Chứng khoán Trung Quốc đã có một sự khởi đầu tồi tệ cho năm 2024, nhưng thực ra thị trường này đã giảm gần như liên tục sau khi đạt đỉnh gần đây nhất vào tháng 2/2021. Trong vòng 3 năm, khoảng 6 nghìn tỷ USD vốn hoá đã bị cuốn phăng khỏi các sàn giao dịch chứng khoán ở Trung Quốc đại lục và Hồng Kông.
Từ đầu năm đến nay, chỉ số Hang Seng đã giảm 10%, trong khi hai chỉ số Shanghai Composite và Shenzhen Component ghi nhận mức giảm tương ứng 7% và 10%. Tình trạng giảm điểm chóng mặt này khiến nhiều người nhớ lại đợt lao dốc của chứng khoán Trung Quốc hồi năm 2015-2016, đồng thời phản ánh sự suy giảm niềm tin của nhà đầu tư vào triển vọng kinh tế Trung Quốc.
“3 năm qua chắc chắn là một khoảng thời gian khó khăn đối với nhà đầu tư chứng khoán Trung Quốc. Mức định giá cổ phiếu Trung Quốc đang rất thấp và các quỹ đầu tư đang phân bổ tỷ trọng vốn thấp nhất trong khoảng 1 thập kỷ trở lại đây vào thị trường này”, một báo cáo của ngân hàng Goldman Sachs ngày 23/1 nhận định.
Nền kinh tế Trung Quốc đang đương đầu với một loạt vấn đề: sự suy giảm kỷ lục của thị trường bất động sản, giảm phát, nợ chồng nợ của các chính quyền địa phương, tỷ lệ sinh giảm và lực lượng lao động giảm. Một số thay đổi chính sách của Bắc Kinh trong những năm gần đây cũng đặt ra thách thức đối với khu vực kinh tế tư nhân và khiến nhà đầu tư nước ngoài ngần ngại.
Chứng khoán Trung Quốc đang là thị trường giảm mạnh nhất thế giới từ đầu năm đến nay. Đáng chú ý, sự giảm điểm đó diễn ra trong bối cảnh chứng khoán toàn cầu tăng điểm, dẫn đầu là các thị trường Mỹ và Nhật Bản.
Đã có những dấu hiệu cho thấy Chính phủ Trung Quốc bất an. Tuần này, hãng tin Reuters dẫn nguồn thạo tin nói rằng Bắc Kinh yêu cầu các ngân hàng thương mại quốc doanh bán ra USD để hỗ trợ tỷ giá đồng nhân dân tệ. Ngày thứ Ba, hãng tin Bloomberg dẫn nguồn tin thân cận cho biết Trung Quốc đang cân nhắc thành lập một quỹ trị giá 278 tỷ USD để vực dậy thị trường chứng khoán. Tại một cuộc họp hôm thứ Hai, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường yêu cầu các cơ quan chức năng triển khai “các biện pháp mạnh mẽ và hiệu quả” để ổn định thị trường.
Điều gì khiến nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu Trung Quốc?
Giới đầu tư lo ngại Trung Quốc không có những chính sách hiệu quả để đưa nền kinh tế phục hồi một cách bền vững.
Năm 2023, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 5,2%, mức tăng thấp nhất kể từ năm 1990 nếu không tính 3 năm đại dịch Covid-19 tính đến 2022. Nhiều chuyên gia quốc tế dự báo nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chỉ đạt mức tăng trưởng 4,5% trong năm nay và tiếp tục giảm tốc về dưới 4% trong trung hạn.
Mức tăng trưởng như vậy có thể được xem là hợp lý đối với một nền kinh tế lớn, nhưng thấp hơn nhiều so với mức tăng hai con số mà Trung Quốc đã duy trì trong suốt mấy thập kỷ. Không ít chuyên gia lo ngại Trung Quốc có thể đang bước vào một thời kỳ tăng trưởng trì trệ kéo dài nhiều thập kỷ, vì sự giảm tốc của nền kinh tế nước này mang tính cấu trúc và sẽ không dễ dàng đảo ngược được.
“Đang có một sự mơ hồ ngày càng lớn về lập trường chính sách của Bắc Kinh đối với nền kinh tế”, một báo cáo của ngân hàng Nomura ngày 22/1 nhận định. “Tuần này, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (POBC) đã không giảm lãi suất như kỳ vọng. Phát biểu của các quan chức cấp cao cho thấy Bắc Kinh không muốn tìm kiếm tăng trưởng ngắn hạn mà làm gia tăng rủi ro dài hạn”.
Tuần trước, PBOC giữ nguyên lãi suất của cơ chế cho vay trung hạn (MLF), trái ngược với thị trường cho rằng sẽ có đợt giảm lãi suất này lần đầu tiên kể từ tháng 8. Hôm thứ Hai tuần này, PBOC lại giữ nguyên lãi suất cơ bản (LPR) - một lãi suất chi phối các khoản vay thế chấp nhà - một lần nữa gây thất vọng cho những nhà đầu tư đặt hy vọng vào hạ lãi suất.
Kích cầu nhỏ giọt, kém hiệu quả
Trong năm qua, Trung Quốc đã triển khai các biện pháp nhỏ giọt nhằm kích thích nền kinh tế phục hồi, nhưng các nhà phân tích của ngân hàng Goldman Sachs cho rằng những biện pháp như vậy là không đủ. “Việc nới lỏng chính sách vĩ mô truyền thống đến nay không đạt được như kỳ vọng của nhà đầu tư. Việc chuyển từ áp dụng các biện pháp nhỏ giọt sang kích cầu quyết liệt trên quy mô lớn có thể là điều cần thiết để đảo ngược tâm lý bi quan trên thị trường”, báo cáo của Goldman Sachs có đoạn viết.
Theo báo cáo nói trên, Trung Quốc đang rất cần “sự hậu thuẫn hiệu quả của chính phủ” để vực dậy các công ty bất động sản đang suy sụp và kích thích nhu cầu mua nhà để giải quyết cuộc khủng hoảng bán động sản - gốc rễ của nhiều vấn đề kinh tế mà nước này đang phải đương đầu.
Ngoài ra, nhà đầu tư còn lo ngại về những vấn đề liên quan đến tương lai của kinh tế Trung Quốc.
“Cam kết cải cách của Trung Quốc đang bị hoài nghi”, báo cáo của Goldman Sachs nhấn mạnh, và nói thêm rằng mối lo này xuất phát từ việc Trung Quốc mạnh tay với các công ty công nghệ lớn và gia tăng vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong các ngành công nghiệp quan trọng. “Những điều khó lường về chính sách như vậy đã làm suy giảm tâm lý ham thích đầu tư”, báo cáo viết.
Ngoài ra, căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung được cho là nguyên nhân khiến nhiều nhà đầu tư Mỹ giảm hiện diện tại Trung Quốc và giảm nắm giữ cổ phiếu Trung Quốc.
Trung Quốc đã và sẽ làm gì để hỗ trợ thị trường chứng khoán?
Thủ tướng Lý Cường, người chủ trì cuộc họp Hội đồng Nhà nước vào hôm thứ Hai, đã cam kết hành động để thúc đẩy thị trường chứng khoán và cải thiện thanh khoản cho thị trường - một tuyên bố do thông tấn Tân Hoa Xã đăng tải cho biết. Tuy nhiên, tuyên bố không nói rõ biện pháp cụ thể nào sẽ được triển khai.
Cùng ngày, các ngân hàng quốc doanh lớn của Trung Quốc đã có hành động để hỗ trợ tỷ giá đồng nhân dân tệ, nhằm ngăn đồng nội tệ rớt giá quá nhanh trong bối cảnh sự bán tháo diễn ra trên thị trường chứng khoán nước này - Reuters dẫn nguồn thạo tin cho hay.
Ngày thứ Ba, Bloomberg đưa tin nhà chức trách Trung Quốc đang cân nhắc mở quỹ 2 nghìn tỷ nhân dân tệ (278 tỷ USD), chủ yếu bằng tiền từ tài khoản ngoài đại lục của các công ty quốc doanh, để bình ổn chứng khoán. Theo dự định, quỹ này sẽ mua cổ phiếu niêm yết ở Trung Quốc đại lục thông qua liên kết giao dịch giữa thị trường đại lục với thị trường chứng khoán Hồng Kông. Ngoài ra, Chính phủ Trung Quốc cũng đã phân bổ 300 tỷ nhân dân tệ ngân sách để mua vào cổ phiếu tại đại lục.
“Nếu những thông tin này là chính xác, chương trình mua tài sản có thể tạo ra một lực cầu lớn đối với nhân dân tệ”, chiến lược gia Ken Cheung của ngân hàng Mizuho nhận định, đồng thời cho rằng việc PBOC không giảm lãi suất ở thời điểm này là nhằm mục đích giữ tỷ giá nhân dân tệ.
Các thông tin trên đã đủ để giúp chứng khoán Trung Quốc tránh được một phiên giảm vào ngày thứ Ba. Chỉ số Hang Seng đóng cửa với mức tăng 2,6% và Shanghai Composite tăng 0,5%.
Phản ứng của nhà đầu tư Trung Quốc
Xu hướng giảm mạnh của thị trường chứng khoán Trung Quốc đã khiến giới đầu tư nước này lo ngại, và nhiều người trong số họ đã lên mạng xã hội để bày tỏ mối lo đó, kêu gọi nhà chức trách đưa ra các biện pháp hiệu quả hơn để cải thiện tình hình.
Số liệu chính thức cho thấy có 220 triệu nhà đầu tư cá nhân trên thị trường chứng khoán Trung Quốc, chiếm 99% tổng số nhà đầu tư.
Trên mạng xã hội Weibo vào ngày thứ Ba, các chủ đề nóng nhất bao gồm “thị trường sụt giảm” và “giải cứu thị trường chứng khoán Trung Quốc”. Ngay cả những nhân vật có ảnh hưởng - những người thường đưa ra những ý kiến phù hợp với quan điểm chính thức của Chính phủ - cũng lên tiếng kêu gọi nhà chức trách hành động gấp rút để cứu nhà đầu tư nhỏ lẻ.
“Tôi buồn vì diễn biến thị trường chứng khoán ngày hôm nay”, ông Hu Xijin - nguyên Tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn Cầu - viết trên Weibo hôm thứ Hai. “Chứng khoán giảm liên tục không chỉ ảnh hưởng đến thị trường vốn mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin vào toàn bộ nền kinh tế và niềm tin nói chung của xã hội. Cá nhân tôi tin rằng đây là một vấn đề cấp bách cần được giải quyết để ngăn chặn rủi ro tài chính và cải thiện niềm tin xã hội”, ông Hu viết.
Ông Hu cũng cho biết ông đã thua lỗ hơn 70.000 nhân dân tệ, tương đương gần 10.000 USD, kể từ khi bắt đầu chơi chứng khoán vào tháng 6 năm ngoái.