Theo Sở Du lịch Hà Nội, trong năm 2022 thủ đô đã đón 1,5 triệu lượt khách quốc tế tính từ thời điểm mở cửa du lịch ngày 15/3/2022. Năm 2023, Hà Nội đặt ra mục tiêu phấn đấu đạt 3 triệu lượt khách quốc tế (gấp đôi năm 2022), trong đó có 2,1 triệu lượt khách lưu trú.
Nhiều tour đêm đã đi vào hoạt động
Nói về mục tiêu đón 3 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2023, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị du lịch Thủ đô cần có những hướng đi đổi mới, cơ cấu để trở thành ngành kinh tế, hiện đại, chuyên nghiệp cũng như có tính cạnh tranh cao…
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Mạnh Quyền cũng chỉ ra một số hạn chế mà du lịch TP Hà Nội cần phải khắc phục như sản phẩm du lịch còn đơn điệu và chưa có chiều sâu văn hóa; chưa khai thác và phát huy giá trị các điểm đến; điểm du lịch văn hóa gắn với di tích lịch sử, làng nghề truyền thống chưa cao; thiếu khu nghỉ dưỡng cuối tuần quy mô lớn; hay hệ thống cơ ở lưu trú chưa đáp ứng được nhu cầu cao của du khách…
Ngày 5/1 vừa qua, tại hội nghị tổng kết công tác năm 2022 do Sở Du lịch Hà Nội tổ chức, vấn đề phát triển các sản phẩm du lịch đêm và sản phẩm du lịch mới lạ, hấp dẫn nhằm thu hút du khách, đặc biệt là du khách quốc tế đã được nhiều đại biểu quan tâm. Các sản phẩm tour đêm đang được Hà Nội triển khai và nhận được sự quan tâm, chú ý của du khách có thể kể đến tour Đêm thiêng liêng tại Nhà tù Hỏa Lò, Giải mã Hoàng thành Thăng Long, phố ẩm thực đêm Đảo Ngọc - Ngũ Xã, phố đi bộ Hồ Gươm, phố đi bộ Trần Nhân Tông…
Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Hồng Chi, Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội cho biết trung tâm đang phát triển nhiều sản phẩm du lịch đa dạng, trong đó có các sản phẩm du lịch đêm dành cho du khách quốc tế. "Tour đêm "Giải mã Hoàng thành Thăng Long" đang được triển khai cho khách trong nước vào tối thứ sáu và thứ bảy hằng tuần. Từ năm 2023, trung tâm sẽ triển khai phiên bản cho khách quốc tế và phấn đấu sẽ phục vụ du khách vào tất cả các đêm trong tuần", bà Hồng Chi cho biết.
Là đơn vị có nhiều đổi mới, sáng tạo trong các sản phẩm du lịch tại thủ đô, ông Lê Hồng Thái, Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist chia sẻ: "Trong thời gian tới, để du lịch thủ đô có thể phục hồi, nhất là khách quốc tế và phát triển một cách bền vững, chúng ta cần xây dựng và làm mới cho bằng được các sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn và có lợi thế so sánh để phục vụ du khách dựa trên các thị trường trọng điểm".
Vừa qua, tour du lịch văn học “Chữ Tâm, chữ Tài” ra mắt vào trung tuần tháng 12/2022 tại Bảo tàng Văn học Việt Nam (đường Âu Cơ, Hà Nội) là sản phẩm du lịch văn hóa về đêm tổ chức tại bảo tàng đầu tiên của Hà Nội, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch Thủ đô vào dịp đón năm mới 2023 và Tết Nguyên đán Quý Mão. Chia sẻ về quá trình thực hiện tour này, Giám đốc Công ty Du lịch bền vững Vietnam S.T.I.D Phùng Quang Thắng cho biết: “Với thời lượng khoảng 90 phút, tour không chỉ giới thiệu các kiến thức văn chương, mà còn mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm, như: Tham quan vườn tượng 20 danh nhân văn học; tham gia hoạt động “gánh chữ” vào cửa “Ngôi đền văn chương Việt Nam”, xem hoạt cảnh “Chí Phèo”, “lẩy Kiều”, thưởng trà bánh…”
Cần đổi mới thêm để đạt hiệu quả tốt hơn
Trao đổi tại Hội thảo khoa học “Dịch vụ đêm-Cơ hội cho ngành du lịch bứt phá trong bối cảnh mới” do Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (Tổng cục Du lịch) tổ chức vừa qua tại Hà Nội, các chuyên gia cho rằng kinh tế du lịch đêm ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng vẫn phát triển chưa xứng tiềm năng.
Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Văn Đính nhận định: Nhìn chung, sản phẩm du lịch đêm còn tương đối đơn điệu, nghèo nàn, thiếu tính đặc sắc, thiếu quy hoạch không gian riêng cho sản phẩm du lịch đêm, thiếu sự quản lý bài bản và thiếu cơ chế chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư sản phẩm du lịch đêm.
Theo các chuyên gia, dịch vụ đêm phục vụ khách du lịch có thể được hiểu là những dịch vụ du lịch và dịch vụ liên quan được cung ứng một cách hợp pháp trong thời gian từ 6 giờ tối hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, thúc đẩy du lịch theo hướng hài hòa, sáng tạo, bền vững. Với nhiều quốc gia, du lịch đêm không chỉ được xem là hướng đi giúp tăng trưởng kinh tế, mà còn được nhìn nhận như dấu ấn riêng tạo nên hình ảnh, thương hiệu, bản sắc riêng cho điểm đến.
Ở góc độ địa phương đang vận hành mô hình phố đi bộ, các kiến trúc sư cho rằng Hà Nội cần tính toán nhằm đồng bộ cơ chế vận hành các tuyến phố đi bộ hiện có và sắp có, với mục tiêu mang lại giá trị về bản sắc trong kiến trúc đô thị và văn hóa. Ngay cả với phố đi bộ hồ Gươm vốn được đánh giá là thành công, các chuyên gia cũng cho rằng cũng cần đổi mới thêm để đạt được hiệu quả tốt hơn.
Theo ông Nguyễn Ngọc An, Phó Tổng giám đốc Công ty lữ hành Fiditour – Vietluxtour, muốn du lịch phát triển để giữ chân khách lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn và có nơi để du khách khám phá thì sản phẩm du lịch về đêm là cần thiết. "Nếu nhìn ra nước ngoài, nhiều thành phố du lịch lớn ở Thái Lan, Malaysia, Singapore... sản phẩm du lịch về đêm đã phát triển từ nhiều năm qua và du khách Việt rất thích khám phá. Chúng ta có thể học hỏi mô hình phát triển kinh tế đêm của nước bạn nhưng phải có nét đặc trưng riêng của bản địa, điểm đến,” ông An nói.
Theo PGS.TS. Nguyễn Ngọc Sơn, Trường đại học Kinh tế quốc dân, để khai thác tối đa tiềm năng kinh tế ban đêm của Hà Nội, trước tiên cần có quan điểm định hướng rõ ràng về xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý điều chỉnh hoạt động kinh tế ban đêm. Theo đó, cơ chế chính sách phát triển, quản lý kinh tế đêm phải được xây dựng trên cơ sở làm rõ hiện trạng, nguyên nhân, những trở ngại và thuận lợi của kinh tế ban đêm.
"Xây dựng các cơ chế, chính sách cho phát triển kinh tế ban đêm không nhất thiết phải theo hướng hỗ trợ, ưu đãi về tài chính, mà cần xây dựng cơ chế, chính sách ổn định, phù hợp, nới lỏng hơn để khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển," TS Nguyễn Ngọc Sơn nói.
Bên cạnh đó, Hà Nội dự kiến sẽ chú trọng triển khai các loại hình mới như: thể thao mạo hiểm, bay trực thăng, khinh khí cầu và phát triển 5 tuyến du lịch gồm tuyến trung tâm các quận Hoàn Kiếm - Ba Đình - Đống Đa - Hồ Tây; tuyến Hà Đông - Mỹ Đức kết hợp Tam Chúc (Hà Nam) - Tràng An (Ninh Bình) để đẩy mạnh trục du lịch tâm linh. Ba tuyến còn lại gồm: Sơn Tây - Ba Vì - Quốc Oai; Đông Anh - Mê Linh với sản phẩm du lịch về hoa; tuyến Sóc Sơn với các sản phẩm du lịch trải nghiệm.
Ngành du lịch thủ đô cũng tập trung nâng cấp chất lượng sản phẩm, điểm đến du lịch gắn với di sản - di tích; phát triển sản phẩm du lịch từ trung tâm thành phố đến các làng nghề như Bát Tràng (Gia Lâm), Hương Sơn (Mỹ Đức), Thạch Thất (Quốc Oai), Sơn Tây (Ba Vì).