Theo CNBC, ông Jerome Powell - Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) - đang đứng trước thử thách lớn. Ông cần phải thuyết phục các nhà lập pháp Mỹ rằng ngân hàng trung ương sẽ có thể hạ nhiệt lạm phát nhưng không kéo tụt nền kinh tế.
Câu hỏi lớn nhất của Phố Wall giờ là liệu ông có thành công hay không. Tâm lý trên thị trường đã được cải thiện trong những ngày qua. Nhưng tình hình có thể nhanh chóng đảo ngược nếu chủ tịch Fed thất bại.
Chủ tịch Jerome Powell sẽ phải báo cáo về chính sách tiền tệ trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ vào ngày 7/3 và Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện hôm 8/3.
Bài toán hóc búa
Các nghị sĩ đảng Dân chủ lo ngại rằng Fed có thể kéo nền kinh tế đi xuống để kìm hãm lạm phát. Ngân hàng trung ương Mỹ đã tăng lãi suất điều hành 8 lần trong vòng một năm qua.
Trong cuộc họp chính sách đầu tiên của năm nay, cơ quan hoạch định chính sách của Fed nhất trí tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm, đưa lãi suất điều hành lên 4,5-4,75%, mức cao nhất kể từ tháng 10/2007.
Các thị trường cũng giằng co giữa mong muốn hạ nhiệt lạm phát, và nỗi lo ngại rằng ngân hàng trung ương sẽ quá tay trong cuộc chiến này.
Fed bị chỉ trích đã quá chậm chạp trong việc hạ nhiệt giá cả. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng gần như không có cách nào để kìm hãm lạm phát mà không tạo ra một cuộc suy thoái.
"Lạm phát là một vấn đề đáng lo ngại. Và mọi thứ trở nên tồi tệ hơn vì Fed không nhận ra nó vào năm 2021", CNBC dẫn lời ông Komal Sri-Kumar, Chủ tịch của Sri-Kumar Global Strategies, nhận định.
Ông Sri-Kumar cho rằng Fed đáng lẽ nên vào cuộc sớm và quyết liệt hơn, chẳng hạn tăng lãi suất 1,25 điểm phần trăm vào tháng 9/2022, khi lạm phát CPI (chỉ số giá tiêu dùng) đang ở mức 8,2%.
Thay vào đó, vào tháng 12, Fed đã giảm tốc độ tăng lãi suất.
Fed đã chậm chân
Giờ đây, ông Sri-Kumar cho rằng Fed có thể buộc phải đẩy lãi suất điều hành lên khoảng 6% để hạ nhiệt lạm phát, và điều này có thể làm tổn thương nền kinh tế.
Ông Sri-Kumar cho rằng nền kinh tế hàng đầu thế giới không thể "tiếp đất nhẹ nhàng", nhưng cuộc suy thoái sẽ không quá nghiêm trọng.
"Đúng vậy, nền kinh tế vẫn rất mạnh mẽ. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta sẽ vượt qua mọi thứ mà không hứng chịu một cuộc suy thoái", ông cảnh báo.
"Các vị càng cố ngăn một cuộc suy thoái, nó sẽ càng trở nên nghiêm trọng hơn", vị chuyên gia nói thêm.
Còn ông Krishna Guha - Trưởng bộ phận Chính sách toàn cầu và Chiến lược ngân hàng trung ương tại Evercore ISI - cho rằng chủ tịch Fed sẽ "có một giọng điệu vừa quyết đoán vừa cẩn trọng".
"Ông ấy sẽ lưu ý về sức chống chịu của nền kinh tế thực, cảnh báo rằng lạm phát đang tăng cao hơn và con đường để kiểm soát sẽ dài và gập ghềnh", ông nói thêm.
Nhưng ông Guha tin rằng Fed sẽ không tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm như những gì mà nhà đầu tư lo ngại.
Nhưng nếu các dữ liệu về lạm phát, tiền lương và giá cả trong lĩnh vực dịch vụ vẫn tăng nhanh, ngân hàng trung ương Mỹ có thể nâng lãi suất 50 điểm cơ bản vào tháng 3.
Mới đây, Thống đốc Fed Christopher Waller cho biết loạt "dữ liệu nóng" về lạm phát có thể buộc ngân hàng trung ương đẩy lãi suất điều hành vượt mức 5,1-5,4% như dự đoán hồi tháng 12 năm ngoái.
Ông Waller cho biết các dữ liệu kinh tế mới nhất cho thấy một thị trường lao động "mạnh mẽ quá mức", nhu cầu tiêu dùng vẫn cao và áp lực lạm phát còn dai dẳng. Tất cả đặt ra câu hỏi về những gì mà Fed đã đạt được trong cuộc chiến chống lạm phát.