Các nội dung tóm tắt sách đang trở nên phổ biến hơn tại Việt Nam. Ảnh minh họa: Thanh Trần.
Tiết kiệm thời gian, cô đọng những thông tin quan trọng, hấp dẫn và có thể đọc/nghe một cách tiện lợi trên các ứng dụng riêng… là những lý do khiến các tóm tắt sách ngày càng phổ biến với độc giả trên thế giới và Việt Nam.
Tuy còn nhiều tranh cãi về vấn đề bản quyền hay ảnh hưởng đến thói quen đọc sách, các đơn vị xuất bản tại Việt Nam cho rằng có thể phát triển và tận dụng những lợi thế của thể loại này với đích đến cuối cùng là thúc đẩy nhu cầu nghe/đọc sách nhiều hơn.
Thị trường tóm tắt sách phát triển mạnh
Trên thế giới, các nội dung tóm tắt sách đã xuất hiện từ lâu và có những bước phát triển đáng kinh ngạc. Chẳng hạn, một trong những ứng dụng tóm tắt sách lâu đời nhất là getAbstract được thành lập từ năm 1999. Nhiều ứng dụng khác chuyên về tóm tắt sách cũng được nhiều người dùng biết đến như Blinkist, 12min, Instaread, ReadinGraphics, StoryShots… Theo thống kê, chỉ tính riêng Blinkist đã có lượng tìm kiếm tăng đến 188% trong 5 năm đổ lại đây.
“Sách tinh gọn là hướng đi mới, nằm trong xu thế của ngành xuất bản toàn cầu. Những thành tựu đáng kể cho thấy sách tinh gọn là một thị trường tiềm năng mà Việt Nam có thể học tập và khai thác”, Ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam - chia sẻ về hướng đi của xuất bản trong bài phỏng vấn hồi tháng 9/2022.
Tại Việt Nam, nội dung tóm tắt sách đã xuất hiện từ 10 năm trước với dự án của Alphabooks song vẫn chưa được chú ý nhiều trong thời gian gian đầu. Phải đến vài năm trở lại đây thể loại này mới trở nên phổ biến hơn, dự án tóm tắt sách của Alphabooks cũng được khởi động lại từ năm 2017 và hiện nay có khoảng 700 đầu sách được tóm tắt.
Đặc biệt là khi các ứng dụng sách nói xuất hiện, tóm tắt sách càng trở nên tiện lợi và tiết kiệm thời gian hơn khi người dùng có thể nắm sơ lược nội dung cuốn sách trong 15 phút đi xe hoặc làm việc nhà.
Hiện trên ứng dụng sách nói Fonos có hơn 1.000 tóm tắt sách, chủ yếu đến từ những người đã đọc sách gốc và tóm tắt lại. Trong đó, các nội dung tóm tắt sách được nghe nhiều nhất xoay quanh các chủ đề phát triển bản thân, lối sống - nghệ thuật sống và sức khỏe... Tại ứng dụng Voiz cũng có khoảng 500 tóm tắt sách với đối tượng thính giả chủ yếu từ 25 đến 35 tuổi, thuộc nhóm người bận rộn.
Lượt tìm kiếm từ khóa Blinkist - một ứng dụng tóm tắt sách nổi tiếng - tăng 188% trong 5 năm qua. Ảnh: Exploding Topics.
“Tóm tắt sách như một cầu nối đến văn hóa đọc”
Nhìn chung, các đơn vị xuất bản tại Việt Nam hiện nay chủ yếu sản xuất tóm tắt sách như một cách thức để thu hút độc giả và quảng bá nội dung sách. Hầu hết tựa sách được tóm tắt cũng đã được xuất bản bởi chính đơn vị đó.
“Mục đích chủ yếu của tóm tắt sách là để người nghe tìm hiểu kĩ hơn về cuốn sách và khi họ đã thích cuốn sách, họ sẽ tìm đến sách gốc”, ông Lê Hoàng Thạch - CEO của Ứng dụng Sách nói Voiz FM - nói về định hướng khi làm tóm tắt sách.
Ông cũng cho biết, dữ liệu từ ứng dụng cho thấy có khoảng hai phần ba người dùng sau khi nghe tóm tắt sách đã tìm đến phiên bản sách nói đầy đủ của cuốn sách để nghe thêm. Ngoài ra, trong một khảo sát khác, có hơn 50% đối tượng khảo sát phản hồi rằng họ sẵn sàng mua một cuốn sách giấy sau khi đã biết nội dung tóm tắt của nó.
“Nếu nói người đọc hiện nay bận rộn đến mức không thể đọc sách thì không hẳn, họ chỉ bận rộn trong việc lựa chọn đúng cuốn sách cần tìm thôi. Các khảo sát cho thấy độc giả không chỉ dừng lại ở tóm tắt sách. Nói đúng hơn thì đó là một công cụ giúp độc giả tiết kiệm thời gian cho việc lựa chọn sách, tránh trường hợp sau khi mua về đọc mới phát hiện nội dung không phù hợp”, ông Lê Hoàng Thạch chia sẻ.
“Nhìn chung, tóm tắt sách cũng có cùng mục đích là cung cấp kiến thức và nguồn cảm hứng cho người bận rộn, hỗ trợ họ phát triển đời sống tinh thần và sự nghiệp”, bà Xuân Nguyễn - đồng sáng lập Ứng dụng Sách nói Fonos - nói. Bà Xuân cho biết trong tương lai sẽ tiếp tục đẩy mạnh các nội dung tóm tắt sách và các loại nội dung khác nói chung có liên quan đến các chủ đề này.