Cải cách chính sách visa thông thoáng, gia hạn thêm thời gian lưu trú và tìm cách đa dạng sản phẩm du lịch để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam là những vấn đề chính được nhiều chuyên gia thảo luận tại hội thảo Mở visa để phục hồi du lịch, do Báo Thanh Niên phối hợp UBND TP.HCM, các chuyên gia tổ chức ngày 10/3.
Trở ngại từ chính sách visa
Hiện chính sách visa du lịch tại Việt Nam vẫn còn là trở ngại cho khách du lịch quốc tế. Số lượng quốc gia được miễn thị thực khi du lịch đến Việt Nam còn ít, chỉ khoảng 24 nước. Thời gian được miễn thị thực rất ngắn, khoảng 15-30 ngày. Trong khi các nước đã mở rộng thời gian này đến 180 ngày.
Theo bà Trần Nguyện, Phó tổng giám đốc Khối Sun World - Tập đoàn Sun Group, visa là cánh cửa đầu tiên, lợi thế cạnh tranh đối với các điểm đến khác. Tuy nhiên gần một năm sau khi mở cửa du lịch, đến nay Việt Nam vẫn vắng bóng du khách, đặc biệt là khách quốc tế.
Nữ doanh nhân chỉ ra Việt Nam mới chỉ miễn thị thực cho 24 quốc gia theo hình thức đơn phương và song phương. Thị thực điện tử cấp cho 80 quốc gia nhưng bị giới hạn số cửa khẩu cho phép người nước ngoài nhập cảnh. Thời gian lưu trú thông thường khoảng 15 ngày và nhập cảnh một lần.
Trong khi đó Malaysia miễn thị thực cho 162 quốc gia, Singapore cho 162 quốc gia, Phillipines cho 157 quốc gia, Nhật Bản cho 68 quốc gia, Hàn Quốc miễn cho 66 quốc gia, Thái Lan 64 quốc gia… Các nước trên hầu hết cấp và cho phép nhập cảnh bằng thị thực điện tử với thời gian lưu trú dài lên 6 tháng và nhiều lần nhập cảnh ra vào.
"Như vậy, chính sách visa của Việt Nam đang bất lợi, về cả số quốc gia miễn visa, cấp visa điện tử, thời gian miễn visa cũng như hình thức visa. Nếu chúng ta không điều chỉnh kịp thời, phù hợp, linh hoạt, rất có thể tiếp tục tụt lại phía sau", bà Nguyện nói và cho rằng đây vẫn là rào cản lớn nhất hiện nay của ngành du lịch.
Đồng quan điểm, Chủ tịch HĐQT Vietravel Corporation Nguyễn Quốc Kỳ cho rằng Việt Nam dù quyết tâm mở cửa du lịch rất sớm nhưng từ giữa tháng 3/2022 đến nay vẫn "kiên trì" chính sách visa khắt khe, số lượng quốc gia được miễn visa quá ít, số ngày lưu trú quy định vỏn vẹn 15 ngày.
"Chúng ta vẫn đang coi khách du lịch là đối tượng quản lý, không phải đối tượng khai thác", ông Kỳ nói và khẳng định visa là yếu tố đầu tiên để hút khách quốc tế đến.
Chưa có sản phẩm du lịch nổi trội
Mở rộng vấn đề, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG), cho rằng bài toán phục hồi du lịch không chỉ nằm ở câu chuyện cởi mở chính sách cấp/miễn visa. Thay vào đó, Việt Nam cần các chính sách để phát triển mô hình du lịch trải nghiệm, sức khỏe và phát triển các tổ hợp mua sắm, vui chơi, giải trí.
Tỷ phú Johnathan Hạnh Nguyễn đánh giá Singapore, Thái Lan và đảo Hải Nam của Trung Quốc là những điểm đến đang làm rất tốt việc "móc hầu bao" du khách. Với diện tích chỉ tương đương đảo Phú Quốc của Việt Nam, đảo quốc Singapore chọn "đánh thật mạnh" 4 loại hình du lịch để phát triển là mua sắm, vui chơi - giải trí, du lịch công việc và du lịch trải nghiệm.
Trong khi đó, Thái Lan có nét tương đồng về điều kiện thiên nhiên với Việt Nam, song khoảng cách ngành du lịch 2 nước còn rất lớn. Nguyên nhân, Thái Lan tập trung cải thiện về các loại hình dịch vụ, sản phẩm, nâng cao các trải nghiệm cho du khách.
"Du lịch mua sắm của Thái Lan có đầy đủ các mô hình, từ trung tâm thương mại trung cấp, cao cấp tại các trung tâm thành phố, trung tâm thương mại factory outlet (hàng hiệu bán hàng qua mùa), tới cửa hàng miễn thuế dưới phố, mô hình ẩm thực đường phố cùng nhiều hoạt động bán lẻ đặc biệt khác như chợ vải, chợ thời trang…", ông Johnathan Hạnh Nguyễn nói.
Ông Hạnh Nguyễn khẳng định tất cả các nước có ngành du lịch phát triển trong khu vực như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc hay trên thế giới như Mỹ, các nước châu Âu... đều sử dụng mô hình factory outlet để thu hút du khách, tăng chi tiêu và doanh thu du lịch.
Đặc điểm của các khu outlet là hàng hóa phong phú và được giảm giá rất mạnh (từ 50 đến 90%) so với nguyên giá. Một trong những yếu tố chính là giá cạnh tranh so với khu vực. Nhưng để có thể cạnh tranh được, cần có các chính sách hỗ trợ cho du khách quốc tế, cả du khách trong nước được mua hàng factory outlet trong khu phi thuế quan.
Theo ông Johnathan, hiện Chính phủ đang xem xét việc xây dựng cơ chế chính sách Khu phi thuế quan trong lĩnh vực thương mại - du lịch. Nếu quyết tâm triển khai, Việt Nam sẽ có các Factory Outlet trong khu miễn thuế đầu tiên của cả khu vực, giá bán lẻ tại các factory outlet này sẽ rẻ như ở Mỹ hoặc Milan, Italia. Du khách từ các nước lân cận sẽ đổ về Việt Nam mua sắm, kéo theo các dịch vụ khác tăng cộng hưởng theo và ngành du lịch Việt Nam sẽ có bước nhảy vượt bậc.