Tết 2023, Võ Duyên (nhân viên văn phòng ở TP.HCM) đã chi khoảng 4 triệu đồng để nhuộm tóc balayage. Năm trước đó, cô gái 27 tuổi cũng bỏ ra số tiền tương tự để thay đổi màu và kiểu tóc.
Nhưng năm nay Duyên chỉ cắt tóc, hết 250.000 đồng.
“Tôi cảm thấy sau hai năm thường xuyên đổi màu, tạo kiểu, tóc đã yếu đi rất nhiều. Vì vậy, năm nay tôi chỉ cắt ngắn và quyết tâm nuôi tóc trở lại”, cô chia sẻ.
Chi phí làm tóc giảm 15-16 lần so với các năm cũng chỉ là một trong rất nhiều khoản cắt giảm trước đợt Tết Nguyên đán của Duyên. Duyên nói thêm rằng nếu năm những năm trước các màu tóc nổi là trend thì Tết năm nay cô thấy nhiều bạn bè, đồng nghiệp đang có xu hướng nhuộm đen.
Không riêng Võ Duyên, nhiều người trẻ cũng có xu hướng thắt chặt hầu bao và cân nhắc nhiều hơn về các khoản chi tiêu cho năm mới. Theo khảo sát của Adtima, chi phí và giá thành dự kiến tiếp tục tăng là mối lo lắng lớn nhất của người tiêu dùng trong dịp Tết 2024 (chiếm 50%).
Nguyên nhân lớn xuất phát từ áp lực giá cả tăng cao, kinh tế biến động và sự bất ổn định trong thu nhập lẫn công việc trong năm qua.
Tết không làm tóc
Duyên cho biết chi tiêu tăng nhiều trong những tháng cuối năm. Từ tiệc tùng công ty, bạn bè, đám cưới người thân quen cho đến tiền tàu xe về quê ăn Tết, mua sắm quần áo, quà cáp… Duyên tính sơ cũng còn chục khoản cần tiền.
Năm nay, cô cũng không mua nhiều quần áo mới. Với những món đồ cần thiết, Duyên đều đã canh mua trong những đợt siêu sale của các sàn thương mại điện tử. Khoản quà cáp cuối năm, cô cũng cắt giảm 50% so với những cái Tết trước đây.
“Không làm tóc, không làm móng, hạn chế chi tiêu là quy tắc tôi tự đề ra cho mình trước Tết. Những khoản lương thưởng trong năm nay tôi không dự định tiêu xài hết trong đợt lễ mà phải để dành cho mục tiêu tích lũy và đầu tư”, Duyên nói.
Đây là cái Tết đầu tiên sau khi Huyền Phương (27 tuổi, giáo viên) chuyển từ Hà Nội về làm việc ở quê. Sau một năm biến động, thu nhập của cô giảm nhiều so với trước. Phương không mong chờ lương tháng 13 hay tiền thưởng.
"Mọi năm, trước Tết tôi thường đi làm tóc nhưng năm nay thì không. Tết này sẽ bớt 'xôm' vì tôi phải cắt giảm nhiều thứ. Bánh kẹo hay đồ trang trí cũng phải xem cái gì thật sự cần mới mua. Quần áo là khoản tôi phải cắt giảm lớn nhất, gần như không sắm thêm gì", cô chia sẻ.
Năm nay, Phương xác định đón một cái Tết đơn giản hơn mọi năm. Dù vậy, khoảng thời gian này lại có nhiều công việc cần dùng đến tiền. "Từ giờ tới Tết, tôi có khoảng 3 cái đám cưới, rồi thăm hỏi đồng nghiệp và cấp trên. Nhiều buổi tiệc tất niên, tân niên cũng ngốn một khoản kha khá".
Cô cho biết điểm tích cực lớn nhất là cô đã biết kiểm soát chi tiêu, đong đếm cẩn thận các khoản tiền mình có chứ không tiêu tiền thiếu kiểm soát như trước.
Chuyển về quê làm việc, thu nhập giảm nhưng áp lực về tiền của Phương cũng đồng thời nhẹ bớt. "Tôi hạnh phúc khi được gần gia đình, bố mẹ cũng hỗ trợ trong thời gian đầu tôi thay đổi công việc. Bỏ qua những nỗi lo tài chính, tôi thấy ấm áp khi về gần nhà".
Lập kế hoạch chi tiêu
Nghiên cứu của Adtima cho thấy Tết 2024, mọi người có xu hướng "quay về với điều cơ bản", thắt chặt ngân sách vì có nhiều gánh nặng kinh tế khó nói.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng dành nhiều thời gian hơn để chăm sóc bản thân và thể hiện tình cảm với mọi người xung quanh.
Có 2/3 người tiêu dùng (35%) được khảo sát cho biết sẽ tăng khoản chi cho Tết 2024; 17% cắt giảm ngân sách (25-34 tuổi chiếm nhiều nhất); và 23% người tiêu dùng chưa xác định mức chi tiêu.
Vân Anh (27 tuổi) làm việc tại công ty nước ngoài nên đến tháng 3 năm sau cô mới nhận thưởng (theo năm tài chính của một số nước như Anh, Ấn Độ, Canada, Nhật Bản). Còn cuối năm 2023, nhân viên như cô được nhận lương tháng 13.
Tết năm nay, Vân Anh dự định không chi quá nhiều. Kế hoạch mua sắm không khác biệt lắm so với mức tiêu xài những tháng bình thường.
"Không phải vì Tết có thưởng nên tiêu mạnh tay hơn trước. Với tôi, có thưởng hay không có thưởng thì vẫn phải cân đối các khoản".
Vân Anh cũng có quỹ dự phòng và luôn chia thu nhập thành các khoản chi tiêu, tiết kiệm, đầu tư.
Tùy vào kế hoạch và nhu cầu của từng tháng mà số tiền dành cho mỗi khoản có thể hơi chênh lệch một chút.
"Tôi không mua sắm, tiêu xài nhiều trong lễ Tết, mà thay vào đó để dành tiền cho những kế hoạch dài hạn hơn như xây nhà, du lịch hay mua bảo hiểm”, Vân Anh cho hay.
Vừa nghỉ việc cách đây 2 tháng, ngay trước thềm năm mới, Văn Hoàng (26 tuổi, nhân viên truyền thông tại TP.HCM) khá áp lực khi tính toán các khoản tiền cần chi vào dịp Tết này. Anh còn một khoản tiết kiệm nhỏ nhưng phải cân đối chi tiêu vì định qua năm mới tìm công việc khác.
Trước đây, mỗi dịp về quê ăn Tết, Hoàng đều mua sắm quà cáp cho bố mẹ và em trai. Năm nay, anh giảm khoản chi này còn khoảng 1/3 và dự định biếu thêm bố mẹ khoảng 5 triệu đồng.
"Những năm trước, có lương và thưởng Tết, tôi chi tiêu khá rủng rỉnh. Năm nay tương đối khó khăn nên tôi cân nhắc nhiều hơn về các khoản chi. Dù vậy, cái gì cần vẫn phải tiêu", anh nói.
Hoàng cho biết cảm thấy may mắn vì luôn có một khoản tiền dự phòng, đủ để sống sót qua những tháng thất nghiệp mà không phải lao vào kiếm việc ngay. Gia đình cũng không đặt gánh nặng tiền bạc.
"Trong cái buồn thất nghiệp cũng có cái vui là năm nay tôi sẽ được ăn Tết lâu hơn với gia đình. Lần này tôi cũng không phải mang việc về nhà rồi chạy deadline xuyên Tết. Cảm giác thật thảnh thơi. Mọi việc cứ để qua năm tính tiếp", anh bày tỏ.