Lifestyle

Quản lý đánh mất lòng tin của nhân viên

Thay vì chỉ xem cấp dưới là đối tượng làm việc cùng, bạn nên cởi mở và đối xử với họ bằng sự chân thành. Bên cạnh đó, minh bạch, trung thực trong giao tiếp cũng sẽ giúp ích.

Trung thực, minh bạch trong thông tin là chìa khóa giúp quản lý nhận được lòng tin từ cấp dưới. Ảnh minh họa: Thirdman/Pexels.

Lòng tin là yếu tố nền tảng trong việc xây dựng đội, nhóm làm việc. Tuy nhiên, phần lớn nhân viên lại không thực sự tin tưởng quản lý của mình.

Theo khảo sát Gallup công bố vào tháng 6/2022, chỉ 33% nhân sự văn phòng tại Mỹ tin tưởng công ty và lãnh đạo trực tiếp ở mức độ cao.

Số còn lại cho rằng cấp trên thường xuyên che giấu thông tin và không đảm bảo thực hiện lời hứa. Chuỗi hành động liên tục lặp lại, dẫn đến gãy đổ niềm tin và suy giảm hiệu quả lao động.

“Ở vị trí người dẫn dắt, bạn cần tập trung gầy dựng và giữ gìn sự tin tưởng nhân viên dành cho mình. Nếu không, đừng mong chờ quá nhiều vào nỗ lực của họ vì công việc và lợi ích chung của bộ phận”, Keith Goudy, đối tác quản lý của Vantage Leadership Consulting, nói.

Dưới đây là một số cách giúp quản lý trở nên đáng tin cậy trong mắt cấp dưới, theo Fast CompanyWorkplace.

Quản lý cần tránh giao tiếp vòng vo, hay sử dụng từ ngữ khó hiểu để đánh lạc hướng nhân viên. Ảnh minh họa: Tima Miroshnichenko/Pexels.

Minh bạch

Mọi thành công đều bắt nguồn từ tính minh bạch. Bạn cần chia sẻ rõ ràng các kỳ vọng đặt ra cho nhân viên, cũng như khen thưởng khi mọi người đáp ứng mục tiêu.

Đồng thời, các nội dung về tuyển thêm hay cắt giảm nhân sự cũng nên được thông báo từ khi còn ở bước dự kiến để cấp dưới không mang cảm giác bị “đánh úp”.

Chắc chắn, sự rõ ràng trong nhiệm vụ, quyền lợi và phần thưởng sẽ là động lực để mọi người tự phấn đấu.

Ngoài ra, bạn đừng cố vòng vo, dùng các báo cáo, thuật ngữ kinh doanh phức tạp để đánh lạc hướng cấp dưới.

Bằng không, rất khó để bạn được họ tôn trọng và góp ý chân thành bất kể có biến cố gì xảy ra.

“Các lãnh đạo được tín nhiệm cao mà tôi quen biết thường tập trung vào quá trình giao tiếp. Họ luôn tìm cách trò chuyện cởi mở, thẳng thắn với cấp dưới mỗi khi có cơ hội.

Nhờ đó, quản lý sẽ biết được nhu cầu và nguyện vọng của mọi người để cân chỉnh định hướng chung sao cho ai cũng được lợi”, Ingrid Christensen, tác giả các đầu sách sách về xây dựng niềm tin tại văn phòng, cho biết.

Dù không tự gây ra lỗi, lãnh đạo vẫn phải chịu trách nhiệm trước nhân viên. Ảnh minh họa: Alena Darmel/Pexels.

Chịu trách nhiệm với lời nói

Thực tế, chúng ta luôn có nguy cơ rơi vào tình huống lời nói và hành động không nhất quán.

Dù là chuyện ngoài ý muốn, bạn vẫn phải chịu trách nhiệm với mọi phát ngôn của bản thân.

Thay vì đổ lỗi cho cấp cao hơn, hãy thừa nhận sai sót ngay lập tức.

Theo kinh nghiệm của Ron Carucci, người đồng sáng lập doanh nghiệp tư vấn lãnh đạo Navalent, thái độ thoái thác, tránh né hay giả như chưa có gì xảy ra sẽ khiến quản lý bị xem là kẻ đạo đức giả.

Đây là lý do lớn nhất gây xói mòn lòng tin trong tình huống này.

“Một số trường hợp nghiêm trọng, lời nói của bạn có thể gây ra hậu quả đáng tiếc cho nhiều nhân sự dưới quyền. Bạn cần gửi lời xin lỗi và bắt tay vào tìm hướng giải quyết, bù đắp phù hợp.

Nếu xử lý khéo léo, họ sẽ nhìn nhận bạn là một người khiêm tốn, dám ‘đứng mũi chịu sào’. Từ đó, cấp trên vẫn duy trì được lòng tin, thậm chí được tín nhiệm cao hơn sau sự cố”, Carucci cho biết, đồng thời khẳng định bất kỳ nhân viên nào cũng yêu thích quản lý sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ trong tình huống phát sinh.

Thay vì lạnh lùng để giữ thái độ chuyên nghiệp, quản lý nên cởi mở và đối xử chân thành với cấp dưới. Ảnh minh họa: Mart Production/Pexels.

Cởi mở, chân thành

Không cần kể hết mọi thứ về bản thân, song bạn cần cho cấp dưới hiểu thêm về mình. Chắc chắn, khó ai có thể đặt lòng tin nếu chỉ nắm thông tin về bạn một cách mơ hồ.

Hãy bắt đầu với những thứ cơ bản: sở thích, nguyện vọng trong công việc, sơ bộ về tình trạng mối quan hệ, gia đình, thế mạnh có thể giúp đưa cả nhóm đi lên.

Nhờ đây, cấp dưới sẽ hình dung rõ hơn về người quản lý trực tiếp để có sự thấu hiểu, cảm thông và mong muốn đồng hành.

Đồng thời, chân thành cũng là yếu tố không nên bỏ qua. Theo các lãnh đạo giàu kinh nghiệm, bạn không nên biến công ty thành ngôi nhà thứ hai.

Tuy nhiên, hãy đối đãi với đồng nghiệp và cấp dưới bằng tình cảm thực. Thay vì chỉ lạnh lùng xem nhau là đối tượng làm việc, quản lý giỏi phải biết cách quan tâm, cho nhân viên thấy họ có giá trị và được quan tâm.

“Bạn không cần vồ vập hay giả vờ thân thiện. Chúng ta nên bắt đầu bằng những câu chào, thăm hỏi đơn thuần khi gặp nhau ở văn phòng.

Trong trường hợp cấp dưới gặp khó khăn, đừng ngại bày tỏ thiện chí hỗ trợ. Đây là hướng hành động khéo léo để ‘thu thập’ lòng tin, giúp bạn nhận được nhiều sự ủng hộ nếu gặp khó khăn trong tương lai”, Carucci nói thêm.

Link bài gốcLấy link
https://lifestyle.zingnews.vn/quan-ly-danh-mat-long-tin-cua-nhan-vien-post1407311.html