Lifestyle

Quốc gia 'con một'

Nhiều cặp vợ chồng ở châu Á chỉ sinh một con để có thể "trải nghiệm vai trò làm cha mẹ", trong khi vẫn duy trì lối sống ưa thích, cân bằng công việc và cuộc sống gia đình.

Amber Quah (26 tuổi, ở Singapore) và người yêu thống nhất chỉ sinh một con sau khi kết hôn, theo SCMP.

Cả hai đi đến quyết định này sau khi cân nhắc chi phí sinh hoạt và lạm phát. Sinh một con giúp cặp đôi tiếp tục công việc toàn thời gian của mình và cùng chu cấp cho gia đình một cách thoải mái.

Quah, công chức và bạn trai của cô là kỹ sư hàng không vũ trụ, cho biết: "Thực tế là sinh hai đứa con sẽ tăng gấp đôi chi phí, gấp đôi học phí và sự quan tâm cần thiết".

Quah muốn sau khi lập gia đình, cô và chồng vẫn có thể hẹn hò vào tối thứ 7 mà không phải lo lắng xem các con có tranh giành với nhau hay không. "Có hai con nghĩa là một đứa mới biết đi kêu gào bên này và đứa còn lại đang khóc ở phía kia? Nếu vậy thì không, cám ơn", cô nói.

Số con lý tưởng

Ở châu Á, ngày càng nhiều cặp vợ chồng trẻ chỉ sinh một con. Xu hướng này được một nhóm gồm 10 nhà nghiên cứu chỉ ra trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học PNAS hồi tháng 1.

Với tiêu đề Family Ideals in an Era of Low Fertility, báo cáo đã khảo sát hơn 22.000 người ở 8 quốc gia và nhận thấy rằng những người được hỏi mong muốn có một con nếu nguồn lực hạn chế.

Năm 2023, tổng tỷ suất sinh của Singapore lần đầu giảm xuống dưới 1.

Những người trả lời đến từ Italy, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Na Uy, Mỹ và Trung Quốc. Họ được yêu cầu xem xét các yếu tố như thu nhập gia đình, sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, kỳ vọng về việc học tập của con cái khi quyết định số con mà mình mong muốn.

"Việc không hào hứng với số con được cho là lý tưởng có thể dẫn đến chuyện các cặp vợ chồng chỉ chọn sinh một con để nâng cao một số khía cạnh khác của cuộc sống gia đình. Giải thích này phù hợp với xu hướng sinh sản được quan sát ngày nay, thấp hơn đáng kể so với lý tưởng truyền thống là có hai con", nghiên cứu cho biết.

Tỷ lệ sinh ở các nước phát triển trên thế giới đang có xu hướng giảm.

Ở Singapore, ước tính sơ bộ cho thấy tổng tỷ suất sinh của nước này đã giảm xuống mức thấp kỷ lục 0,97 vào năm 2023, đánh dấu lần đầu tiên con số này giảm xuống dưới 1. Tỷ lệ này là 1,04 vào năm 2022 và 1,12 vào năm 2021.

Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng Indranee Rajah cho biết có "nhiều lý do khác nhau dẫn đến tỷ lệ sinh thấp ở Singapore". "Một số cặp vợ chồng tạm thời bị gián đoạn kế hoạch kết hôn do Covid-19, điều này có thể khiến kế hoạch làm cha mẹ của họ bị trì hoãn".

Rajah nói thêm rằng nhiều người cũng lo ngại về chi phí tài chính khi nuôi con, áp lực phải trở thành cha mẹ xuất sắc hoặc khó khăn trong việc sắp xếp công việc.

Rắc rối

Rui Qi (26 tuổi, ở Singapore) có một con gái hai tuổi, cho biết chi phí sinh hoạt và khả năng cân bằng giữa công việc và cuộc sống là những lý do chính khiến cô quyết định sinh một con.

"Tôi thấy việc có nhiều con chẳng có ý nghĩa gì nếu tôi không thể dành cho đứa trẻ những gì tốt nhất trong khả năng của mình. Chăm lo cho một con vẫn dễ dàng hơn là nhiều đứa trẻ", bà mẹ tự kinh doanh cho biết.

Cô nói thêm gia đình đông người hơn cũng sẽ cần một ngôi nhà lớn hơn. Do nhà ở ngày càng đắt đỏ, chi phí mua nhà mới nằm ngoài khả năng của gia đình.

Rui Qi lưu ý rằng mang thai lần nữa cũng sẽ rất khó khăn. "Hiện tại, tôi và chồng không có nhiều thời gian ở bên nhau vì không có ai khác để trông con. Ít nhất với một đứa trẻ, chúng tôi có thể thay phiên nhau và có thời gian nghỉ ngơi", cô nói.

Nhiều người không muốn sinh thêm con vì lo ngại chi phí, khó cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

Đối với luật sư Teo Wen Xuân (27 tuổi), sinh một con đồng nghĩa với việc cô không phải hy sinh lối sống thoải mái. "Đó là cuộc sống mà chúng ta có đủ phòng cho mọi thành viên và gia đình sẽ có thể đi nghỉ nhiều lần trong năm".

Tan Poh Lin, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách, mô tả xu hướng một con là "gây rắc rối" cho quốc gia vốn đang phải vật lộn với tỷ lệ sinh thấp.

"Con đầu lòng cho phép các cặp vợ chồng có cơ hội trải nghiệm vai trò làm cha mẹ, một trong những cột mốc quan trọng của cuộc đời. Nhưng các cặp vợ chồng vẫn có thể tiếp tục sinh con thứ hai hoặc thứ ba để con cái có thêm anh chị em, hoặc có thêm con trai/con gái", bà nói.

Bà Tan cho biết một số chính sách hỗ trợ các gia đình lớn hơn và giúp trẻ em có anh chị em dễ dàng thành công hơn trong các giai đoạn khác nhau của cuộc đời có thể giúp tăng tỷ lệ sinh.

"Việc giảm tổng tỷ suất sinh xuống dưới 1 thực sự đáng lo ngại vì điều đó có nghĩa là tình trạng già hóa dân số ở Singapore sẽ tăng tốc nếu mọi thứ không thay đổi", bà Tan nhận định.

Link bài gốcLấy link
https://lifestyle.zingnews.vn/quoc-gia-con-mot-post1464870.html