Tôi, một nhân viên văn phòng 28 tuổi ở TP.HCM, luôn thấy văn phòng quá lạnh và gò bó, trong khi nhà riêng thì lại quá thân thuộc, tạo ra sự biếng nhác. Cuối cùng, không gian quán cà phê giúp tôi tập trung và sáng tạo tốt hơn.
Tuy nhiên, nếu cứ tấp bừa vào một quán cà phê bất kỳ trên đường, nhiều khả năng bạn cũng chẳng thể làm việc hiệu quả được vì những tiếng ồn. Trẻ em chạy nhảy, đôi khi khóc lóc. Bố mẹ phiền lòng vì những đứa trẻ mình mang theo. Nhóm bạn tụ tập với hàng tá câu chuyện phiếm...
Không có chuyện ai đúng ai sai nhưng khi các nhóm khách có nhu cầu đi cà phê khác nhau ngồi chung một chỗ, ai cũng cảm thấy khó chịu.
Thế là thay vì đến những quán cà phê thông thường, giờ đây tôi chỉ lui tới các không gian phục vụ người làm việc. May mắn là ở TP.HCM có nhiều người như tôi, và chúng tôi trở thành một tập khách hàng đủ lớn để được giới kinh doanh cà phê để mắt tới. Một số quán cà phê ra đời không chỉ cung cấp thức uống, đồ ăn mà còn sẵn sàng bán thêm sự yên tĩnh, riêng tư cho khách hàng.
Mô hình cà phê chạy deadline
Tại TP.HCM, ngày càng có nhiều quán cà phê hướng tới phục vụ nhóm khách làm việc, đặc biệt sau thời gian dịch bệnh, mọi người quen với làm việc từ xa thay vì lên văn phòng.
Một số quán mà tôi từng ghé tới chỉ phục vụ riêng dân chạy deadline, như Chốn riêng cà phê hay Ido Study Coffee, với mức giá khá chênh lệch.
Đến những nơi này bạn sẽ phải xác định giữ trật tự như ở thư viện, hạn chế thay đổi chỗ ngồi, đi lại lung tung. Vì không gian cực kỳ yên tĩnh nên ngay cả tiếng kéo ghế, gõ bàn phím cơ hay dùng thìa quấy đá trong ly nước cũng bị phóng đại, thu hút những ánh nhìn không mấy thân thiện.
Những nơi này cực kỳ phù hợp với nhóm thích làm việc trong yên lặng, không thích cả tiếng nhạc. Điểm cộng lớn nhất của cà phê chạy deadline là trang bị đầy đủ thiết bị từ ổ căm, máy in, tản nhiệt laptop cho đến đồ ăn nhẹ, chăn đắp, túi đựng balo.
Một số quán cà phê như Sống cà phê dành riêng tầng trên để phục vụ khách chạy deadline, phụ thu 10.000 đồng/người. Trong khi đó, tầng trệt vẫn có các nhóm khách gia đình, bạn bè.
Địa điểm đề xuất: Sống cà phê, Ido Study Coffee, Chốn riêng
Mức giá: 25.000-60.000 đồng/4 giờ (đã bao gồm nước)
Mô hình cà phê kén nhộng
Mô hình cà phê kén nhộng hay cà phê ngủ/giường nằm bắt nguồn từ Nhật Bản, Hàn Quốc và bắt đầu phổ biến ở Việt Nam trong vài năm trở lại đây. Những quán cà phê này có các buồng ngủ nhỏ dành cho 1-2 khách với giá thuê tính theo giờ.
Tôi đã từng đến 3 quán cà phê ngủ khác nhau ở TP.HCM. Những nơi này đảm bảo tính riêng tư và yên tĩnh cho khách hàng. Bên cạnh giường, chăn, gối thì mỗi buồng còn có cả bàn học, đèn bàn, ổ cắm để phục vụ khách có nhu cầu học bài, làm việc.
Ưu điểm của loại hình không gian này là sự riêng tư và thoải mái. Nếu là người thích làm việc trong mọi tư thế từ ngồi bệt, ngồi xổm đến nằm dài như tôi, bạn sẽ thích kiểu không gian này.
Nhưng nhược điểm là cảm giác cám dỗ đến từ chiếc giường êm và tấm chăn ấm, những thứ có thể ru ngủ bạn thay vì giúp tập trung làm việc. Vào cuối tuần, bạn cần đặt chỗ trước nếu không muốn phải chờ đợi.
Địa điểm đề xuất: Chidori - Coffee in Bed, D.O.M - Coffee Capsule
Mức giá: 100.000 đồng/2 giờ (đã bao gồm tiền nước)
Mô hình cà phê thư viện
Mô hình quán cà phê kết hợp với thư viên, phòng đọc, không gian mở là một trong những lựa chọn của nhiều công dân laptop ở TP.HCM.
Đa số các khu phức hợp này gồm không gian ngoài trời ở tầng trệt, phòng đọc sách và khu cà phê ở những tầng trên. Khác với các mô hình cà phê chạy deadline khác, nơi này có mức giá cao hơn và được chia khu vực riêng biệt.
Phòng đọc dành riêng cho những ai thích đọc sách hoặc cần không gian yên tĩnh tuyệt đối để làm việc. Nếu làm ồn ở khu vực này bạn có thể bị nhân viên mời ra ngoài. Việc nghe điện thoại cũng bị cấm ở đây.
Khu cà phê khá giống với các quán cà phê thông thường, chỉ thu tiền đồ uống. Nơi này cũng có khá nhiều người đến làm việc nhưng thường sẽ mở nhạc hơi lớn. Không gian ngoài trời đem đến cảm giác mới mẻ, nhưng tất nhiên không phù hợp với "cú đêm".
Địa điểm đề xuất: Nam Thi House
Mức giá: 60.000 đồng/4 giờ (chưa bao gồm đồ uống)