Theo Channel News Asia, ông Akshant trông giống một tài xế tuk tuk bình thường ở Sri Lanka. Nhưng thu nhập của ông cao gấp 3 lần những người khác.
Khi Sri Lanka rơi vào cuộc khủng hoảng nhiên liệu nghiêm trọng, ông Akshant bán nhiên liệu trên chợ đen để kiếm lời. "Công việc này kiếm tiền dễ hơn lái xe", người đàn ông 59 tuổi chia sẻ. Ông từ chối tiết lộ tên thật vì muốn giấu danh tính.
"Sau khi mua 5 lít xăng, tôi sẽ bán cho người khác 3 lít", ông giải thích. Xăng được bán với giá 450 rupee/lít tại các trạm xăng. Nhưng ông Akshant rao bán tới 2.500-3.000 rupee/lít.
Xếp hàng mua xăng để đem bán
Hàng triệu người Sri Lanka đang vật lộn với cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có. Dự trữ ngoại hối cạn kiệt khiến đất nước không thể nhập khẩu những mặt hàng thiết yếu như xăng dầu.
"Chúng tôi phải đợi 3-4 ngày để mua xăng và chỉ được mua 2.500 rupee mỗi lần. Vì thế, nhiều người đã lấy xăng ra để bán với giá cao hơn", ông Akshant chia sẻ.
Tháng 5 năm nay, quốc gia 22 triệu dân chính thức vỡ nợ. Người dân chao đảo vì chi phí sinh hoạt tăng cao, nhiên liệu và thuốc men thiếu hụt nghiêm trọng.
Chúng tôi phải đợi 3-4 ngày để mua xăng và chỉ được mua 2.500 rupee mỗi lần. Vì thế, nhiều người đã lấy xăng ra để bán với giá cao hơn.
Ông Akshant, một người bán xăng trên thị trường chợ đen
Theo ông Kanchana Wijesekera - Bộ trưởng Bộ Điện và Năng lượng Sri Lanka, hoạt động nhập khẩu nhiên liệu sẽ bị gián đoạn trong 12 tháng tới. Nhưng nhiều người Sri Lanka đã nhìn ra cơ hội kiếm tiền từ khủng hoảng.
Khách hàng của ông Akshant là những người có tiền nhưng không muốn mất thời gian xếp hàng. Họ sẵn sàng trả mức giá trên trời thay vì dành nhiều ngày xếp hàng và ngủ ngoài đường.
Tất cả tài xế ở Sri Lanka đều phải đăng ký để nhận Thẻ Nhiên liệu Quốc gia. Mỗi phương tiện sẽ được cấp một mã QR để mua nhiên liệu tại các trạm xăng dầu.
Mỗi mã QR đi kèm với số nhiên liệu tối đa có thể mua trong tuần. Số lượng sẽ thay đổi theo từng loại xe. Tuy nhiên, các tài xế vẫn phải xếp hàng nhiều ngày để đợi mua xăng.
"Chúng tôi có thể mất tới 2-3 ngày. Trong thời gian đó, chúng tôi chỉ được ở lì trong xe", anh Frank Joseph Alvis, một tài xế xe khách, cho biết. "Bạn thậm chí không thể bật điều hòa vì hết nhiên liệu", anh nói thêm.
Khi đoàn xe nhích lên phía trước, anh Alvis thậm chí xuống đẩy xe thay vì nổ máy để tiết kiệm nhiên liệu. Giống nhiều người Sri Lanka khác, anh không đủ tiền mua xăng ở chợ đen và buộc phải xếp hàng.
Tìm cách lách luật
Kể từ ngày 1/8, hệ thống mã QR đã được áp dụng ở tất cả trạm xăng trên toàn quốc. Hệ thống này hạn chế nghiêm ngặt việc phân chia nhiên liệu và khiến hoạt động mua bán trái phép trở nên khó khăn hơn.
Nhưng nhiều người vẫn có cách lách luật. "Tôi được mua thêm một can xăng sau khi đưa tiền cho nhân viên ở trạm xăng", ông Akshant tiết lộ.
"Một số tài xế xe buýt cũng bán dầu diesel trái phép. Họ mua, sau đó hút khỏi bình rồi đem bán", ông nói thêm.
Chính phủ Sri Lanka đã nhận thức được tình trạng buôn bán nhiên liệu bất hợp pháp và đang nỗ lực để loại bỏ. "Trong lần đầu vi phạm, chúng tôi có thể tư vấn cho họ về cách làm phù hợp", ông Tissa Maldeniya, một thanh tra cảnh sát tại đồn cảnh sát Kollupitiya ở Colombo, cho biết.
"Nếu họ tiếp tục vi phạm lần thứ 2, chúng tôi sẽ đưa họ đến đồn cảnh sát, lấy lời khai và cảnh báo", ông nói thêm.
"Nếu họ vẫn không nghe theo, chúng tôi có thể thực hiện những hành động cần thiết", ông cho biết. Dù vậy, ông Maldeniya thừa nhận rằng đây là điều ông không muốn, bởi tất cả đều đang chịu chung một cuộc khủng hoảng.
Theo Bộ Điện và Năng lượng Sri Lanka, những người tái phạm nhiều lần có thể bị treo mã QR và phải đối mặt với hành động pháp lý. Một số trạm xăng cũng đã yêu cầu chỉ bơm xăng vào thùng nhiên liệu của các phương tiện, thay vì can, thùng hay chai.
Tuy nhiên, ông Akshant cho biết việc bán thêm xăng là thỏa thuận ngầm giữa các tài xế và nhân viên trạm xăng.