Kể từ ngày 4/1/2024, nợ công của Mỹ đã vĩnh viễn vượt xa mốc 34.000 tỷ USD và đạt 34.400 tỷ USD vào ngày 28/2. Nợ công 33.000 tỷ USD của Mỹ được xác lập ngày 15/9/2023 còn con số 32.000 tỷ được xác lập 3 tháng trước đó, ngày 15/6/2023. Trước đó, quá trình tăng nợ 1.000 tỷ USD của Mỹ thường phải mất khoảng 8 tháng.
Thống kê trong các quý gần đây cho thấy nợ công của Mỹ tăng với tốc độ 1.000 tỷ USD trong khoảng 100 ngày, tương đương 10 tỷ USD/ngày. Và tốc độ này dự kiến vẫn giữ nguyên khi nợ công của Mỹ tăng từ 34.000 tỷ USD lên 35.000 tỷ USD.
Khi người dân Mỹ đã quen với tác động của lãi suất cao kể từ sau khi FED tiến hành đợt nâng lãi suất kỷ lục, chính phủ liên bang cũng đau đầu trả nợ. Tiền lãi cho các khoản nợ công của Mỹ hiện đang là phần tăng nhanh nhất trong ngân sách, thậm chí còn có thể vượt chi tiêu cho quốc phòng vào năm 2024 này.
Một phân tích gần đây của Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ, chi tiêu liên bang cho các khoản trả lãi dự kiến đạt 870 tỷ USD trong năm nay, vượt qua con số 822 tỷ USD mà nước Mỹ sẽ chi tiêu cho quốc phòng. Số tiền dành để trả lãi cũng đã tăng 32% so với năm ngoái.
Ngoài lãi suất cao, việc Mỹ tăng mạnh vay nợ cũng là lý do khiến khoản tiền lãi mà nước này phải chi trả tăng cao. Năm 2014, nợ công của Mỹ là 17.000 tỷ USD nhưng đã tăng lên 34.400 tỷ USD ở thời điểm hiện tại, tức là tăng gấp đôi sau 10 năm.
Theo CBS News, nợ quốc gia của Mỹ tăng vọt chủ yếu bắt nguồn từ chính sách cắt giảm thuế dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump năm 2017, các khoản viện trợ khổng lồ chống Covid-19 thời ông Biden và đặc biệt nhất là việc tăng lãi suất của FED khiến Mỹ phải trả nhiều tiền hơn cho núi nợ của mình.
Các chuyên gia cho rằng núi nợ của Mỹ đang đẩy nền kinh tế này vào tình cảnh chưa ai từng biết trước đó. Việc phải “còng lưng” trả lãi có thể khiến Mỹ phải siết chặt chi tiêu liên bang, ảnh hưởng tới các chương trình cốt lõi như an sinh xã hội hoặc sáng kiến thúc đẩy tăng trưởng kinh tế….
Tham khảo: CNBC, CBS