Lạm phát tại Mỹ tiếp tục đi lên trong tháng 2. Điều này cho thấy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tiếp tục tăng lãi suất trong cuộc họp chính sách sắp tới bất chấp những bất ổn gần đây của ngành ngân hàng.
Cụ thể, theo dữ liệu mới được Bộ Lao động Mỹ công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 0,2% trong tháng 2 và 6% so với một năm trước đó, giống với dự báo trước đó của giới quan sát.
Nếu loại trừ giá năng lượng và lương thực biến động, CPI cốt lõi tăng 0,5% so với tháng 1 và 5,5% sau một năm.
Lạm phát vẫn nóng
Trước khi báo cáo CPI được công bố, các thị trường dự đoán Fed sẽ tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp chính sách sắp tới. Theo dữ liệu của CME Group, sau báo cáo CPI, giới đầu tư định giá khả năng này là 85%.
"Ngay cả trong bối cảnh các ngân hàng đang run rẩy, Fed vẫn ưu tiên ổn định giá cả hơn tăng trưởng, và có thể tăng lãi suất 25 điểm cơ bản trong cuộc họp sắp tới", CNBC dẫn lời ông Jeffrey Roach - chuyên gia kinh tế trưởng của LPL Financial - nhận định.
Đà giảm của chi phí năng lượng đã giúp hạ nhiệt CPI trong tháng 2. Lĩnh vực này ghi nhận mức giảm 5,2%, riêng giá dầu nhiên liệu lao dốc 7,9%.
Ngay cả trong bối cảnh các ngân hàng đang run rẩy, Fed vẫn ưu tiên ổn định giá cả hơn tăng trưởng, và có thể tăng lãi suất 25 điểm cơ bản trong cuộc họp sắp tới
Ông Jeffrey Roach - chuyên gia kinh tế trưởng của LPL Financial
Giá lương thực tăng 0,4% so với tháng trước đó và 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá trứng đã giảm 6,7%, dù vẫn tăng 55,4% trong vòng một năm.
Chi phí ở - chiếm khoảng 1/3 chỉ số CPI - đã tăng 0,8%, nâng mức tăng một năm lên 8,1%. Nhóm này chiếm hơn 60% tốc độ tăng của CPI.
Những bất ổn trong lĩnh vực ngân hàng thời gian qua làm dấy lên suy đoán rằng Fed sẽ tạm dừng tăng lãi suất trong cuộc họp sắp tới. Silicon Valley Bank (SVB) bị đóng cửa sau khi khách gửi ồ ạt rút tiền.
Lãi suất tại Mỹ tăng cao đã đè nặng lên các khoản nắm giữ trái phiếu của nhà băng này. Trước khi sụp đổ, SVB vẫn là ngân hàng lớn thứ 16 tại Mỹ.
Theo Bloomberg, giá trị của các cổ phiếu tài chính trên toàn cầu đã bay hơi 465 tỷ USD sau sự sụp đổ của SVB. Từ New York tới Nhật Bản, nhà đầu tư ồ ạt bán tháo cổ phiếu ngành tài chính - ngân hàng.
Kịch bản "diều hâu" bị loại bỏ
Tính tới sáng 14/3, các thị trường định giá là mức lãi suất cực đại của chu kỳ tăng khoảng 4,95%. Điều này đồng nghĩa với việc ngân hàng trung ương Mỹ sẽ tăng lãi suất thêm một lần nữa rồi dừng hẳn.
Nhưng theo CNBC, báo cáo lạm phát được công bố trong tuần này có thể làm thay đổi phán đoán của giới đầu tư. Khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư do đó cũng thay đổi theo.
Dẫu vậy, tâm lý thị trường chắc chắn đã thay đổi so với trước khi khủng hoảng SVB xảy ra.
Thời điểm đó, các nhà đầu tư tin rằng Fed sẽ buộc phải tăng lãi suất 50 điểm cơ bản do những dữ liệu chỉ ra lạm phát tại Mỹ vẫn còn rất nóng. Nhưng đến giờ, khả năng này đã hoàn toàn bị loại bỏ.
"Khả năng Fed tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm đã hoàn toàn bị loại bỏ. Ngân hàng trung ương Mỹ nên nâng 0,25 điểm phần trăm nếu lạm phát vẫn nóng", ông Edward Moya - chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Mỹ - trả lời Zing trong một cuộc phỏng vấn gần đây.
"Một số người đang đặt cược vào khả năng Fed tạm dừng tăng lãi suất. Nhưng đó có thể là một sai lầm chính sách của Fed", vị chuyên gia nói thêm.