Trong khi Apple vừa lặng lẽ từ bỏ dự án xe điện kéo dài nhiều năm, tiêu tốn hàng tỷ USD, tập đoàn Trung Quốc đã ra mắt thành công chiếc EV đầu tiên. Cứ sau vài phút, lại có một chiếc xe lăn bánh khỏi dây chuyền sản xuất ở Bắc Kinh.
Kế hoạch marketing tinh tế và khả năng biến ý tưởng thành sản phẩm của Lei đã được so sánh với Steve Jobs, từ đó ra đời biệt danh "Lei Jobs" dành cho vị CEO ở Trung Quốc. Tuần trước, ông đã bước lên sân khấu với một chiếc blazer màu xanh để nói về chiến thắng của Xiaomi - chế tạo thành công một chiếc xe điện chỉ sau 3 năm kể từ khi tiết lộ tham vọng của mình.
"Thật khó khăn để chế tạo một chiếc xe hơi. Khó đến nỗi ngay cả một gã khổng lồ như Apple cũng phải từ bỏ", ông nói tại sự kiện ra mắt chiếc SU7 trước hàng trăm người xem bên dưới.
Mảng smartphone bấp bênh, Xiaomi chuyển hướng
Đến hiện tại, nỗ lực trong gần một thập kỷ của Xiaomi đã có dấu hiệu được đền đáp. Hôm 2/4, cổ phiếu Xiaomi đã tăng 12%, cho thấy nhu cầu mạnh mẽ của dòng xe SU7 sau sự kiện ra mắt. Công ty cũng nhận hơn 100.000 đơn đặt hàng trước.
Kể từ khi thành lập Xiaomi với 7 đồng nghiệp vào năm 2010, Lei Jun đã gầy dựng từ một công ty nhỏ trở thành nhà sản xuất điện thoại lớn thứ 3 thế giới. Thương hiệu của ông sở hữu một dòng sản phẩm đa dạng đến mức logo của Xiaomi xuất hiện ở mọi lĩnh vực, từ vali đến máy giặt thông minh.
Lei bắt đầu sự nghiệp của mình với công việc lập trình viên tại trường đại học ở thành phố Vũ Hán. Năm 1989, cùng với một cựu sinh viên lớn tuổi, ông đã phát hành sản phẩm đầu tiên của mình: phần mềm mã hóa, bán trên đĩa mềm.
Công ty tiếp theo của ông - vốn được khởi xướng trong một phòng khách sạn - kinh doanh bằng cách bán máy tính và phần mềm, cùng với dịch vụ in ấn và photocopy. "Khi hoạt động kinh doanh phát triển theo các hướng khác nhau, việc kiếm tiền ngày càng trở nên khó khăn hơn", Lei Jun kể lại.
Cuối cùng, ông trở thành người đứng đầu Kingsoft, nhà sản xuất phần mềm Trung Quốc tương tự Microsoft Office. Ông tiếp tục nắm giữ 23% cổ phần của công ty, được niêm yết tại Hồng Kông và trị giá 31 tỷ HKD (4 tỷ USD).
3 năm sau khi Jobs phát hành chiếc iPhone đầu tiên vào năm 2007, Lei đã tập hợp một đội nhóm sản xuất một chiếc smartphone với các tính năng tương tự. Các thiết bị cầm tay của Xiaomi trở nên nổi tiếng với thông số kỹ thuật cao nhưng giá cả phải chăng. Được Lei marketing rầm rộ, thương hiệu nhanh chóng có được một lượng người hâm mộ đông đảo.
Song, cái bóng của Apple quá lớn. Lei đã nhiều lần cố gắng sản xuất những dòng smartphone cao cấp, nhưng không tìm được nhiều người mua chịu chi trả với mức giá gần bằng Apple. Điều này khiến Xiaomi phải bán những máy flagship với tỷ suất lợi nhuận rất thấp.
Tỷ suất lợi nhuận của tập đoàn là 6,4% vào năm ngoái, thấp hơn nhiều so với con số 26% của Apple. Các nhà đầu tư định giá tập đoàn này ở mức dưới 50 tỷ USD, tương đương 1/5 vốn hóa thị trường của Apple.
Tham vọng biến Xiaomi thành hãng xe điện top 3 Trung Quốc
Năm 2021, Lei đã đặt tất vào ván cược đắt giá nhất của tập đoàn. Đó là kế hoạch sản xuất xe điện hàng loạt vào năm 2024 dựa trên khoản đầu tư trị giá 10 tỷ NDT (1,5 tỷ USD). Ông gọi đây là "nỗ lực kinh doanh khổng lồ cuối cùng của mình".
Chiếc xe mới nằm trong “vũ trụ” sản phẩm của Xiaomi, cho phép người lái bật mọi thứ từ đèn trong nhà đến nồi cơm điện từ bảng điều khiển trung tâm.
"Suốt 3 năm chế tạo xe hơi, mỗi ngày tôi đều run rẩy vì sợ hãi. Đó là cả một gánh nặng tâm lý”, ông nói vào tuần trước.
Một nguồn tin nội bộ cho biết Lei đã dành 70-80% thời gian của mình trong năm vừa qua cho dự án xe hơi của Xiaomi. Mỗi ngày ông đến văn phòng lúc 7h và làm việc đến 22-23h. "Lei có tham vọng muốn biến Xiaomi thành một trong 3 nhà sản xuất EV hàng đầu của Trung Quốc", người này tiết lộ.
Điều đó cũng sẽ khiến Xiaomi trở thành một trong những nhà sản xuất EV lớn nhất thế giới. Nhà máy của hãng ở ngoại ô Bắc Kinh có thể sản xuất 150.000 xe/năm cùng với đó là kế hoạch mở rộng, giúp tăng gấp đôi công suất. Các giám đốc điều hành cho biết dấu ấn toàn cầu của Xiaomi, với các đối tác phân phối và cửa hàng smartphone trên khắp thế giới, sẽ thúc đẩy doanh số bán xe ở nước ngoài.
Sự chuyển đổi nhanh chóng của Xiaomi - từ hy vọng làm ra chiếc EV đầu tiên, đến tham vọng sản xuất hàng loạt - còn được hỗ trợ bởi chuỗi cung ứng xe điện đầy tiềm lực ở Trung Quốc. Các nhà sản xuất EV trong nước, cùng với Tesla đã nuôi dưỡng một nhóm nhân tài khổng lồ và một loạt các nhà cung cấp linh kiện mới nổi, từ những gã khổng lồ pin như CATL đến nhà sản xuất phụ tùng nhôm Wencan Group.
Một đối tác cung cấp phụ kiện tự động hóa cho nhà máy của Xiaomi cho biết có hàng chục cựu nhân viên Tesla làm việc bên trong nhà máy. "Tesla giống như học viện quân sự về xe điện", ông nói. Không chỉ hãng Trung Quốc, chính Apple cũng chiêu mộ các nhân tài Tesla trong những ngày đầu của dự án xe hơi.
Người phát ngôn của Xiaomi cho biết đã nhận được 30.000 hồ sơ xin việc từ những người có kinh nghiệm tại các hãng sản xuất ôtô lớn, ngay sau khi hãng công bố mảng kinh doanh EV. Hiện, tập đoàn công nghệ Trung Quốc đang có 3.000 nhân viên cho nhánh hoạt động này.
Frank He, nhà phân tích công nghệ tại HSBC Qianhai Securities, ước tính mảng xe điện Xiaomi sẽ thua lỗ trong 2 năm tới khi nhà sản xuất ôtô mở rộng quy mô. Nhưng cuối cùng, tập đoàn sẽ thu được một khoản lợi nhuận nhỏ trên mỗi chiếc ôtô bán ra và thu lợi từ các dịch vụ bán cho tài xế.
“Chủ tịch Lei Jun muốn có một nguồn lực tăng trưởng mới ở một thị trường màu mỡ hơn. Lợi thế duy nhất của Xiaomi là sức mạnh thương hiệu. Hãng có mặt ở cả Trung Quốc, lẫn thế giới”, chuyên gia nhận định.
Christoph Weber, tổng giám đốc công ty phần mềm kỹ thuật AutoForm, đã hợp tác với bộ phận xe hơi của Xiaomi và cho biết Lei đã sẵn sàng lặp lại thành công trước đây bằng cách ra mắt một dòng xe điện chất lượng cao. “Họ suy nghĩ như một công ty công nghệ chứ không phải một hãng ôtô truyền thống”, ông kết luận.