Lifestyle

Tạo CV tốt mà không cần 'phông bạt'

Nhiều ứng viên thường nói dối hoặc tâng bốc bản thân quá đà trong hồ sơ tuyển dụng. Đáng tiếc, hành động này luôn bị chuyên gia nhân sự 'bắt bài' và đánh giá thấp.

Nói quá sự thật không phải cách hay để tạo dấu ấn trong hồ sơ tuyển dụng. Ảnh minh họa: Mart Production/Pexels.

Trong cuộc khảo sát của Checkster với 400 ứng viên, 80% thừa nhận thường nói quá sự thật về năng lực bản thân khi xây dựng CV. Cụ thể, 60% tuyên bố thành thạo các kỹ năng mà họ không thực sự nắm rõ, 41% “thổi phồng” chức danh và 39% cố tình bịa đặt về trình độ học vấn.

Tuy nhiên, nhà tuyển dụng luôn nhanh chóng phát hiện một ứng viên nói sai sự thật. Dù bị bóc mẽ hay không, điều này cũng ảnh hưởng xấu đến quá trình tìm kiếm việc làm của bất kỳ ai.

Dưới đây, Fast Company tổng hợp những chỉ dẫn của Donna Svei, chuyên gia về xây dựng sơ yếu lý lịch, người từng thực hiện hồ sơ cho nhiều lãnh đạo cấp cao từ nhiều tập đoàn như Amazon, Google, IBM…, nhằm giúp ứng viên không phải nói dối mà vẫn tạo được ấn tượng tốt.

................................................................................................................................

Khi làm CV, ứng viên nên ưu tiên định dạng cơ bản, thay vì màu mè, phức tạp. Ảnh minh họa: Rodnae Productions/Pexels.

Sử dụng định dạng phù hợp

Đầu tiên, ứng viên nên ưu tiên trình bày hồ sơ sao cho đơn giản và dễ hiểu nhất. Chúng ta nên sắp xếp thông tin khéo léo để tối ưu lợi ích giới thiệu thông tin.

Theo Svei, đây được xem là cách “giao tiếp” ban đầu hiệu quả, nhanh chóng khiến bạn ấn tượng hơn 99% ứng viên khác, xét trong nhiều lĩnh vực.

“Khi hỗ trợ các Giám đốc điều hành lớn xây dựng hồ sơ cá nhân, tôi luôn yêu cầu họ phải đặt bản thân vào vị trí người tiếp nhận thông tin.

Tương tự với các ứng viên khác, rõ ràng, ngắn gọn, đúng trọng tâm là điều họ cần ưu tiên. Quan trọng hơn, đừng nhầm lẫn giữa CV và portfolio, bởi chúng có khác biệt lớn về yêu cầu hình ảnh, thiết kế”, chuyên gia nói.

................................................................................................................................

Chuyên viên HR luôn biết khi nào bạn đang nói dối hay tâng bốc bản thân quá đà. Ảnh minh họa: Karolina Grabowska/Pexels.

Đừng "phông bạt"

Tiếp theo, hãy dành thời gian kiểm tra các đề mục và cách định vị mình trong hồ sơ.

Từng xem qua hàng chục nghìn CV trong 25 năm làm việc, Svei nhận ra nhóm ứng viên không thấu hiểu giá trị bản thân thường tự mô tả bằng hàng loạt từ ngữ cường điệu.

Một số cụm từ dễ bị đánh giá thấp gồm “nhà lãnh đạo tư tưởng” hay “người có tầm nhìn”.

Thực tế, chúng thường bị dùng sai mục đích vì ứng viên không thực sự hiểu nghĩa.

Bên cạnh đó, đừng lạm dụng hệ thống tính từ phóng đại, chẳng hạn “nổi bật”, “tuyệt vời”, “độc nhất vô nhị”. Phần lớn chuyên viên nhân sự sẽ nhanh chóng bỏ qua hồ sơ nếu bắt gặp nội dung như trên.

“Nhà tuyển dụng sẽ thích ứng viên thể hiện chừng mực thay vì kể lể dài dòng và trở nên ngớ ngẩn. Vì thế, phương án tối ưu là xóa chúng khỏi sơ yếu lý lịch của bạn và tập trung giới thiệu mình một cách chân thực, súc tích”, Svei cho biết.

................................................................................................................................

Ứng viên nên chia sẻ kinh nghiệm làm việc một cách khéo léo. Ảnh minh họa: Mikhail Nilov/Pexels.

Tập trung vào kinh nghiệm làm việc

Lời khuyên lớn nhất từ chuyên gia là cố gắng tập trung vào những kinh nghiệm làm việc đắt giá nhất.

Nhiều ứng viên thích liệt kê tràn lan, kể cả vị trí tạm thời, chỉ gắn bó theo tháng. Hành động này sẽ gây nhiễu thông tin, dễ khiến nhà tuyển dụng bỏ lỡ nội dung đáng được chú tâm hơn.

Bên cạnh đó, Svei cho rằng mọi người nên hạn chế đưa thông tin có tính tiêu cực vào hồ sơ.

Ví dụ, thay vì “giảm doanh thu xuống 10%”, bạn có thể sửa thành “tỷ lệ doanh thu duy trì ở mức 90%”.

Ngoài ra, đừng cố bịa đặt, thêm thắt các khoản kinh nghiệm không cần thiết, bởi nói dối là điều tối kỵ khi xây dựng CV.

Để chắc chắn trung thực với chính mình, ứng viên hãy tự hỏi những câu sau:

Tôi có thấy thoải mái khi đăng bản lý lịch này lên LinkedIn không? Các đồng nghiệp cũ của tôi sẽ phản ứng thế nào nếu họ đọc được điều này trên LinkedIn? Tôi có tự tin thảo luận thông tin này trong một cuộc phỏng vấn không?

“Thêm một lưu ý khác, hãy đảm bảo bạn đã cắt giảm những thông tin lỗi thời trong CV, chẳng hạn như kinh nghiệm làm việc tại công ty đã phá sản hay có lùm xùm. Thực tế, sự liên kết với một số cái tên gần như bị lãng quên có thể khiến bạn dính vào định kiến không đáng có trong phòng phỏng vấn”, Svei nói.

Link bài gốcLấy link
https://lifestyle.zingnews.vn/tao-cv-tot-ma-khong-can-phong-bat-post1415046.html