơn 1,3 triệu xe) hay Tesla với 603.664 xe điện đã bán thành công cho khách hàng Trung Quốc.
Top 10 mẫu xe bán chạy nhất Trung Quốc cũng hoàn toàn vắng bóng các mẫu xe đến từ thương hiệu thuộc sở hữu của Geely. Dù vậy, giới lãnh đạo Geely cũng có thể tạm hài lòng khi doanh số chung của tập đoàn đã tăng trưởng 20% trong năm vừa rồi, đạt 2,79 triệu xe trên toàn cầu và đã là năm thứ 6 liên tiếp ghi nhận lượng tiêu thụ trên 2 triệu chiếc.
Vị thế của Geely
Với hơn 30 thương hiệu ôtô lớn nhỏ khác nhau và có cả cổ phần trong Daimler AG (chủ sở hữu thương hiệu Mercedes-Benz), tập đoàn Geely dường như đã trở thành một ông lớn thực sự trong nền công nghiệp ôtô thế giới.
Tuy vậy, doanh số gộp 2,79 triệu xe của tập đoàn chỉ có đóng góp tương đối khiêm tốn của các hãng xe thành viên. Geely là thương hiệu đóng góp nhiều nhất vào tổng doanh số của tập đoàn trong năm vừa rồi với 1,68 triệu xe. Volvo đạt doanh số 708.716 xe trên toàn cầu trong năm 2023, còn Lynk & Co báo cáo doanh số ở mức 220.250 xe.
Cần phải nhắc lại rằng chỉ trong nửa đầu năm 2023, doanh số của BYD đã là 1,25 triệu xe trên toàn cầu, giúp hãng xe Trung Quốc lọt top 10 hãng ôtô bán chạy nhất thế giới vào thời điểm đó. Tập đoàn Ford đứng thứ 7 cũng ghi nhận doanh số 2,17 triệu xe trong nửa đầu năm 2023, trong khi General Motors xếp ngay trên với doanh số 2,96 triệu xe.
Thương vụ mua lại Volvo là một động thái giúp tăng giá trị thương hiệu Geely trên bản đồ ôtô toàn cầu, nhưng dường như chỉ vậy là chưa đủ để nâng tầm Geely như cách mà tập đoàn đồng hương BYD đang làm được.
Trong năm 2023, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản để trở thành quốc gia xuất khẩu ôtô số một thế giới. Trong tổng số 5,22 triệu xe mà Trung Quốc xuất đi, Geely đóng góp 274.101 xe, xếp sau Chery, SAIC, Tesla nhưng nhỉnh hơn con số 242.765 xe của BYD.
Tại thị trường châu Âu, Geely là hãng xe Trung Quốc đầu tiên bán sản phẩm của mình cho khách hàng ở lục địa già. Tuy nhiên, những thương hiệu ôtô thuộc tập đoàn Geely ở thời điểm hiện tại vẫn chưa thể cạnh tranh sòng phẳng với các hãng xe khác tại châu Âu.
Theo số liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất Ôtô châu Âu (ACEA), danh sách 10 hãng xe bán chạy nhất lục địa già trong năm 2022 hoàn toàn vắng bóng những cái tên như Volvo, Polestar hay Lynk & Co. Thậm chí với Lynk & Co, hãng xe này thường được biết đến rộng rãi tại châu Âu nhờ dịch vụ cho thuê ôtô thay vì bán xe cho khách hàng như cách làm truyền thống.
Dù vậy, chiến lược của Lynk & Co lại tỏ ra tương đối thành công tại châu Âu và giúp tên tuổi này gia tăng khả năng tiếp cận với khách hàng. Bằng chi phí hàng tháng 500 EUR (khoảng 544 USD), khách hàng châu Âu có thể thuê một chiếc SUV hybrid thương hiệu Lynk & Co để phục vụ cho mọi nhu cầu cá nhân, thậm chí là tiếp tục mang chiếc xe đó cho người khác thuê.
Theo Reuters, chính sách này của Lynk & Co đã thu hút hơn 60.000 lượt đăng ký trên khắp châu Âu vào năm 2022. Tính đến hết tháng 4/2023, Lynk & Co đã ghi nhận tổng cộng 200.000 thành viên đăng ký sử dụng dịch vụ xe thuê ở lục địa già, với khoảng 25.000 trong số đó là người Pháp.
Chiến lược độc đáo mà Lynk & Co áp dụng tại châu Âu thể hiện rõ sự linh hoạt trong cách tiếp cận các thị trường khác nhau mà hãng xe này nói riêng cũng như tập đoàn Geely đang hướng đến.
Giám đốc điều hành của Lynk & Co từng lý giải rằng khách hàng châu Âu và Mỹ không muốn sở hữu xe mà chỉ cần một phương tiện để di chuyển. Điều này khác hoàn toàn với nhóm khách hàng tại Trung Quốc, vốn là những người trẻ với nhu cầu được sở hữu một chiếc ôtô.
Đối diện với sự cạnh tranh ngày một mạnh mẽ không chỉ ở Trung Quốc mà còn nhiều quốc gia khác trên thế giới, Geely và các thương hiệu ôtô thành viên có lẽ sẽ còn nhiều điều phải làm, nhất là trên hành trình điện hóa mà tỷ phú Li Shufu đang theo đuổi.