Nhìn thấy dòng thông báo thưởng Tết bằng 6 tháng lương trong hòm mail cá nhân, Hoàng Huy (30 tuổi, quận Ba Đình, Hà Nội), trưởng phòng hành chính, thở phào nhẹ nhõm.
Trong bối cảnh kinh tế ảm đạm, đây là mức phúc lợi cao hơn kỳ vọng của Huy, giúp anh thanh toán nợ và chuẩn bị cho cái Tết đầu tiên của gia đình nhỏ.
Hoàng Huy vẫn còn những khoản vay mượn để tổ chức đám cưới cách đây 3 tháng. Vợ anh cũng vừa rời khỏi công ty cũ do tình trạng nợ lương kéo dài, chưa đủ thâm niên tại doanh nghiệp mới nên chưa thuộc diện hưởng thưởng Tết.
Bởi vậy, Hoàng Huy sẽ gánh vác phần lớn khoản chi tiêu dịp Tết Nguyên đán. Nhiệm vụ này khiến anh khá căng thẳng và áp lực. Trưởng phòng hành chính chỉ có thể tạm gác nỗi trăn trở khi nhận được thông tin chính thức về khoản phúc lợi cuối năm.
“Tôi gọi điện báo ngay cho vợ về mức thưởng. Chúng tôi như trút được gánh nặng trong lòng”, Hoàng Huy chia sẻ với Tri thức - ZNews.
Với khoản phúc lợi hậu hĩnh, anh cũng dự định sẽ đưa vợ đi chơi xa trong dịp nghỉ lễ. Trước đó, hai vợ chồng đã hoãn lại chuyến tuần trăng mật để tiết kiệm tiền.
Cuối tháng 12/2023, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đưa ra báo cáo chung về tình hình lương thưởng dịp Tết Nguyên đán 2024.
Tuy nhiên, báo cáo nhanh chỉ có tổng hợp của 62/63 tỉnh thành, khảo sát trên 47.000 doanh nghiệp, tương ứng 4,79 triệu lao động, chiếm khoảng 17% tổng số lao động làm công hưởng lương cả nước.
Theo đó, hơn 61% doanh nghiệp có kế hoạch thưởng Tết Nguyên đán 2024 với mức thưởng bình quân là 6,85 triệu đồng/người, tương đương thưởng Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.
Nhân sự thở phào
Gần đến Tết Nguyên Đán, Minh Khánh (28 tuổi, quận 7, TP.HCM), nhân viên marketing, không hề lo lắng, ngược lại càng háo hức. Năm nay, anh nằm trong danh sách nhân sự được thưởng lớn do đạt KPI trước thời hạn.
Chỉ cách đây vài tuần, anh cùng đồng nghiệp vẫn thấp thỏm chờ thông báo kết quả đánh giá cuối năm.
Trước tình hình kinh tế khó khăn chung, Minh Khánh không dám nghĩ đến việc công ty thưởng lớn, chỉ ước chừng khoản tiền thưởng bằng 1 tháng lương.
Trong cuộc họp tổng kết, Khánh và nhóm của mình được tuyên dương thuộc nhóm nhân sự xuất sắc, đem lại nhiều hiệu quả truyền thông cho doanh nghiệp. Với mức đánh giá này, nhân sự có thể nhận thưởng từ 3-4 tháng lương, cộng lương tháng 13 theo quy định của Bộ luật Lao động.
“Tôi đang nôn nóng đến ngày 31/1 để nhận thưởng Tết. Hiện chưa biết con số là bao nhiêu, nhưng chắc chắn năm nay tôi nhận thưởng Tết to hơn năm ngoái", anh nói với Tri Thức - ZNews.
Giữa năm 2022, Minh Khánh bắt đầu vào công ty làm việc. Vì thời gian làm việc chưa đủ lâu, cộng với việc không đạt doanh số kỳ vọng, vào kỳ thưởng Tết 2023, anh chỉ được thưởng 1 tháng lương. Số tiền đó chỉ vừa đủ để Minh Khánh mừng tuổi bố mẹ vào dịp Tết và gửi cho gia đình sắm sửa.
“Với số tiền thưởng Tết năm nay, tôi sẽ tặng bố mẹ một chuyến du lịch ngắn ngày, sắm sửa Tết rồi gửi tiết kiệm một khoản lớn”, anh nói thêm.
Còn 3,5 tháng lương là mức thưởng Tết Nguyên đán vừa được công ty Quỳnh Anh (28 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội) công bố. Mức thưởng này cao hơn năm ngoái 1,5 tháng lương.
Quỳnh Anh, làm việc tại một doanh nghiệp công nghệ Nhật Bản, thừa nhận cảm thấy may mắn khi không phải đối mặt với cơn bão sa thải. Thời gian qua, nhân viên văn phòng này thấp thỏm lo sợ khi chứng kiến bạn bè lần lượt mất việc làm.
Công ty của cô chưa tổ chức đợt lay-off nào nhờ vẫn có doanh thu ổn định. Dù vậy, Quỳnh Anh và các đồng nghiệp cũng chỉ đoán rằng thưởng Tết năm nay bằng năm ngoái. Vì thế, mức thưởng tăng khiến ai nấy đều bất ngờ và phấn khích.
Tuy nhiên, Quỳnh Anh không dám chi tiêu nhiều cho Tết Âm lịch năm nay. Nhân viên văn phòng 28 tuổi này lên kế hoạch tiết kiệm phần lớn phúc lợi tài chính cuối năm.
Năm qua, không ít bạn bè của cô bị cho nghỉ việc đột ngột, một số người không có nguồn thu nhập bên ngoài hoặc tiền tiết kiệm để trang trải qua ngày.
Vì vậy, Quỳnh Anh muốn giữ một số tiền tương đương với sinh hoạt phí 6 tháng. Khoản tiết kiệm này sẽ giúp cô không rơi vào thế bị động, thong thả tìm việc mới nếu đột ngột bị sa thải.
“Được thưởng Tết cao nhưng tôi không dám tiêu pha nhiều. Nếu ‘tất tay’ bây giờ, tôi phải đối mặt với nhiều nỗi lo trong năm mới. Tình hình kinh tế vẫn biến động, không ai biết trước điều gì”, Quỳnh Anh nói.
Doanh nghiệp nỗ lực
Trung Dũng (quận Tây Hồ, Hà Nội), quản lý cấp cao của một doanh nghiệp logistic, cho biết anh phải tham gia gần 10 cuộc họp để quyết định ngân sách thưởng Tết Âm lịch cho cán bộ, nhân viên.
Sau nhiều cuộc tranh luận kéo dài hơn một tháng, ban lãnh đạo công bố mức thưởng của nhân sự tăng trung bình 12% so với năm ngoái.
Đối với những người chưa ký hợp đồng lao động chính thức, vẫn làm việc ở vị trí cộng tác viên, công ty cũng có chế độ đãi ngộ riêng, tránh khiến người lao động cảm thấy thiệt thòi.
Dù doanh nghiệp duy trì số lượng đơn hàng trong năm qua, các cấp quản lý vẫn lo ngại về tương lai khó đoán. Một số người đề xuất giảm thưởng Tết để tiết kiệm ngân sách, duy trì vận hành nếu tình huống xấu xảy ra.
Cuối cùng, lãnh đạo cấp cao vẫn quyết định dành một khoản lớn cho quỹ thưởng cuối năm với mục đích động viên tinh thần nhân sự, giúp người lao động tin tưởng hơn vào công ty, chấm dứt hoàn toàn tình trạng “nhảy việc” sau kỳ nghỉ lễ.
“Doanh nghiệp hoạt động tốt là nhờ người lao động. Nếu trao thưởng không công tâm, họ sẽ rời đi. Khi đó, khoản tiết kiệm trong công quỹ lại dành cho việc khác không xứng đáng”, Trung Dũng nói.
Trao đổi với Tri Thức - ZNews, Ngọc Hà, quản lý đội bán hàng của một thương hiệu xe hơi, cho biết năm nay một số nhân sự do cô quản lý cũng nhận được khoản thưởng Tết “khấm khá” hơn mong đợi, khiến cô yên tâm và có chút vui mừng.
Trung bình nhân sự của cô nhận được thưởng tết khoảng 40 triệu đồng/người, sẽ được thanh toán vào đợt lương tháng 1/2024.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, Ngọc Hà cho biết bộ phận kế toán, các lãnh đạo doanh nghiệp cũng đã qua nhiều buổi làm việc, tính toán, khấu trừ các chi phí để đưa ra được mức thưởng hợp lý, công bằng cho từng nhân sự.
“Năm nay xem như doanh nghiệp đã cố gắng để khoản tiền thưởng của mọi người tương đương hoặc chỉ thấp hơn năm ngoái một chút”, Ngọc Hà tâm sự.
Dưới góc độ người quản lý trực tiếp, Hà cho biết trong những ngày cuối năm, khi chưa có thông báo thưởng, cô cũng hồi hộp, lo lắng không kém các nhân viên của mình.
Quản lý này phải thường xuyên trấn an cấp dưới, mong nhân sự bình tĩnh chờ đợi quyết định từ cấp lãnh đạo. Theo Ngọc Hà, các quản lý trực tiếp nên trung thực và cập nhật tình hình thực tế liên tục để nhân sự không quá hy vọng hoặc thất vọng.
Ngoài ra, không phải ai cũng được mức thưởng như nhau. Khoản phúc lợi này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như lợi nhuận kinh doanh, vị trí công việc, thâm niên làm việc và hiệu suất cá nhân.
“Với vấn đề nhạy cảm này, tôi yêu cầu mọi người giữ bí mật về khoản thưởng để tránh những suy nghĩ sai lệch, so sánh, ảnh hưởng đến đội nhóm”, Ngọc Hà nói.