Vĩ mô

Săn bắn để có đủ đồ ăn giữa bão giá

Giá cả hàng hóa tăng cao khiến nhiều người ở một số nơi tại Mỹ đang phải căng não tiết kiệm, thử các mẹo khác nhau để có đảm bảo thực phẩm trên bàn ăn.

Wall Street Journal cho biết do ảnh hưởng của lạm phát, người tiêu dùng Mỹ gần đây đang phải chi nhiều tiền hơn cho thực phẩm trong 30 năm qua, trích dẫn dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ.

Cụ thể, người dân nước này chi 11,3% thu nhập của mình cho thực phẩm vào năm 2022, nhiều hơn con số được thống kê kể từ năm 1991. Giá cả tại nhà hàng đã tăng 5,1% trong tháng 1 năm nay so với cùng kỳ năm ngoái; chi phí cho hàng hóa tăng 1,2% trong cùng khoảng thời gian.

Thực tế này khiến nhiều người phải cố gắng tìm cách cân đối chi tiêu, săn hàng giảm giá, ăn uống thanh đạm hơn để tiết kiệm chi phí.

Làm quen với "bình thường mới"

Theo thông tin từ Business Insider, dù tình trạng lạm phát từng làm rung chuyển nền kinh tế Mỹ vào năm 2023 hiện tại đã dịu bớt, giá hàng hóa vẫn tiếp tục tăng, nhất là những món có thành phần thịt bò và đường có giá cao ngất ngưởng.

Ăn uống ở ngoài cũng là lựa chọn kém hấp dẫn khi các nhà hàng tăng giá, cắt giảm khẩu phần để có thể sống sót trong thời bão giá.

Giá thực phẩm tăng cao đã thay đổi thói quen ăn uống của nhiều người Mỹ. Ảnh: The New York Times.

Giám đốc điều hành WK Kellogg Gary Pilnick và Giám đốc điều hành PepsiCo Ramon Laguarta đang kêu gọi tầng lớp trung lưu Mỹ ăn ngũ cốc cho bữa tối và dùng Doritos làm món ăn phụ để đối phó với giá cả tăng cao.

Theo Insider, tình trạng giá thực phẩm neo cao sẽ diễn ra trong thời gian dài.

Khi giá thực phẩm đắt cắt cổ dần trở thành điều "bình thường mới", người tiêu dùng khắp nước Mỹ cũng tìm cách xoay xở để đảm bảo đồ ăn trên bàn.

The Journal đã thu thập ý kiến của hàng trăm độc giả và biên soạn chúng thành một số mẹo trong một bài viết về cách người dân phản ứng trước giá cả leo thang.

Nhiều người cho biết họ đã thực hiện nghiêm ngặt chính sách không ăn ngoài, trong khi những người khác đang dựa vào phiếu giảm giá khi đi mua sắm hàng tuần. Một số người nói rằng mua thực phẩm số lượng lớn có thể giúp tiết kiệm hơn một chút.

Sarah Smith, một phụ nữ ở Las Vegas, chia sẻ rằng vợ chồng cô đã đơn giản hóa các món ăn để đối phó với lạm phát. Thay vì nấu những món phức tạp và cần nhiều nguyên liệu như gà cacciatore, họ chuyển sang nấu món đơn giản như mì cá ngừ.

"Món đó chỉ cần mì, cá ngừ đóng hộp, súp nấm kem đóng hộp, hành và tỏi. Nó không tốt cho sức khỏe lắm nhưng vẫn là thức ăn", Smith nói.

Tự trồng trọt, săn bắn

Bernard Brothman, một giám đốc nhân sự đã nghỉ hưu, nói với The Journal rằng ông đã tăng sản lượng cây trồng trong khu vườn cộng đồng của mình. Brothman chi khoảng 200 USD cho phân bón và hạt giống rau củ, nhưng cuối cùng lại tiết kiệm được hàng trăm USD khi cải xoăn, cà rốt, bí và cà chua vào mùa.

Nhiều người chuyển sang tự trồng trọt để tiết kiệm tiền mua thực phẩm. Ảnh: Insider.

Những người khác thậm chí quay trở lại những hoạt động cơ bản, dựa vào bản năng săn bắt hái lượm của tổ tiên để kiếm thêm thực phẩm.

Nancy Randall và gia đình 6 người ở Houston của cô tiết kiệm tiền bằng cách tự đi săn để có thêm thực phẩm. Cô nói rằng gia đình mình ăn những con hươu họ săn được và những con cá họ tự bắt. Họ thường mang về nhà 8 con hươu mỗi năm, đông lạnh và chế biến để ăn dần.

Những người được hỏi khác cho biết họ ứng phó với bão giá bằng cách tối đa hóa các phiếu giảm giá dành cho người cao tuổi và lập bảng tính về các sản phẩm cần cho bữa ăn.

Đầu tháng 2, BuzzFeed đã thu thập và xuất bản một số phản hồi trên mạng xã hội Reddit về mẹo tiết kiệm chi phí từ những người thích ăn uống thanh đạm.

Những gợi ý tiết kiệm bao gồm loại bỏ hoàn toàn đồ uống trừ nước lọc, chỉ mua các mặt hàng thương hiệu bình dân, bỏ đồ ăn chế biến sẵn, tạo thực đơn hàng tuần, bỏ các mặt hàng như khăn giấy và khóa zip, dùng app của cửa hàng tạp hóa và mua sắm trực tuyến để phù hợp với ngân sách và chỉ mua đồ đang giảm giá.

Link bài gốcLấy link
https://lifestyle.zingnews.vn/san-ban-de-co-du-do-an-giua-bao-gia-post1462304.html