Mọi thứ bắt đầu với hươu cao cổ.
Khi Đại sứ quán Mỹ tại Trung Quốc đăng bức ảnh về loài động vật cao nhất thế giới trên nền tảng truyền thông xã hội vào tuần trước, nội dung chính hướng tới bảo tồn động vật.
Tuy nhiên, người dùng mạng xã hội ở Trung Quốc muốn nói về điều khác. Đó là nỗi niềm trên thị trường chứng khoán thiếu tươi sáng.
Hàng chục nghìn người dùng trên Weibo đã đổ xô vào bài đăng để bày tỏ sự thất vọng khi thị trường chứng khoán Trung Quốc chạm mức thấp nhất trong 5 năm, NBC News đưa tin.
Theo Wall Street Journal, thị trường chứng khoán Trung Quốc đang bước vào năm sụt giảm thứ 4 liên tiếp. Nhiều nhà đầu tư cá nhân nước này đã chuyển hướng sang đầu tư vào những tài sản an toàn hơn hoặc tăng cường đầu tư chứng khoán nước ngoài.
“Hoạt động của thị trường chứng khoán phản ánh hoạt động của nền kinh tế”, một tài khoản đến từ tỉnh Hồ Nam bình luận.
“Ngay cả hươu cao cổ cũng được bảo vệ, thật ghen tị”, bình luận khác trong bài viết cho hay.
"Ghen tị với hươu cao cổ"
Hàng nghìn bình luận về thị trường chứng khoán đã xuất hiện trên Weibo sau khi Đại sứ quán Mỹ chia sẻ hình ảnh hươu cao cổ hoang dã vào ngày 2/2.
Bài viết này đã thu hút hơn 130.000 bình luận và 15.000 lượt đăng lại, trong đó nhiều bình luận không liên quan gì đến bảo tồn động vật hoang dã, theo Reuters.
Không dừng lại ở đó, sau khi một số bình luận trên tài khoản của Đại sứ quán Mỹ bị xóa, các nhà đầu tư đã chuyển sang bài đăng của Đại sứ quán Ấn Độ tại Trung Quốc.
Thị trường chứng khoán Ấn Độ đã tăng mạnh trong 2 năm qua, thu hút nhiều nhà quản lý danh mục đầu tư nước ngoài. Chỉ số MSCI (được sử dụng để đo lường hiệu suất của các thị trường chứng khoán và tài sản tài chính trên khắp thế giới) của Ấn Độ đã tăng 19,6% trong năm ngoái, so với mức giảm 13,3% của Trung Quốc.
“Ấn Độ có thể vượt qua Trung Quốc trong thời gian tới!”, một người dùng bình luận vào tối 4/2, đồng thời gắn thẻ tài khoản weibo của Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc.
Đến sáng 7/2, các bình luận bắt đầu xuất hiện dưới bài đăng chào đón khách du lịch đến thành phố Munakata ở tỉnh Fukuoka của Đại sứ quán Nhật Bản.
Nỗ lực ổn định thị trường
Trước đó, một cơn sốt mạng xã hội tương tự cũng từng xảy ra vào đầu năm 2018. Các bài đăng trên tài khoản Weibo của Đại sứ quán Mỹ về Thế vận hội mùa đông, cùng video chúc mừng Tết Nguyên đán của vợ chồng cựu Đại sứ Mỹ Terry Branstad đã thu hút hàng nghìn bình luận liên quan đến thị trường chứng khoán.
Trung Quốc đang phải đối mặt với vấn đề trên nhiều mặt. Theo số liệu chính thức, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã tăng trưởng 5,2% trong năm ngoái.
Tuy nhiên, nước này vẫn phải đối mặt với một số thách thức kinh tế, bao gồm suy thoái bất động sản, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao và dân số giảm.
Năm 2023 đầy khó khăn đối với chứng khoán Trung Quốc đã kéo dài sang cả năm mới, khi thị trường trong nước ghi nhận một số tuần tồi tệ nhất trong nhiều năm qua.
Tuần trước, chỉ số Shanghai Composite đạt mức thấp nhất kể từ năm 2019. Trong khi đó, chỉ số CSI 300 của Trung Quốc đã giảm 6,3% tính riêng trong tháng 1 này, đánh dấu tháng suy yếu thứ 6 liên tiếp và là chuỗi giảm kỷ lục.
Dù vậy, hôm 6/2, chứng khoán Trung Quốc đã ghi nhận mức tăng trong ngày lớn nhất trong 2 năm.
Vào cuối tháng 1 vừa qua, truyền thông nhà nước đưa tin Trung Quốc sẽ thực hiện các biện pháp mạnh mẽ hơn để hỗ trợ niềm tin thị trường sau cuộc họp nội các do Thủ tướng Lý Cường chủ trì.
Nhà chức trách Bắc Kinh trong những ngày gần đây cũng đưa ra một loạt thông báo cho biết chính quyền trung ương và các cơ quan quản lý sẽ làm những gì cần thiết để hỗ trợ thị trường.
Cuối tuần qua, Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc cho hay cơ quan này sẽ nỗ lực hành động nhằm ngăn ngừa các biến động bất thường, thúc đẩy quỹ trung và dài hạn tham gia vào thị trường thời gian tới cũng như kiểm soát hành vi bất hợp pháp.