Đóng cánh cửa tủ lạnh ở pantry (tạm dịch: "khu vực ăn uống tại văn phòng"), Ngọc Linh (25 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) lắc đầu ngán ngẩm. Cô áng chừng số lượng đồ ăn nhẹ đã giảm 70% từ tháng 6.
Trước đây, bữa trà chiều tại công ty cô luôn đầy ắp đồ ăn để nhân viên thoải mái sử dụng, từ bánh mì chả lụa, pate, bánh ngọt, trái cây, nước uống các loại. Ngọc Linh và đồng nghiệp vẫn thường tập trung tại pantry lúc 16h để vừa thưởng thức các món, vừa trao đổi công việc.
“Hiện pantry không còn tấp nập người ra vào như trước, trở nên im ắng sau giờ cơm trưa. Chúng tôi cũng không còn nhiều lựa chọn ăn uống, chỉ còn trái cây thừa từ bữa trưa", Ngọc Linh chia sẻ với Znews.
Cắt giảm từ những phúc lợi nhỏ nhất, như đồ ăn vặt, hộp khăn giấy hay chi phí ăn trưa, là một trong những "dấu hiệu" cho thấy doanh nghiệp đang gồng gánh qua giai đoạn kinh tế khó khăn.
Một số nhân viên cảm thấy chưa quen với sự thay đổi, thậm chí có chút không hài lòng. Nhưng đa phần bày tỏ sự thông cảm đối với công ty.
Không còn trà sữa, máy pha cà phê
Thùy Chi (26 tuổi, quận 3, TP.HCM), chuyên viên truyền thông, cho biết công ty cô đã nhiều lần cắt giảm danh sách thực phẩm tại khu vực ăn uống kể từ đầu năm.
Trước đây, công ty của Thùy Chi nổi tiếng với chính sách chuẩn bị bữa sáng cho nhân viên. Cụ thể, công ty sẽ cung cấp 100 khẩu phần ăn sáng mỗi ngày cho những nhân viên đi làm sớm nhất, với thực đơn đa dạng, từ bún, phở cho đến xôi.
Đầu giờ chiều, bộ phận hậu cần lấp đầy tủ lạnh với nước uống đóng chai, sinh tố, trà sữa. Tất cả đều miễn phí.
“Mọi ‘đặc quyền’ này đã thay đổi. Giờ đây chúng tôi không còn được cung cấp đồ ăn sáng, cũng chẳng có trà sữa buổi chiều nữa”, Chi thở dài.
Những lần cắt giảm được chia thành từng đợt. Đầu tiên là bữa sáng, tiếp đến là trà sữa, nước uống đóng chai, rồi đến bánh kẹo.
Hiện pantry của công ty chỉ còn vài chai nước ép, sữa tươi dung tích 110ml và bánh ngọt với số lượng rất ít, chỉ dành cho những ai "nhanh tay".
Tình hình công ty nơi Thành Nguyễn (26 tuổi, quận Gò Vấp, TP.HCM) làm việc cũng không khá khẩm hơn.
“Một ngày nọ, tôi phát hiện công ty đã bán máy pha cà phê. Chúng tôi được cung cấp cà phê dạng gói, chỉ cần chế nước sôi vào để sử dụng”, anh kể lại.
Công ty anh từng sử dụng máy pha cà phê chuyên dụng, loại cao cấp được nhập khẩu từ nước ngoài, do đa phần lãnh đạo là người ngoại quốc.
Ngay cả phần ăn đêm trị giá 100.000 đồng dành cho mỗi nhân sự làm thêm giờ cũng bị cắt giảm. Thành Nguyễn, chuyên viên IT, cho biết hiện nay, công ty đã chuyển sang cung cấp mì gói cho các nhân viên OT, mỗi gói có giá khoảng 3.000 đồng trên thị trường.
Nhân viên thông cảm
Sự biến mất của chiếc máy pha cà phê "xịn" khiến văn phòng của Thành Nguyễn xôn xao, nhưng những cuộc bàn tán này cũng chóng tàn.
Anh cũng nhận thấy đồng nghiệp sử dụng đồ ăn, uống cũng như văn phòng phẩm một cách ý thức hơn. Thùng rác không còn những chai nước đầy, hay những chiếc bánh vẫn còn 2/3.
"Ai cũng hiểu tại sao công ty phải tiết kiệm chi phí vận hành. Chúng tôi không có ý kiến gì hơn, thời điểm này còn giữ được việc làm là sự may mắn", anh chia sẻ.
Thùy Chi, người vốn luôn hãnh diện về chế độ đãi ngộ của công ty, hoàn toàn thông cảm với tình hình khó khăn hiện tại.
Cô cho biết vào mỗi đợt cắt giảm phúc lợi, cô đều nhận được email thông báo từ bộ phận nhân sự. Sự thẳng thắn từ phía doanh nghiệp khiến cô yên tâm khi làm việc tại đây.
"Hiện chúng tôi chủ động ăn sáng ở nhà, cũng như mang đồ ăn trưa, xế chiều lên văn phòng, thay vì phụ thuộc vào công ty như trước đây", nữ nhân viên chia sẻ.
Các công ty công nghệ trên thế giới, nơi nổi tiếng với những đặc quyền xa hoa ở văn phòng, cũng đã phải cắt giảm phúc lợi nhân viên từ đầu năm 2023.
Google đã phải giảm giờ mở cửa của các quán cà phê trong khuôn viên tòa nhà, trong khi Twitter đã cắt giảm các bữa trưa miễn phí.
Một số nhân viên Meta cho biết công ty họ đã không còn đồ ăn nhẹ và ngũ cốc tại pantry. Trước đây, Meta đã phải cắt đi dịch vụ giặt là tại chỗ trong văn phòng và dừng chính sách hỗ trợ chi phí cấp đông trứng cho nhân sự nữ.
Không chỉ các công ty công nghệ lớn, những công ty khởi nghiệp và quỹ đầu tư mạo hiểm cũng phải thu hẹp quy mô và loại bỏ các bữa tiệc xa hoa trong kỳ nghỉ lễ năm nay.
Trong kỷ nguyên "thắt lưng buộc bụng", rất ít đặc quyền của người lao động có thể được đảm bảo vẫn tồn tại hoặc quay trở lại, theo Insider.
Cắt giảm phúc lợi để tránh phải sa thải
Theo nghiên cứu Work's State of the Workplace (2023) của tổ chức Morgan Stanley At Work, thuộc ngân hàng đầu tư Morgan Stanley, thực hiện với 1.000 người Mỹ trưởng thành có việc làm và 600 giám đốc nhân sự, nhiều công ty đang phải cắt giảm phúc lợi nhân viên để ứng phó với cuộc suy thoái.
Những con số báo cáo chỉ ra khoảng cách giữa kỳ vọng của người lao động và khả năng đáp ứng của các doanh nghiệp ngày càng xa.
25% nhà lãnh đạo cho biết công ty của họ quyết định cắt giảm phúc lợi của nhân sự, bao gồm tài chính, hoạt động du lịch, ăn uống tại văn phòng, 88% quản lý cho biết nhân viên của họ yêu cầu những lợi ích mà công ty không thể cung cấp.
Chị Trần Ly (quận Tây Hồ, Hà Nội), trưởng nhóm phòng PR nội bộ tại một công ty công nghệ, hoạt động kinh doanh của công ty chị gặp khó từ cuối năm 2022.
Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn nỗ lực duy trì phúc lợi cho nhân viên đến tháng 3. Sau đó, công ty buộc phải cắt giảm chi phí vận hành. Ngân sách cho các bữa ăn hàng ngày, bao gồm ăn nhẹ, ăn đêm cho nhân sự tăng ca, bị giảm thiểu 30%. Quyết định này được đưa ra nhằm giúp doanh nghiệp không phải thực hiện sa thải nhân sự.
Phòng ban của chị Ly phải cân đối ngân sách kỹ lưỡng để không tiêu “quá tay”, nhưng vẫn đáp ứng được nhu cầu của đội ngũ nhân sự.
Không chỉ giảm suất ăn hàng ngày, công ty còn giảm chi phí liên hoan tháng, quý, lễ Tết, từ 500.000 đồng/người xuống 300.000 đồng/người. Nhận thấy ngân sách nhỏ không đủ tổ chức những buổi tiệc hoành tráng như trước, chị Ly đưa ra quyết định gửi trực tiếp khoản phúc lợi này cho nhân sự.
“Nếu tổ chức tiệc, tôi muốn làm tử tế. Tôi không muốn phải co kéo ngân sách, cắt cái nọ, giảm cái kia”, chị Ly chia sẻ với Znews.
Ban đầu, nhân sự bày tỏ thái độ thất vọng, chán nản. Tuy nhiên, sau khi lãnh đạo công ty thẳng thắn trình bày những khó khăn gặp phải, phần lớn nhân viên đều thông cảm và dần chấp nhận quyết định cắt giảm chi phí vận hành này.
“Tất cả đều biết nếu không chịu giảm phúc lợi, họ có khả năng mất việc”, chị khẳng định.