Những ngày này, Yuki Wada liên tục tìm kiếm lời khuyên về cách tiết kiệm tiền, từ các mẹo săn hàng tạp hóa giá rẻ, hạn chế lãng phí thực phẩm đến cắt giảm hóa đơn điện trong mùa hè nóng ẩm của Nhật Bản.
“Tôi không phải chuyên gia về kinh tế, nhưng mọi người đều phải cố gắng thắt lưng buộc bụng để giảm thiểu chi phí không cần thiết trong thời kỳ trì trệ kinh tế kéo dài”, Wada cho biết.
“Nếu lương vẫn giữ nguyên, chuỗi giá cả không ngừng tăng cao gần đây sẽ khiến nhiều hộ gia đình ngộp thở”, cô nói thêm.
Những lo ngại về chi phí sinh hoạt ngày càng gia tăng đối với người tiêu dùng Nhật Bản. Họ buộc phải đối phó với tình trạng giá cả leo thang sau nhiều năm giảm phát và tăng trưởng tiền lương không đáng kể, theo Japan Times.
Liên tục tăng giá
Trong bối cảnh đồng yen suy yếu và giá nguyên liệu thô, dầu thô tăng cao, hơn 20.000 sản phẩm đã hoặc sẽ chứng kiến mức giá tăng trung bình 14% trong năm nay, theo nghiên cứu trên 105 nhà sản xuất thực phẩm và đồ uống lớn ở Nhật Bản được Ngân hàng Dữ liệu Teikoku công bố ngày 1/9.
Công ty nghiên cứu tài chính cho biết 82/105 công ty được khảo sát tuyên bố ý định tăng giá trong năm nay, so với 21 công ty vào năm ngoái. Riêng tháng 10 sẽ chứng kiến 6.500 hàng hóa tăng giá.
“Năm ngoái, sự tăng giá chủ yếu do giá dầu ăn tăng và chỉ có một số công ty và mặt hàng thực phẩm tăng giá. Tuy nhiên, trong năm nay, sự kết hợp của giá dầu ăn, lúa mì cũng như các nguyên liệu thực phẩm khác tăng vọt, chi phí cao của vật liệu đóng gói và thùng chứa, cũng như hậu cần do giá dầu cao và đồng yen giảm giá mạnh, đã dẫn đến việc tăng giá đối với hầu hết thực phẩm và đồ uống”, báo cáo cho biết.
Trong khi đó, việc tăng lương đã kéo theo lạm phát, bất chấp lời kêu gọi của Thủ tướng Fumio Kishida đối với các công ty lớn xem xét tăng lương vì lợi nhuận bền vững trong các báo cáo thu nhập gần đây.
Điều đó có nghĩa là ít nhất ở hiện tại, các hộ gia đình sẽ cần tiếp tục thắt chặt hầu bao - điều mà nhiều người đã quen với việc lương trì trệ và giá cả thấp trong nhiều thập kỷ.
Itsuka Kudo, cư dân ở tỉnh Chiba vừa sinh đứa con thứ 4, cho biết: “Tôi biết cửa hàng tạp hóa được giảm giá vào những ngày nào, tại địa điểm nào. Vì vậy, tôi luôn mua sắm hợp lý. Tôi yêu cầu các con tắt bóng đèn không cần thiết để tiết kiệm điện, nhưng chúng tôi đã làm điều đó từ trước khi giá cả tăng gần đây. Tuy nhiên, việc mua đồ chơi cho trẻ em có thể hơi nặng nhọc vì nếu một đứa muốn thứ gì đó, những đứa khác cũng đòi theo”.
Mami Hatanaka, mẹ 2 con sống ở tỉnh Kagoshima, cho biết gia đình cô hạn chế đi ăn ngoài hàng và tìm kiếm những thực phẩm giá rẻ khi đến siêu thị.
“Để cắt giảm chi phí thực phẩm, chúng tôi được bố mẹ chồng gửi rau từ trang trại của họ. Chúng tôi sống ở nông thôn nên hàng xóm thỉnh thoảng cũng cho đồ tươi. Nhưng con gái tôi bị dị ứng với một số loại thực phẩm. Vì vậy, chúng tôi không thể chỉ quyết định thực đơn bữa ăn dựa trên hàng hóa rẻ hơn. Thay vào đó, chúng tôi cố gắng cắt giảm hóa đơn điện nước”, cô nói.
Gánh nặng
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Nhật Bản (không bao gồm thực phẩm tươi sống) tăng 2,4% trong tháng 7 so với một năm trước đó, dao động trên 2% trong 4 tháng liên tiếp. Mức tăng của tháng 7 là con số lớn nhất kể từ tháng 12/2014 sau khi tăng thuế tiêu thụ.
Trong khi lạm phát hiện vượt quá mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, cơ quan này vẫn được kỳ vọng sẽ duy trì chính sách tiền tệ dễ chịu.
Takahide Kiuchi, nhà kinh tế điều hành tại Viện nghiên cứu Nomura, viết trong báo cáo vào tháng trước rằng chỉ số CPI cốt lõi ở Mỹ (không bao gồm thực phẩm tươi sống và năng lượng) đạt đỉnh vào tháng 3 năm nay.
Trong khi đó, lạm phát giá tiêu dùng đạt đỉnh ở Nhật Bản dự kiến không lan rộng cho đến đầu năm sau, muộn hơn khoảng 6 tháng so với các quốc gia khác.
“Việc tăng giá hiện nay tập trung vào giá thực phẩm và năng lượng. Cả 2 thứ này đều là nhu cầu thiết yếu và tỷ trọng của chúng trong tổng tiêu dùng là tương đối lớn trong các hộ gia đình có thu nhập thấp hơn, vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề hơn”, Kiuchi cho biết.
Hiroko Kondo, người điều hành kodomo shokudō (nhà ăn cho trẻ em) ở phường Ota của Tokyo, cho biết: “Giá cả tăng cao đang gây gánh nặng đặc biệt cho các hộ gia đình cha mẹ đơn thân”.
“Chúng tôi chia sẻ một số thực phẩm quyên góp mà chúng tôi nhận được với các bà mẹ đơn thân, nhưng tôi nhận thấy nhiều phụ nữ mất việc làm bán thời gian khi tuyển dụng đình trệ trong đại dịch. Trong khi đó, các bậc cha mẹ không muốn cắt giảm chi phí học tập và hoạt động ngoại khóa của con cái. Vì vậy, họ chỉ còn cách tiết kiệm chi phí thực phẩm”, Kondo nói.
Ngành công nghiệp nhà hàng, vốn đã bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng sức khỏe, cũng đang phải vật lộn. Chuỗi nhà hàng Trung Quốc Hidakaya và chuỗi nhà hàng gia đình Denny’s đều thông báo tăng giá cho một số món trong thực đơn trong tháng 8 và 9.
Đối với Jumpei Shintani (29 tuổi), nhân viên văn phòng ở Tokyo, làn sóng tăng giá ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí của anh ta.
“Tôi không bao giờ nấu ăn ở nhà mà luôn ăn ở ngoài hoặc mua đồ ăn sẵn ở các cửa hàng tiện lợi. Gần đây, tôi sốc khi thấy giá món gà rán tăng lên”.
Ngày 23/8, giá một phần gà rán tăng từ 180 lên 198 yen.
“Tôi quyết định ngừng hút thuốc, nhưng không chắc mình sẽ thành công. Bên cạnh đó, tôi sẽ phải cố gắng trang trải mọi chi phí đều tăng”, Shintani nói.