Kiếm tiền

'Tầng lớp vô dụng' chỉ là tạm thời?

ChatGPT: Theo Giáo sư Trương Nguyện Thành, việc có trở nên vô dụng hay không phụ thuộc vào người lao động, chứ không phải các thuật toán.

Khi được đặt câu hỏi: "Liệu trí tuệ nhân tạo (AI) có lấy đi công việc của con người", Chat GPT, chatbot do công ty OpenAI ra mắt tháng 11/2022, trả lời như sau:

"AI có tiềm năng tự động hóa một số nhiệm vụ nhất định, điều này có thể dẫn đến sự dịch chuyển công việc trong một số ngành. Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là AI cũng có thể tạo ra cơ hội và việc làm mới trong các lĩnh vực mới nổi. Điều quan trọng là con người phải thích nghi, tiếp thu các kỹ năng mới và làm việc cùng với AI để nâng cao năng suất và đổi mới. Vì vậy, mặc dù AI có thể thay đổi bối cảnh công việc nhưng điều đó không có nghĩa là nó sẽ lấy đi tất cả công việc của con người".

Câu trả lời khá giống với quan điểm của Giáo sư Trương Nguyện Thành, người có thời gian nghiên cứu, giảng dạy ở Mỹ và Việt Nam. Chia sẻ với Tri thức - ZNews, ông Thành cho biết thị trường lao động và ngành giáo dục sẽ có nhiều thay đổi trong những năm tới vì sự phát triển của AI. Con người sẽ dần thích ứng, học hỏi, được đào tạo lại để chuyên môn hóa hoặc tham gia vào những lĩnh vực, ngành nghề mới.

Giáo sư Trương Nguyện Thành cho rằng người lao động phải thích ứng, học hỏi, được đào tạo lại trong thời đại AI.

Ảnh hưởng của AI tại Việt Nam

Giáo sư Trương Nguyện Thành khẳng định 2023 là năm của AI. Trí tuệ nhân tạo đang thay đổi toàn diện thế giới. Sự chuyển dịch trong các ngành nghề và thị trường lao động được nhắc đến nhiều từ cuối năm 2022, thời điểm Open AI công bố ChatGPT.

Theo ông Thành, ở Mỹ, những ngành nghề chuyên môn và lương cao đang bị ảnh hưởng nhiều nhất. Trong khi đó ở Việt Nam, AI hiện chủ yếu đảm nhận những công việc có quy trình rõ ràng, ngôn ngữ đơn giản, không đòi hỏi trí tuệ cao.

"Với những công việc này, AI có thể làm tốt hơn con người. Đó có thể là công việc gọi món trong các nhà hàng, các dịch vụ ngân hàng đơn giản, lao động nguy hiểm trong hầm mỏ, sản xuất dây chuyền", ông Thành nói.

Việc các doanh nghiệp áp dụng AI là điều tất yếu để nâng cao khả năng cạnh tranh. Trong năm 2023, trí tuệ nhân tạo đã được tích hợp trong các công cụ mà dân văn phòng sử dụng hàng ngày và sẽ ứng dụng nhiều hơn nữa trong học tập, nghiên cứu, việc làm.

Trí tuệ nhân tạo được ứng dụng trong học tập, nghiên cứu, làm việc. Ảnh: Pexels.

"Trước đây, cần tới 10 người để làm hết một lượng công việc cụ thể. Nhưng bây giờ, với sự tham gia của AI, chỉ cần 2-3 người làm. Đó là lý do, trong năm qua, có những công ty công nghệ ở Mỹ đã cắt giảm đến hàng nghìn nhân sự", ông Thành nói.

Theo dữ liệu từ Challenger, Gray & Christmas, trí tuệ nhân tạo đã khiến gần 4.000 người ở Mỹ mất việc làm trong tháng 5.

Tuy nhiên, theo ông Thành, AI không cướp đi vị trí việc làm của con người.

"Tôi phải làm rõ hai khái niệm là công việc và vị trí. Một vị trí việc làm thì có nhiều công việc khác nhau. Ví dụ, vị trí kế toán sẽ gồm những công việc như thu thập, xử lý thông tin; lập báo cáo; quản lý hồ sơ; hỗ trợ kiểm toán... Trong số đó có những công việc lặp đi lặp lại và có những thứ phức tạp hơn thì AI chỉ thay thế con người ở phần việc đơn giản, lặp lại", giáo sư giải thích.

Theo Khảo sát Lực lượng lao động Toàn cầu 2023 của PwC, người lao động tại Việt Nam rất lạc quan về những cơ hội và lợi ích mà AI sẽ mang lại cho sự nghiệp. Khảo sát được thực hiện với 19.500 người lao động tại châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có 1.000 người ở Việt Nam.

Cụ thể, 60% người lao động Việt Nam tham gia khảo sát nghĩ rằng AI sẽ hỗ trợ gia tăng hiệu quả trong công việc. 58% cho rằng trí tuệ nhân tạo mang lại các cơ hội để học các kỹ năng mới có giá trị. 41% nghĩ rằng AI đưa đến các cơ hội việc làm mới.

"Tầng lớp vô dụng" sẽ ra sao?

Trong câu chuyện, 2-3 người lao động được giữ lại và 7-8 người bị loại ra khỏi một vị trí việc làm, ông Thành cho rằng nếu nhìn nhận một cách gắt gao, 7-8 người này có thể bị gọi là "tầng lớp vô dụng" mà truyền thông thời gian qua có đề cập đến.

Tuy nhiên, khái niệm này có thể chỉ mang tính chất tạm thời. Và việc có trở nên vô dụng hay không phụ thuộc vào cá nhân người lao động, chứ không phải các thuật toán.

Giống như tất cả cuộc cách mạng công nghệ khác, trí tuệ nhân tạo được tạo ra để cải thiện cuộc sống cho con người, để làm việc nhanh hơn, hiệu quả hơn, rẻ tiền hơn.

Khi giao lại một phần công việc của mình cho AI đảm nhận, con người sẽ có hai lựa chọn: trở nên chuyên môn hóa hơn và làm những công việc phức tạp mà AI chưa làm được hoặc tìm một vị trí việc làm mới nơi mà người lao động vẫn có thể làm tốt hơn AI.

AI lấy đi một số công việc nhưng cũng đem đến cơ hội mới. Ảnh: Nikkei.

Ông Thành nói: "Chắc chắn sẽ có những công việc mới cho con người mà hiện tại chưa xuất hiện. Ngày xưa máy tính xuất hiện cũng gây lo ngại nhưng sau đó nó đã tạo nên ngành công nghệ thông tin cực kỳ bùng nổ, đưa đến những công việc, lĩnh vực mới. Nỗi sợ hãi đối với AI ngày nay cũng tương tự như vậy, nhưng dần dần những cơ hội mới sẽ xuất hiện".

Theo giáo sư, trong giai đoạn đầu, con người cần thời gian để học hỏi, thích nghi. Chính phủ cũng cần có những chính sách thúc đẩy quá trình đào tạo lại, để đưa người mất việc trở lại thị trường lao động trong những công việc, ngành nghề mới.

Theo báo cáo của Oxford Insights, Việt Nam xếp thứ 59 toàn cầu trong Chỉ số sẵn sàng về AI của chính phủ năm 2023, với mức điểm 54,48, cao hơn mức trung bình là 44,94.

Chỉ số này được đưa ra dựa vào phân tích 3 yếu tố: tầm nhìn của chính phủ về AI, các công nghệ hiện tại được áp dụng và khả năng tiếp cận với cơ sở dữ liệu cho AI.

Ngoài ra, theo ông Thành, ở môi trường các cấp và đặc biệt ở cấp đại học, cách dạy, cách học và việc đánh giá cũng phải thay đổi rất nhiều trong thời đại AI.

"Thị trường lao động đang thay đổi rất nhanh nên ngành giáo dục và người học cũng phải thay đổi. Dù những công cụ bạn học hôm nay có thể trở nên lỗi thời trong 3-4 năm nữa, việc học một ngành nghề nào đó vẫn rất quan trọng. Chúng ta vẫn phải học các kỹ năng xử lý vấn đề, cách thích ứng với những thay đổi và cách làm việc với đội ngũ mà trong tương lai có cả người máy thông minh và trí tuệ nhân tạo", ông Thành nhận định.

Link bài gốcLấy link
https://lifestyle.zingnews.vn/tang-lop-vo-dung-chi-la-tam-thoi-post1449082.html