Tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 diễn ra sáng nay (27/4), ông Đỗ Thanh Sơn, Phó tổng giám đốc phụ trách điều hành VietinBank (HoSE: CTG) đã có những chia sẻ về những áp lực tỷ giá, lạm phát có thể ảnh hưởng tới mặt bằng lãi suất ngành ngân hàng trong thời gian tới.
Cụ thể, ông Sơn cho biết tính đến hết quý I năm nay, GDP cả nước đã tăng 5,66%, là mức tăng tốt nhất trong 4 năm trở lại đây. Một loạt chỉ số kinh tế đều tăng trưởng tích cực cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam.
Tỷ giá, lãi suất sẽ tăng thêm
Ông Sơn cho biết trong đó, điểm nhấn đầu năm nay là tình hình tỷ giá đã liên tục tăng từ đầu quý IV, đến nay đã đạt trên 25.000 đồng/USD.
Theo vị lãnh đạo VietinBank, những yếu tố tạo áp lực lên tỷ giá bao gồm chỉ số USD-Index đo sức mạnh đồng bạc xanh liên tục tăng do CPI Mỹ vượt dự báo; các nhà đầu tư thận trọng dự trữ ngoại tệ ngăn ngừa biến động tỷ giá; và tình trạng chênh lệch lãi suất USD - VND cao nhất lịch sử.
“Chúng tôi dự báo tỷ giá sẽ tiếp tục tăng khoảng 0,5-1,5%. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước sẽ có những động thái để ổn định lại tỷ giá”, ông Sơn nói và cho biết trong bối cảnh này, lãi suất ngân hàng chắc chắn sẽ tăng.
Thực tế, trong những tuần đầu tháng 4, đã có 15 ngân hàng thương mại tăng lãi suất, trong khi chỉ có 12 ngân hàng giảm lãi suất huy động.
Tỷ giá sẽ tiếp tục tăng khoảng 0,5-1,5%. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước sẽ có những động thái để ổn định lại tỷ giá.
Ông Đỗ Thanh Sơn, Phó tổng giám đốc phụ trách điều hành VietinBank
Trong bối cảnh này, để duy trì NIM (biên lãi thuần), Phó tổng giám đốc VietinBank cho rằng các ngân hàng và bản thân VietinBank phải dựa vào cho vay. Năm nay, NHNN đã giao hạn mức tín dụng cho VietinBank ở mức 14,05% và giao ngay từ đầu năm.
“Chúng tôi đặt mục tiêu tăng tín dụng liên tục. Trong những tháng đầu năm, trong khi tín dụng tại nhiều ngân hàng sụt giảm thì riêng VietinBank tăng tín dụng hơn 4%”, ông nói.
Vị lãnh đạo ngân hàng cho biết động lực để tăng trưởng tín dụng hơn 4% trong quý I của VietinBank là tập trung vào lĩnh vực xanh. VietinBank cũng là ngân hàng đầu tiên ký với Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai vốn, tái cấp vốn cho các dự án ESG (viết tắt của Environment - Social - Governance, tạm dịch Môi trường - Xã hội - Quản trị)
Tại phiên họp, cổ đông VietinBank cũng quan tâm vấn đề nợ xấu của ngành ngân hàng năm sau. Ông Nguyễn Thế Huân, Thành viên HĐQT cho biết nợ xấu đã có xu hướng tăng năm 2023 và sang năm 2024, ngành ngân hàng vẫn đối mặt với áp lực gia tăng nợ xấu do nền kinh tế còn nhiều bất ổn. Trong khi đó, nội tại một số ngành như bất động sản vẫn còn khó khăn, chưa có sự phục hồi rõ nét.
Tuy vậy, ông Huân cho biết hiện NHNN đã đề xuất gia hạn Thông tư 02 đến hết năm 2024. Đây sẽ là giải pháp giúp doanh nghiệp và ngành ngân hàng đối phó với việc nợ xấu gia tăng.
Vị lãnh đạo cho biết tỷ lệ nợ xấu của VietinBank đến cuối năm ngoái là 1,13%, nợ nhóm 2 vào khoảng 1,55%. Năm nay, ngân hàng đặt mục tiêu kiểm soát nợ xấu dưới 1,8% và nợ nhóm 2 dưới 3%, đồng thời sẽ tăng trích lập dự phòng theo nguyên tắc thận trọng nhất trên cơ sở năng lực tài chính.
Đánh giá về thị trường năm nay, ông Trần Văn Tần, Thành viên HĐQT VietinBank cho biết ngành bất động sản đã gặp rất nhiều khó khăn trong năm 2023. Năm nay, dù có khả năng phục hồi vào cuối năm hoặc trong quý III, tuy nhiên, mức độ phục hồi giữa các phân khúc sẽ không đồng đều.
Ông dự báo các phân khúc chung cư, đất nền với mức giá phù hợp sẽ có độ phục hồi cao hơn, trong khi các phân khúc nghỉ dưỡng sẽ tiếp tục khó khăn. Ngoài ra, phân khúc bất động sản khu công nghiệp dự kiến cũng ghi nhận đà phục hồi tốt căn cứ vào sự phát triển các KCN ở miền Bắc.
Ông Tần cho rằng một số ngành như điện, đặc biệt là điện gió, điện mặt trời; vật liệu xây dựng và xuất nhập khẩu sẽ là những ngành có mức phục hồi tốt và nhu cầu vốn lớn năm nay. Ngược lại, một số ngành dự kiến tiếp tục đối mặt với khó khăn là dệt may, thép...
Bỏ ngỏ kế hoạch lợi nhuận 2024
Tại phiên họp lần này, HĐQT VietinBank đã trình cổ đông kế hoạch kinh doanh với tổng tài sản dự kiến tăng 8-10% năm nay. Dư nợ tín dụng thực hiện theo hạn mức được NHNN phê duyệt và nguồn vốn huy động phù hợp với tốc độ tăng trưởng tín dụng.
VietinBank đặt mục tiêu kiểm soát nợ xấu dưới 1,8% tổng dư nợ tín dụng.
Với chỉ tiêu lợi nhuận và cổ tức, nhà băng này không trình cổ đông con số dự kiến mà chỉ đặt ra mục tiêu theo phê duyệt của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Tuy vậy, ông Trần Minh Bình, Chủ tịch HĐQT, cho biết hạn mức tăng trưởng tín dụng VietinBank được NHNN phê duyệt năm nay là 14% và ngân hàng có thể đạt được con số này.
Ngoài ra, ban lãnh đạo VietinBank cũng trình cổ đông phương án sử dụng toàn bộ lợi nhuận sau khi trích lập các quỹ của năm 2023 để chia cổ tức, tăng vốn điều lệ.
Chủ tịch VietinBank cho biết hiện ngân hàng đã nhận được ý kiến của NHNN và Bộ Tài chính cho phép giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2022 (11.678 tỷ đồng) để chia cổ tức tăng vốn.
Năm 2023, lợi nhuận sau thuế riêng lẻ của VietinBank là 19.457 tỷ đồng, lợi nhuận còn lại sau trích lập các quỹ là 13.927 tỷ đồng. Ngân hàng cũng muốn dùng toàn bộ phần lợi nhuận này để chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Ngoài ra, lãnh đạo VietinBank còn cho biết đã đề xuất cơ quan quản lý cho phép giữ lại toàn bộ lợi nhuận giai đoạn 2024-2028 để tăng vốn nhằm mục đích nâng cao năng lực tài chính, mở rộng dư địa tăng trưởng tín dụng.
Năm ngoái, VietinBank đã hoàn tất đợt phát hành hơn 564 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu từ nguồn lợi nhuận còn lại của năm 2020. Qua đó, tăng vốn thêm 5.643 tỷ đồng lên 53.700 tỷ đồng.