Theo Global Data, tính theo các ấn bản sách, báo và tạp chí truyền thống, Trung Quốc có thị trường xuất bản lớn nhất thế giới.
Tổng quan thị trường xuất bản Trung Quốc
Theo đó, sách in tiếp tục thống trị thị trường tại Trung Quốc năm 2021 với giá trị 42.704 triệu USD. Các ấn phẩm báo chí chiếm 11% thị phần với giá trị 5.533 triệu USD. Tạp chí chiếm 8% thị phần còn lại với giá trị 4.157 triệu USD. Về tổng quan, thị trường xuất bản ở Trung Quốc đạt 52.394 triệu USD vào năm 2021, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2020.
Một số nhà xuất bản lớn và có ảnh hưởng tại Trung Quốc hiện tại là China Publishing Group, People's Education Press, Phoenix Publishing and Media Network Group, Higher Education Press, và Foreign Language Teaching and Research Press.
Trong giai đoạn 5 năm 2017-2022, thị trường xuất bản nước này cũng đối mặt với nhiều tín hiệu không chắc chắn, một phần do dịch bệnh Covid-19 và cả sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các công ty trực tuyến lớn.
Thêm vào đó, trong những năm 2020, 2021 và thậm chí cả năm 2022, khi đại dịch Covid-19 kéo dài đã kéo theo sự bất ổn về kinh tế và sự gián đoạn chuỗi cung ứng trên toàn thế giới, thị trường xuất bản Trung Quốc cũng gặp nhiều khó khăn. Nhu cầu mua sách đối với các nhà xuất bản và nhà bán sách Trung Quốc giảm, đặc biệt là đối với các cửa hàng nhỏ và cửa hiệu độc lập.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, theo thông tin từ công ty phân tích dữ liệu xuất bản Beijing OpenBook được tờ Publishing Perspectives công bố, tốc độ tăng trưởng của thị trường xuất bản sách Trung Quốc đã giảm 13.8% so với cùng kỳ 6 tháng năm ngoái. Nghiên cứu của Beijing OpenBook cũng cho biết trong nửa đầu năm 2022, doanh thu từ các hiệu sách đã giảm 39.7% so với cùng kỳ năm trước và qua các kênh kỹ thuật số đã giảm 5.8% trong cùng kỳ.
Cũng trong nửa đầu năm 2022, doanh thu của 41.65% hiệu sách tại Trung Quốc là dưới 100.000 NDT (14.367 USD), trong khi 9.56% hiệu sách không có thu nhập. 54.53% chủ hiệu sách cho biết họ bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, trong khi chỉ có 6.94% chủ hiệu sách cho biết dòng tiền của họ không bị ảnh hưởng, theo kết quả của cuộc "Khảo sát hoạt động các hiệu sách quốc gia Trung Quốc" được tờ Global Times công bố.
Thêm vào đó, việc triển khai các biện pháp giảm thiểu lây lan dịch Covid-19 cũng khiến một số hoạt động của ngành xuất bản nước này bị đình trệ. Ví dụ, Hội sách thiếu nhi quốc tế Thượng Hải đã phải hoãn liên tục trong năm nay, lần đầu tiên từ tháng 3 đến tháng 7, sau đó từ tháng 7 đến tháng 11.
Cơ cấu hạng mục sách
Một nghiên cứu về thị trường sách Trung Quốc đăng trên tạp chí Publishing Research Quarterly tháng 7/2021 đã chia hoạt động xuất bản sách của nước này theo 3 hạng mục sách tiêu dùng (sách thương mại); gồm các tác phẩm liên quan đến cuộc sống hàng ngày của công chúng, giải trí và trải nghiệm văn hóa; sách giáo dục, gồm các cuốn sách về học tập, giáo dục và đào tạo; và các loại sách liên quan đến học thuật và nghiên cứu chuyên sâu.
Theo nghiên cứu này, quy mô tổng thể của thị trường sách thương mại Trung Quốc chiếm khoảng 35% quy mô thị trường sách nói chung và là một thành phần quan trọng của thị trường sách bán lẻ.
Và vượt lên sự sụt giảm của thị trường sách Trung Quốc nói chung, sách thiếu nhi vẫn duy trì mức tăng trưởng dương nhẹ. Năm 2020, tỷ trọng sách thiếu nhi trên thị trường bán lẻ sách Trung Quốc là 28,31%, tăng 1,96% so với cùng kỳ năm 2019. Số lượng sách in đã bán được trong năm 2020 là 300.000 cuốn, tăng nhẹ so với năm 2019. Bị ảnh hưởng bởi đại dịch, việc bán sách thiếu nhi năm 2020 đã chuyển nhiều sang các kênh trực tuyến, với tốc độ tăng trưởng thường niên của kênh trực tuyến là 15,64%.
Không chỉ sách thiếu nhi mà doanh số bán sách thương mại Trung Quốc cũng đang chuyển dịch theo hướng trực tuyến. Xu hướng này là do sự phát triển nhanh chóng của các kênh bán hàng mới và sự giảm giá lớn trên thị trường trực tuyến.
Vào năm 2020, các nhà bán lẻ trực tuyến do DangDang và JD.com đã đẩy nhanh cuộc chiến giá cả của họ. Mức giảm giá trung bình của sách trên các sàn thương mại điện tử thậm chí lên tới 60% và giá mua thực tế của một số cuốn sách dành cho trẻ em cũng thấp hơn 30% so với giá niêm yết. Các hoạt động giảm giá cũng diễn ra gần như cả năm.
Về sách giáo dục, xu hướng chung là doanh thu giảm do việc in ấn, bán sách và hậu cần phân phối có khoảng thời gian bị trì trệ. Đối với mảng xuất bản giáo dục đại học, do các trường cao đẳng, đại học trên toàn Trung Quốc từng có thời gian dài tạm dừng mở lớp nên việc phát hành sách phục vụ giáo dục đại học của nhiều cơ sở xuất bản trong năm 2020 gần như bị dừng hoặc lỗ nặng. “Hàng không gửi được, tiền không thu được” là bài toán nan giải mà nhiều đơn vị xuất bản sách giáo khoa giáo dục đại học Trung Quốc đã gặp phải trong mùa dịch.
Ngoài ra, thư viện, một trong những kênh thiết yếu quảng bá cho các sản phẩm giáo dục đại học, cũng khó hỗ trợ việc quảng bá sách do các trường đại học đóng cửa. Quý I/2020, doanh thu của nhiều đơn vị xuất bản sách giáo khoa giáo dục đại học giảm hơn 40%. Bước vào mùa thu năm 2020, hoạt động xuất bản giáo dục đại học đã được nới lỏng hơn một chút, nhưng thực tế là thu nhập đã giảm.
Về xuất bản các tác phẩm học thuật, có thể nói mảng xuất bản hàn lâm này không hướng đến thị trường đại chúng mà hoạt động xuất bản chủ yếu đến từ tài trợ. Đối với các đơn vị xuất bản học thuật, tổng kinh phí được cấp cho một dự án xuất bản thường lớn hơn doanh thu bán sách và quy mô thị trường vẫn tương đối nhỏ.
Vào năm 2020, quy mô thị trường xuất bản học thuật của Trung Quốc là khoảng 14 tỷ NDT và tiếp tục giảm so với năm 2019. Tác động của đại dịch Covid-19 đối với xuất bản học thuật không hoàn toàn được phản ánh qua doanh số bán hàng mà phản ánh qua nguồn kinh phí ban đầu. Do sức mua chung và mức tiêu dùng giảm trong năm 2020, kéo theo Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục Trung Quốc đã hai lần giảm ngân sách trung ương cho các bộ và các trường đại học để tập trung đảm bảo chi phòng chống dịch.
Vì vậy, hầu hết tổ chức nghiên cứu khoa học của trường đại học đã giảm ngân sách tài trợ, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng quỹ và trì hoãn kế hoạch mua sắm dữ liệu, tài liệu của thư viện và nhiều chính sách thắt lưng buộc bụng khác. Điều này đã có tác động đáng kể đến hoạt động xuất bản sách học thuật, doanh số bán sách và nền tảng cơ sở dữ liệu học thuật. Dù vậy, trong tương lai xa, với sự gia tăng liên tục của nguồn tài trợ cho các dự án nghiên cứu và phát triển, vẫn còn nhiều không gian cho các tác phẩm học thuật tại Trung Quốc.