Doanh nghiệp

Thách thức của thị trường lao động Bình Dương trước đà chuyển dịch

Doanh nghiệp Bình Dương đang bước vào giai đoạn tái cơ cấu sản xuất, đòi hỏi người lao động có kỹ năng và chuyên môn cao, thích ứng sự chuyển đổi công nghệ tự động hóa.

Trong năm 2022, làn sóng cắt giảm lao động diễn ra ở hàng loạt doanh nghiệp phía nam. Trong đó, tỉnh công nghiệp trọng điểm Bình Dương có đến 37.000 công nhân mất việc, 250.000 công nhân bị giảm giờ làm.

Ban đầu, nhiều nguyên nhân được đưa ra như thiếu đơn hàng khiến doanh nghiệp buộc cắt giảm lao động. Tuy nhiên, vào cuối năm, một nghịch lý xuất hiện: Lao động bị thất nghiệp tăng cao, nhưng các doanh nghiệp cung ứng "than" đỏ mắt vẫn chưa tuyển được người.

Câu chuyện lệch sóng giữa doanh nghiệp và người lao động dường như đi xa hơn vấn đề khách quan của kinh tế thế giới. Zing News có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế - TS Huỳnh Thanh Điền xoay quanh vấn đề này.

Doanh nghiệp tái cấu trúc

- Sau làn sóng cắt giảm lao động, một số địa phương, trong đó có Bình Dương đã nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp kết nối để tuyển dụng người lao động cuối năm. Tuy vậy, trong bối cảnh có lượng lớn người lao động mất việc, nhiều doanh nghiệp vẫn không thể tuyển được nhân sự mới, đâu là nguyên nhân của vấn đề này, thưa ông?

Trong năm nay, thị trường xuất khẩu khó khăn, chẳng hạn như châu Âu, châu Mỹ giảm sức mua mạnh, doanh nghiệp không có đơn hàng nên tạm thời cho công nhân nghỉ, đồng thời một số doanh nghiệp nhân thời điểm này cũng sa thải công nhân.

Tuy nhiên, tôi cho rằng nếu chỉ vì hụt đơn hàng thì không đến nỗi doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, vì họ chỉ cần cho công nhân nghỉ chờ việc. Câu chuyện đằng sau ở đây là doanh nghiệp đang tái cấu trúc lại nhà máy, thay thế toàn bộ bằng công nghệ và đầu tư dây chuyền sản xuất mới. Với công nghệ mới, họ chỉ cần 10 công nhân thì 90 người còn lại sẽ phải nghỉ.

Nhiều doanh nghiệp tại Bình Dương thay đổi dây chuyền sản xuất tự động hóa. Ảnh: Phạm Ngôn.

Thẳng thắn nhìn nhận rằng, 10 năm trước Bình Dương thu hút doanh nghiệp đầu tư, sản xuất công nghệ khá lạc hậu, thâm dụng lao động và lúc này kinh doanh đã không còn hiệu quả.

Do đó, phần lớn các doanh nghiệp bắt đầu chuyển đổi công nghệ tự động hóa hoàn toàn. Ví dụ nhà máy cơ khí trước đây cần nhiều công nhân thủ công, còn bây giờ hệ thống máy CNC (Computer Numerical Control), robot làm tự động 100%, thì lao động chủ yếu là kỹ sư, tương tác với máy và kiểm soát chất lượng. Hiện nay, lực lượng lao động chất lượng chúng ta lại thiếu rất nhiều.

Các doanh nghiệp ở Bình Dương đang tái cấu trúc và cần lao động kỹ năng cao.

TS Huỳnh Thanh Điền

Điều này dẫn đến lao động phổ thông hiện nay rất khó tìm việc, bởi hiệu quả sản xuất thấp, độ chính xác không cao. Trong khi đó thì doanh nghiệp đang dịch chuyển theo hướng tự động hóa để tạo ra nguồn thu lớn hơn.

Bây giờ, người lao động mất việc đúng là có do khủng hoảng kinh tế, thiếu đơn hàng sản xuất thật, nhưng tôi nghĩ câu chuyện sâu xa đằng sau đó không chỉ là thiếu hụt đơn hàng mà họ đang chuyển đổi nhà máy.

Những dự án được cấp phép 10 năm về trước cũng đã hết vòng đời của dự án. Do đó, doanh nghiệp tái đầu tư bằng công nghệ mới. Đây là lý do chính khiến doanh nghiệp cắt giảm lao động và họ đang sử dụng lao động có kỹ năng cao.

- Như vậy, vấn đề ở đây là nhu cầu của doanh nghiệp và nguồn cung của người lao động đã không gặp nhau, theo ông thì điều đó bắt nguồn từ những chiến lược trong quá khứ giờ không còn phù hợp?

Trên thực tế, những việc cũ mà người lao động phổ thông vẫn làm đã không còn phù hợp. Tại Bình Dương hiện nay nhiều nhà máy, nhiều doanh nghiệp FDI cũng đã chuyển đổi, đây không chỉ là xu thế của doanh nghiệp mà còn là định hướng của tỉnh. Hiểu nôm na là lao động cũ không thể dùng được và doanh nghiệp cần là lao động có trình độ, ít nhất là trình độ cơ bản để đào tạo tiếp cận công nghệ cao hơn.

- Vậy chính quyền Bình Dương cần làm gì để giải quyết bài toán này?

Theo tôi, đây là một bài toán lớn và cần có giải pháp căn cơ. Thứ nhất, tỉnh cần có chương trình đào tạo nâng cấp người lao động học nghề mới. Thứ hai, chính quyền phải có chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo lao động, vì từ trước đến nay, doanh nghiệp hầu như chỉ tuyển chứ ít khi đào tạo.

Về phía người lao động, họ cũng cần cố gắng và bắt buộc nâng cấp tay nghề. Đây là một bước chuyển, và thông thường vào những thời khắc chuyển đổi như vậy đều sẽ xảy ra trục trặc về thị trường lao động. Tuy nhiên, đứng ở góc độ tỉnh Bình Dương, sự chuyển đổi này là tốt chứ không đáng lo.

Thích ứng chuyển dịch

- Sau dịch, nhiều đơn vị cung ứng lao động cũng đánh giá lao động thất nghiệp tại Bình Dương vẫn còn, tuy nhiên người lao động vốn đã quen với sự ổn định, ngại thay đổi công việc, ngại di chuyển xa nên chỗ thiếu cứ thiếu, nơi thừa thì vẫn thừa. Liệu đây có phải là nguyên nhân chính của tình trạng cầu lệch cung hiện tại?

Tùy vào ngành nghề nào, những ngành thiếu lao động hiện nay chủ yếu là đòi hỏi lực lượng lao động có trình độ cao hơn. Thế nhưng, lực lượng này lại không đủ, người lao động phổ thông vẫn chưa thích ứng lẫn đáp ứng được nhu cầu trong bối cảnh mới.

Về câu chuyện ngại thay đổi, trong ngắn hạn, nhiều lao động ngại chuyển đổi nhưng về dài hạn nếu tìm không được công việc phù hợp có thể một số nhóm lao động phổ thông sẽ có sự dịch chuyển khác.

Công nhân doanh nghiệp may mặc tại Bình Dương. Ảnh: Phạm Ngôn.

Mặt khác, những khu công nghiệp gần TP.HCM, đời sống, hạ tầng phục vụ công nhân tốt, ở đó quen nên người lao động thường không muốn đi. Những khu công nghiệp xa hơn, hạ tầng không tốt thì người dân không muốn dịch chuyển. Nếu ở nơi nào cũng đáp ứng điều kiện sống như nhau thì người lao động sẽ không ngại chuyển đổi chỗ ở theo công việc.

Nguyên tắc quy hoạch công nghiệp là nơi đó phải đi liền với người lao động. Người lao động sẽ không ở xa bán kính hơn 10 km, họ sẽ không ở. Họ sẽ ở gần nơi làm việc. Như vậy, chúng ta sẽ phải tính toán câu chuyện nhà ở, trường học, chợ kết nối xung quanh, phục vụ người lao động.

- Theo ông, Bình Dương cần có biện pháp gì trong ngắn hạn để giải quyết tình trạng khan hiếm nguồn cung ứng lao động trên thị trường?

Chuyện chuyển đổi từ ngành này sang ngành kia là chiến lược mang tính lâu dài. Tỉnh cần phân tích những nhóm ngành nghề nào cần bao nhiêu lao động, từ đó cung cấp thông tin cho người lao động biết để họ chủ động và có định hướng chuyển đổi ngành nghề.

Người lao động phổ thông cần nâng cấp tay nghề để thích ứng bối cảnh mới.

TS Huỳnh Thanh Điền

Về ngắn hạn, chúng ta chỉ có thể tạo ra nhiều việc làm cho lao động mang tính thời vụ. Nhà nước có thể thúc đẩy các dự án đầu tư công về xây dựng trường học, cầu đường… hay các ngành còn thâm dụng lao động để có thể giải quyết việc làm cho người lao động tạm thời.

Ví dụ gần Tết, là dịp tiêu dùng cuối năm, nhiều dịch vụ, lĩnh vực tổ chức sự kiện dịp Tết có thể tạo ra việc làm cho lao động phổ thông.

- Chiến lược dài hạn sẽ là gì để các doanh nghiệp cũng như người lao động có thể ứng phó tốt hơn cho các lần khủng hoảng kinh tế trong tương lai?

Về lâu dài, chính quyền phải thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo người lao động phổ thông học tập, nâng cấp và chuyển đổi. Bên cạnh đó, người lao động cũng phải nhận diện được xu hướng thị trường. Nếu người lao động chưa kịp nhận diện thì chính quyền cần có biện pháp tuyên truyền, định hướng.

Trên thực tế, chúng ta là nước nông nghiệp nhưng lao động phổ thông lại không làm nông nghiệp mà hầu hết chọn làm công nghiệp. Trong bối cảnh ngành công nghiệp thâm dụng lao động bị thu hẹp, Bình Dương có thể chuyển đổi một phần lực lượng lao động sang thị trường nông nghiệp này.

Muốn như vậy, Bình Dương cần có giải pháp thu hút người lao động quan tâm đến các ngành nông nghiệp nhiều hơn vì thị trường này vẫn đang thiếu rất nhiều lao động.

Xin cảm ơn ông.

Theo tổng hợp của Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, trong tháng 10 có khoảng 30 doanh nghiệp có công đoàn cơ sở, tuyển dụng gần 10.000 lao động. Đầu tháng 12, có khoảng 38 doanh nghiệp tuyển dụng thêm 9.000 công nhân lao động làm việc trong các nhà máy trên địa bàn.

Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cũng cho biết đã chỉ đạo ngành thực hiện tốt chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. UBND tỉnh cũng khẩn trương báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy để thông qua chính sách, chi ngân sách hỗ trợ người lao động dịp Tết.

Về lâu dài, tỉnh cam kết hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm đơn hàng, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước. Hỗ trợ lao động chuyển đổi nghề nghiệp, nâng cao tay nghề, giới thiệu việc làm.

Tỉnh cũng tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định để tạo việc làm cho người lao động.

Trước sự bùng nổ của khoa học - công nghệ, nhiều mô hình kinh doanh ra đời, cùng với đó là những thách thức đan xen cơ hội mới sau đại dịch Covid-19, tỉnh Bình Dương xác định: Không ngừng thực hiện các chiến lược đột phá kinh tế - xã hội, tiếp tục quyết liệt phát triển đề án thành phố thông minh lên tầm cao mới, đón làn sóng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Với tầm nhìn đó, tỉnh Bình Dương đang từng bước hình thành vùng đổi mới sáng tạo, tạo động lực phát triển mới, hội nhập quốc tế, thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn nữa, đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp trong điều kiện mới.

Link bài gốcLấy link
https://zingnews.vn/thach-thuc-cua-thi-truong-lao-dong-binh-duong-truoc-da-chuyen-dich-post1387631.html