Hạ tầng

Phát triển logistics là nền tảng để Bình Dương bứt phá về kinh tế

Phát triển bền vững hệ thống logistics "xương sống" là nền tảng để Bình Dương thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy liên kết vùng và hội nhập kinh tế quốc tế.

Năm 2022, xuất nhập khẩu tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của Bình Dương. Chỉ riêng 10 tháng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt hơn 29 tỷ USD, nhập khẩu đạt hơn 21 tỷ USD, duy trì thặng dư thương mại 8 tỷ USD.

"Sự phát triển thần tốc của hệ thống logistics Bình Dương đóng vai trò xương sống thúc đẩy kinh tế - xã hội Bình Dương sau hơn 2 thập kỷ qua" , PGS. TS Hồ Thị Thu Hòa, Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển logistics Việt Nam, nhận định.

Cầu nối hội nhập

Nhiều năm qua, Bình Dương duy trì thành tích tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao. Địa phương cũng được nhìn nhận là tỉnh công nghiệp đi đầu của cả nước, đặc biệt là luôn chủ động thúc đẩy xuất nhập khẩu đến thị trường thế giới.

Bình Dương cũng khẳng định quyết tâm trở thành trung tâm vệ tinh, nơi tập kết hàng hóa và dịch vụ logistics, đồng thời hình thành chuỗi cung ứng hàng hóa, thúc đẩy phân phối, xuất khẩu ra nước ngoài, tạo ra các trung tâm logistics có quy mô cấp khu vực trên địa bàn.

Phát triển logistics bền vững là nền tảng giúp Bình Dương trở thành trung tâm công nghiệp, đô thị thông minh.

PGS. TS Hồ Thị Thu Hòa

PGS Hồ Thị Thu Hòa đánh giá những năm qua, Bình Dương đã tận dụng tốt lợi thế về vị trí địa lý, đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ để thúc đẩy liên kết vùng và hội nhập.

Bên cạnh lợi thế là tỉnh công nghiệp phát triển và đứng đầu cả nước về thu hút vốn FDI, Bình Dương đã thành công trong việc thu hút cho các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh, khai thác dịch vụ logistics với hệ thống kho, bãi, phương tiện vận chuyển liên tục được đầu tư mới, mở rộng, nâng cấp, đáp ứng yêu cầu lưu thông hàng hóa của doanh nghiệp.

Theo PGS Hòa, hệ thống logistics là cầu nối đưa chuỗi cung ứng hàng hóa từ nhà sản xuất đến các thị trường tiêu thụ, thúc đẩy dòng chảy giao dịch kinh tế hàng hóa, dịch vụ cho địa phương.

Vận tải hàng hóa tại Bình Dương chủ yếu thông qua hình thức đường bộ - đoạn Mỹ Phước - Tân Vạn (Bình Dương). Ảnh: Quỳnh Danh.

Đồng thời, logistics còn đóng vai trò xúc tiến thương mại, đầu tư quốc tế trong bối cảnh hội nhập kinh tế, giúp giảm chi phí vận chuyển, hạ giá thành sản phẩm; tăng năng lực giao hàng tại tỉnh này.

"Phát triển logistics bền vững sẽ quyết định thành công của chiến lược của Bình Dương khi muốn trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại vào năm 2030 và đô thị thông minh năm 2045, tạo ra cơ hội thu hút đầu tư rất lớn. Vì các nhà đầu tư sẽ ưu tiên các quốc gia có điều kiện phát triển tốt không chỉ về cơ sở hạ tầng mà còn là mức độ phát triển của hoạt động logistics ", PGS Hồ Thị Thu Hòa phân tích.

Thách thức nguồn nhân lực

Xuyên suốt chủ trương lấy công nghiệp làm nền tảng, Bình Dương đã thể hiện quan điểm nhất quán khi xây dựng kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp gắn với đô thị hóa, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Các khu công nghiệp của tỉnh chiếm 1/4 diện tích khu công nghiệp phía nam, đây cũng là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về sản xuất công nghiệp, đứng thứ 2 về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, chỉ sau TP.HCM.

Hiện tại có khoảng gần 80 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực logistics tại các khu công nghiệp trên địa bàn như vận tải và cho thuê container, xây dựng và cho thuê nhà xưởng, kho bãi; dịch vụ đóng gói; tư vấn hỗ trợ xuất nhập khẩu; giao nhận và khai báo hải quan...

Tuy nhiên, PGS Hòa nhìn nhận nguồn nhân lực phục vụ trong ngành logistics tại Bình Dương đa số là lao động phổ thông, chưa được đào tạo chính quy theo đúng chuyên môn.

"Giống với tình trạng chung của Việt Nam, tỉnh Bình Dương có ít trung tâm giáo dục đào tạo chuyên ngành về dịch vụ logistics. Nhìn chung trình độ tay nghề chưa đáp ứng được với nhu cầu phát triển của dịch vụ logistics của tỉnh về dài hạn", bà Hòa nói.

Bên cạnh đó, vị phó giáo sư đánh giá các loại hình dịch vụ chất lượng cao, có giá trị gia tăng lớn hay dịch vụ hỗ trợ phát triển công nghiệp, đô thị vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh này.

Theo PGS Hồ Thị Thu Hòa, dịch vụ thương mại tại Bình Dương chỉ mới tập trung ở một số thành phố phía nam. Nhiều doanh nghiệp chỉ cung cấp được dịch vụ 1PL, 2PL, số lượng trung tâm lớn cung cấp được dịch vụ 3PL còn hạn chế. Bên cạnh đó, doanh nghiệp logistics cũng phân bố không đồng đều, chỉ tập trung chủ yếu tại TP Dĩ An, TP Thuận An.

Việc phát triển dịch vụ logistics hiện nay của tỉnh cũng phụ thuộc chính vào hệ thống đường bộ, chiếm trên 98% khối lượng vận chuyển hàng hóa, giao thông đường bộ của tỉnh đang chịu áp lực lớn. Theo chuyên gia, điều này dẫn đến tình trạng kẹt xe, chi phí vận tải chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng chi phí logistics.

Tiếp cận xu hướng logistics thế giới

Để phát triển bền vững hệ thống logistics tại Bình Dương, PGS Hồ Thị Thu Hòa nhận định tỉnh cần ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử vào hệ thống thông tin quản trị chuỗi cung ứng toàn cầu, công nghệ nhận dạng bằng tần số vô tuyến.

Chiến lược phát triển logistics của Bình Dương phải gắn liền với quy hoạch phát triển liên kết vùng kinh tế và quốc gia.

PGS. TS Hồ Thị Thu Hòa

"Vì thông tin được truyền càng nhanh và chính xác thì các quyết định trong hệ thống logistics càng hiệu quả", chuyên gia lý giải.

Đồng thời, bà Hòa cho biết việc áp dụng phương thức tự động hóa sẽ góp phần thay đổi cách thức logistics hoạt động, và tăng tính an toàn, hiệu quả và chất lượng cao hơn.

Mặt khác, để phát triển bền vững hệ thống logistics hướng đến hội nhập quốc tế, tỉnh cần xác định tư duy logistics trong khâu hoạch định các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ hội nhập. Trong đó, logistics cần được hiểu rộng và đầy đủ hơn thay vì chỉ là vận tải hay dịch vụ giao nhận đơn thuần.

Vận chuyển hàng hóa đường thủy tại Bình dương có sản lượng nhỏ, chỉ chiếm 1% - Phố đi bộ Bình Dương ven sông Sài Gòn. Ảnh: Quỳnh Danh.

Bình Dương cũng cần bổ sung kịp thời chính sách phát triển các ngành dịch vụ cơ sở hạ tầng như giao thông, thương mại, công nghệ thông tin, tài chính, đặc biệt là đối với ngành logistics, thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững hướng tới hội nhập quốc tế.

"Việc xây dựng chiến lược và quy hoạch phát triển logistics cho tỉnh Bình Dương phải gắn liền với quy hoạch phát triển liên kết vùng kinh tế và quốc gia, tránh trường hợp quy hoạch rời rạc thiếu tính liên kết giữa các vùng", PGS Hòa lưu ý.

Ngoài ra, với nhu cầu dịch vụ logistics ngày càng tăng cao theo quy mô phát triển các khu công nghiệp trong tỉnh và vùng kinh tế lân cận, chuyên gia cho rằng Bình Dương cần đầu tư, cải tạo, mở rộng hạ tầng logistics như bến cảng, đường xá, kho bãi, sân bay, nhà ga... nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai.

Trước sự bùng nổ của khoa học - công nghệ, nhiều mô hình kinh doanh ra đời, cùng với đó là những thách thức đan xen cơ hội mới sau đại dịch Covid-19, tỉnh Bình Dương xác định: Không ngừng thực hiện các chiến lược đột phá kinh tế - xã hội, tiếp tục quyết liệt phát triển đề án thành phố thông minh lên tầm cao mới, đón làn sóng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Với tầm nhìn đó, tỉnh Bình Dương đang từng bước hình thành vùng đổi mới sáng tạo, tạo động lực phát triển mới, hội nhập quốc tế, thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn nữa, đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp trong điều kiện mới.

Link bài gốcLấy link
https://zingnews.vn/phat-trien-logistics-la-nen-tang-de-binh-duong-but-pha-ve-kinh-te-post1388154.html