Du lịch

Quốc gia Nam Á cứu sống nền kinh tế bằng du lịch bền vững

Trên đà phục hồi sau nhiều năm khủng hoảng, ngành du lịch Sri Lanka muốn hướng đến những trải nghiệm du lịch mang tính bền vững, chú trọng nhiều vào chất lượng thay vì số lượng.

Chuyến tàu sang trọng chạy bằng hơi nước Viceroy Special ở Sri Lanka. Ảnh: Nikkei Asia.

Ở Ấn Độ, mỗi gia đình đều có một dị bản về sử thi Ramayana - tác phẩm được cho là ra đời từ thế kỷ VII trước Công nguyên và Sri Lanka cũng đóng vai trò quan trọng trong đó.

Sử thi kể rằng Vua quỷ Ravana đã bắt cóc Công chúa Sita, vợ của Chúa Rama, một vị thần được người Ấn Độ tôn thờ. Sau khi bắt cóc công chúa, Ravana đã giấu cô sau một thác nước, ngày nay được gọi là thác Ravana ở thị trấn Ella tại Sri Lanka.

Du lịch Sri Lanka phục hồi sau nhiều năm khủng hoảng

Ngày nay, thác Ravana là một điểm đến nằm trên cung đường Ramayana được quảng bá rầm rộ. Tính đến năm 2019, mỗi năm, khoảng 250.000 du khách Ấn Độ đến Sri Lanka để tham quan các địa điểm được nhắc đến trong sử thi. Chính điều này đưa Ấn Độ trở thành thị trường du lịch lớn nhất của quốc đảo này.

Trước năm 2019, Sri Lanka từng đón cả triệu lượt khách du lịch mỗi năm. Ảnh: ET Hospitality.

Tuy nhiên, người Ấn Độ và khách du lịch quốc tế đã ngừng đến Sri Lanka sau hàng loạt vụ đánh bom khủng bố vào năm 2019. Đại dịch Covid-19, sự bất ổn chính trị ở thủ đô Colombo và khủng hoảng kinh tế cũng là nguyên nhân cản bước khách du lịch ghé thăm.

Sự suy thoái của ngành du lịch đã giáng một đòn nặng nề vào nền kinh tế Sri Lanka - nơi vốn phụ thuộc nhiều vào khách quốc tế và ngoại hối.

Vào năm 2022, Sri Lanka chỉ đón khoảng 720.000 du khách ngoài nước ghé thăm, trong khi con số này vào năm 2018 lên đến 2,3 triệu người.

Giờ đây, nhiều người trong số 22 triệu dân Sri Lanka đang thở phào nhẹ nhõm vì năm nay du lịch trong nước có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ. Ước tính quốc đảo này đã đón hơn 767.000 lượt khách chỉ trong 7 tháng và tạo ra doanh thu 1,09 tỷ USD.

Cơ quan Xúc tiến Du lịch Sri Lanka cũng dự đoán năm 2023, nước này sẽ đón tổng cộng 1,55 triệu lượt khách nhờ chương trình miễn thị thực cho công dân Ấn Độ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Thái Lan, Indonesia và Malaysia.

Đối với nhiều người trong ngành du lịch, những năm vừa qua là giai đoạn khó khăn trong cuộc đời họ. Sarath Karunarathna, người điều hành một doanh nghiệp du lịch ở Kalalpitya - một ngôi làng ở vùng Pasyala - cho biết anh đã phải bán 5 trong số 7 phương tiện phục vụ khách du lịch.

"Việc trả tiền bảo trì và bảo hiểm ngày càng tốn kém. Khi không có việc làm, tôi và gia đình buộc phải dựa vào tiền tiết kiệm để sống", Karunarathna nói với Nikkei Asia.

Nhưng năm nay mọi chuyện đã khác. Khi du lịch phục hồi, Karunarathna bận rộn hơn, thậm chí phải làm thêm giờ. Dù bận rộn với những đoàn khách hàng chục người, những chuyến đi kéo dài 2 tuần, anh vẫn rất vui vì ngành du lịch đã "sống lại".

Sri Lanka đưa hoạt động lặn tìm tàu đắm vào danh mục phát triển du lịch bền vững. Ảnh: Sri Lanka Diving Tours.

Ưu tiên chất lượng hơn số lượng

Khi du lịch sôi động trở lại, các hoạt động kinh doanh du lịch ở Sri Lanka đều hướng đến tính bền vững.

Chalana Perera, người sáng lập Retrace Hospitality, công ty hợp tác với các nhà đầu tư, nhà phát triển và điều hành bất động sản để hồi sinh ngành khách sạn, cho biết Chính phủ Sri Lanka đã bắt đầu khuyến khích các bên liên quan áp dụng tinh thần bền vững khi làm du lịch.

"Các hội thảo đang được tổ chức ở khắp Sri Lanka để tiếp cận các doanh nghiệp du lịch. Nhưng để 'tái tạo' chính mình, Sri Lanka cũng cần tập trung vào việc tái tạo các hệ sinh thái bị suy thoái cũng như hỗ trợ cộng đồng địa phương", ông Chalana Perera nhấn mạnh.

Bàn về phát triển du lịch bền vững, nhà văn, nhà làm phim người Sri Lanka Nayomi Apsara cho biết cách tiếp cận bền vững được quốc đảo này áp dụng cũng ngụ ý tập trung vào khách du lịch giàu có thay vì tiếp đón khách du lịch đại chúng đi du lịch với chi phí thấp.

Nơi này cũng đang nỗ lực để khai thác các thị trường nhỏ như lễ hội nghệ thuật và sự kiện văn hóa quốc tế.

Theo đó, lễ hội văn học Galle - sự kiện được tổ chức lần cuối vào năm 2019 tại pháo đài Galle - sẽ được tái khởi động vào năm 2024. Bà Apsara sẽ là một trong những diễn giả tại lễ hội và bà tin rằng lễ hội này sẽ mang lại sức sống mới cho du lịch của Sri Lanka.

Giám đốc lễ hội Galle, ông Giselle Harding cho biết sự kiện hoàn toàn ủng hộ việc Sri Lanka chuyển hướng sang loại hình du lịch thích hợp hơn, không chỉ tập trung vào số lượng mà còn tập trung vào chất lượng du khách để mang lại những tác động tích cực cho ngành du lịch.

Ngoài ngày hội văn học, Sri Lanka tổ chức thêm sự kiện ẩm thực kéo dài 12 tuần, từ đầu tháng 1 đến cuối tháng 3.

Đơn vị tổ chức đã mời 12 đầu bếp quốc tế để tổ chức hai bữa tối và mở một lớp học nâng cao tại các cửa hàng trên khắp bờ biển phía nam Sri Lanka. Những món ăn trong thực đơn được chế biến từ nguyên liệu tươi ngon tại địa phương.

Đất nước này cũng muốn mở rộng du lịch biển với hình thức độc đáo là lặn tìm tàu đắm.

Xác tàu sân bay HMS Hermes của Anh bị máy bay Nhật Bản đánh chìm năm 1942 được liệt kê trong danh sách 100 địa điểm lặn hàng đầu trên thế giới. Nơi này sẽ được Sri Lanka đưa vào khai thác du lịch vì vị trí khá đẹp - nằm ngoài khơi phía đông thành phố Batticaloa của nước này.

Ngoài ra, cơ sở dữ liệu của Sri Lanka liệt kê thêm khoảng 150 xác tàu đắm nằm dọc bờ biển. Nhờ nhiều điểm lặn thú vị, hoạt động lặn tìm tàu đắm hứa hẹn sẽ tạo ra doanh thu khoảng 495 triệu USD mỗi năm cho ngành du lịch quốc đảo Nam Á.

Link bài gốcLấy link
https://lifestyle.zingnews.vn/quoc-gia-nam-a-cuu-song-nen-kinh-te-bang-du-lich-ben-vung-post1449454.html