Làn sóng cắt giảm nhân sự đầu năm 2023 gây ra sự lo âu cho người lao động toàn thế giới, khiến các quản lý, trưởng nhóm gặp khó trong việc điều hành.
Tâm lý căng thẳng, tội lỗi vì là người “sống sót” sau cơn bão sa thải nằm trong số những nguyên nhân khiến tinh thần hoạt động của nhân viên sa sút. Lúc này, ở vị trí người dẫn dắt, các quản lý cần cảm thông và điều hướng khéo léo những cảm xúc thực tế này để ổn định guồng làm việc của tập thể.
Dưới đây là một số lời khuyên chiến lược từ Fast Company nhằm giúp các quản lý xoay xở tốt nếu cũng đang trong hoàn cảnh tương tự.
Thẩu hiểu cảm xúc tội lỗi
Trước hết, bạn cần hiểu sự áy náy, tội lỗi kể trên là phản ứng tâm lý bình thường sau một sự cố nghiêm trọng.
Lúc này, nhân viên cho rằng việc vẫn còn “trụ vững” là sai trái, bất công với các đồng nghiệp cũ.
Họ cảm thấy có trách nhiệm với những người ra đi, dù chính họ cũng là nạn nhân, không thể chống lại làn sóng sa thải vừa lướt qua.
Sự tiêu cực dễ làm tập thể mất động lực, không còn năng lượng để sáng tạo hay đảm bảo năng suất.
Nếu quản lý ngó lơ hoặc phủ nhận luồng cảm xúc này, tinh thần và hiệu quả lao động chung sẽ sụt giảm nghiêm trọng. Bên cạnh đó, lục đục, chia rẽ nội bộ cũng là kết quả có thể lường trước.
Ở vị trí lãnh đạo, bạn cần lưu tâm hơn đến những dấu hiệu sa sút của cấp dưới.
Chẳng hạn, họ thường xuất hiện trong trạng thái kém tập trung, mất nhiều thời gian hơn chỉ để hoàn thành một nhiệm vụ cơ bản. Hãy chủ động thăm hỏi và củng cố tinh thần là cách bạn đồng hành cùng họ qua giai đoạn này.
Tuy nhiên, đừng quên bạn là nhà quản lý chứ không phải nhà tư vấn tâm lý. Quá trình động viên cần được xem xét lại nếu nhân viên có những dấu hiệu suy kiệt tinh thần nghiêm trọng hơn.
Thay vì cố chịu trách nhiệm, bạn nên khuyên nhủ họ tìm đến phòng khám tâm lý chuyên nghiệp để được hỗ trợ bài bản.
Xây dựng tinh thần và mục tiêu tập thể
Sau làn sóng sa thải, nhiều khả năng bạn sẽ phải làm việc với một nhóm hoàn toàn mới. Do vậy, bước quan trọng tiếp theo là làm quen với tập thể này.
Theo nhà tâm lý học nghề nghiệp Nicky Garcea, quản lý nên dành thời gian đánh giá công tâm về thế mạnh - điểm yếu của từng thành viên và đưa chúng vào bối cảnh lớn hơn.
Liệu những cá nhân này có thể bù trừ qua lại, giúp nhau cùng tiến bộ sau khi trải qua một số dự án?
“Hãy nhanh chóng thiết lập lại hệ thống mục tiêu. Thay vì cố chấp bám riết kế hoạch cũ, bạn cần linh hoạt tùy theo tình hình thực tế. Với tập thể mới, quản lý cần khéo léo hơn khi giao việc, sao cho nhân viên cảm thấy được trọng dụng. Đó là cách để họ chủ động và chịu trách nhiệm hơn với mọi đầu việc”, Garcea nói.
Bên cạnh đó, để nhân sự dưới quyền nhanh chóng thích nghi môi trường mới, lãnh đạo nên tập trung vào quá trình huấn luyện kỹ năng.
Đầu tư các buổi tư vấn, tái định hướng cho mọi người trước khi yêu cầu họ bước vào guồng làm việc là điều cần thiết. Sự giao tiếp rõ ràng và nỗ lực xây dựng văn hóa tập thể là chìa khóa tạo nên sự ổn định cho nhóm làm việc hậu cơn bão sa thải.
Tập trung vào những điều quan trọng
Đã tới lúc cắt giảm các hoạt động thừa thãi, cản trở năng suất và sự tập trung của nhóm.
Quản lý nên ưu tiên các nhiệm vụ trọng tâm thay vì cố ôm đồm, phô trương. Khi cảm thấy được hỗ trợ và thấu hiểu, đội ngũ nhân viên của bạn sẽ trân trọng và nỗ lực nhiều hơn trong nhiệm vụ chung.
“Lãnh đạo giỏi cần tìm thấy điểm giao giữa mong muốn cá nhân của cấp dưới và nhu cầu của doanh nghiệp.
Ngoài ra, để công việc điều hành được rõ ràng, bạn cần làm rõ các kỳ vọng mình đặt ra cho nhân viên, cũng như khen thưởng khi mọi người đáp ứng mục tiêu. Chắc chắn, sự rõ ràng trong nhiệm vụ, quyền lợi và phần thưởng sẽ là động lực thúc đẩy tuyệt vời”, nhà tâm lý Garcea khuyên.