Việc học sinh, sinh viên, hay bạn trẻ làm freelancer lựa chọn làm việc, học tập tại quán cà phê không phải quá mới. Thậm chí, hiện nay nhiều quán mọc lên chỉ để đáp ứng nhu cầu này của khách hàng.
Tuy nhiên, thay vì lựa chọn "cắm rễ" tại một quán quen, Yến Oanh (25 tuổi, ngụ quận 4) lại chọn đổi nhiều quán một ngày.
"Vào những ngày trong tuần, tôi thường đi trung bình hai quán cà phê mỗi ngày để làm việc. Các ngày cuối tuần tôi sẽ đi 3-4 quán. Sáng sớm cuối tuần tôi sẽ cùng bạn bè ngồi cà phê bệt tại các công viên, sau đó di chuyển đến quán cà phê quen để hoàn thành các đầu việc trong ngày", Oanh cho hay.
Chi phí đi cà phê cao hơn tiền ăn
Giống với Oanh, Uyên Lê (23 tuổi, ngụ quận 10) cũng có thú vui đổi địa điểm làm việc nhưng với tần suất ít hơn, đều đặn hai quán cà phê mỗi ngày, kể cả trong hay cuối tuần. Thời gian lưu lại mỗi quán khoảng 3-4 giờ.
Quán cà phê Uyên lựa chọn thường là quán có tên tuổi trên thị trường, nhiều chi nhánh. Không gian thoáng đãng, vị thức uống chỉ cần ở mức vừa phải, đặc biệt Wi-Fi phải mạnh để công việc thực hiện trơn tru.
"Tôi thường ghi lại các quán có Wi-Fi mạnh, nếu trải nghiệm mượt mà tôi sẽ lui tới thường xuyên. Tôi đã thử qua hàng chục quán cà phê mới tìm được quán vừa ý", Uyên nói.
Theo thường lệ, 9h sáng, bạn trẻ này có mặt tại một quán chuyên về cà phê tại quận 3 và gọi cà phê để đầu óc tỉnh táo. Giá cho một cốc cà phê sữa ở đây là 65.000 đồng.
Tuy nhiên, bạn trẻ cho biết cô chỉ ghé quán này 2-3 lần/tuần. "Những ngày còn lại, tôi sẽ chọn quán có mức giá phải chăng hơn, khoảng 39.000 đồng/cốc. Trung bình tiền cà phê sáng của tôi khoảng 300.000-400.000 đồng một tuần".
Còn với Oanh, người trẻ này cũng chọn cà phê cho buổi sáng. Với mức lương trung bình tầm 10-12 triệu đồng tùy tháng, một cốc cà phê với giá 30.000-40.000 đồng "hoàn toàn" nằm trong khả năng.
Điểm chung của cả hai bạn trẻ là họ đều làm công việc không gò bó thời gian và không có thói quen ăn uống cầu kỳ.
Sau bữa ăn trưa, Oanh sẽ di chuyển sang một quán nước quen khác và tiếp tục làm việc.
"Do không thể nạp quá nhiều đường vào cơ thể trong thời gian dài, buổi chiều tôi sẽ chọn loại nước trái cây không đường có giá 45.000-55.000 đồng/cốc. Trung bình tiền cà phê của tôi dao động 80.000-90.000 đồng/ngày", Oanhnói.
Đi cà phê để ép bản thân năng suất
Không chỉ riêng hai bạn trẻ này, nhiều người sống tại TP.HCM cũng lựa chọn làm việc tại các quán cà phê, coi chúng như một "văn phòng di động" để tạo hứng khởi khi làm việc.
Thường xuyên "cắm rễ" tại quán cà phê, Hương Nguyễn (29 tuổi, ngụ Gò Vấp) chia sẻ bản thân sẽ làm việc năng suất, nhiều ý tưởng hơn khi ở quán. "Tôi không thể lười biếng khi nhìn mọi người xung quanh làm việc", Hương nói.
Hơn nữa, trải nghiệm chạy deadline ở quán cà phê cũng khác so với ở nhà. Ở đây, vừa có đồ uống ngon, không gian nhộn nhịp vào ngày trong tuần càng tạo cảm giác bận rộn, điều mà ở nhà không đáp ứng được.
Việc đi cà phê hàng ngày, hàng tuần dần dà trở thành thói quen của một số người trẻ.
Thói quen khó bỏ
"Tôi không thể làm việc ở nhà. Những hôm trời mưa tôi vẫn đi ra quán ngồi. Thậm chí, vào thời tiết này tôi lại càng thích đi cà phê, vừa ngồi làm việc, vừa ngắm mưa rơi qua khung cửa kính, cảm giác rất bình an, dễ chịu", Oanh giải thích.
Khoảng một tháng trở lại đây, Oanh nhận thấy bản thân đang chi tiền cho việc đi cà phê khá nhiều. "Tiền uống nước của tôi còn nhiều hơn tiền ăn".
Tuy nhiên, bạn trẻ chưa tối ưu được chi phí do gặp khó trong việc thích nghi môi trường làm việc tại nhà. Thêm nữa, làm việc ở quán cũng là biện pháp Oanh áp dụng để "cách ly" bản thân với chiếc giường.
"Tôi vẫn thấy ổn, chưa có ý định thay đổi môi trường làm việc", Oanh chia sẻ.