Khác với mọi năm, gia đình Nguyễn Hữu Tuấn (34 tuổi, ngụ phường Hòa Phú, TP.Thủ Dầu Một) chưa sắm sửa, chuẩn bị Tết. Một tháng trước, công ty nơi anh Hòa làm việc đã cắt giảm hơn 100 nhân sự.
"Một số người làm việc lâu năm như tôi đã bị cắt giảm, tôi lo mình cũng bị thất nghiệp, nhưng may sao vẫn còn đi làm, còn công việc. Hy vọng công ty vẫn có thưởng Tết để sắm sửa đón xuân", anh Tuấn nói.
Người công nhân có hơn 10 năm kinh nghiệm cho biết trải qua một năm lao đao vì Covid-19, anh mong công việc vẫn tiếp tục được duy trì để có thể chăm lo cho vợ và con gái mới 4 tuổi.
Anh Tuấn là một trong số rất nhiều công nhân ở Bình Dương chung mối lo công ty cắt giảm lao động. Trong bối cảnh cận kề Tết Nguyên đán, họ khó có thể tìm kiếm được công việc mới.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bình Dương thống kê toàn tỉnh có 37.000 lao động bị tạm hoãn hợp đồng và hơn 250.000 lao động bị cắt giảm giờ làm.
Nguyên nhân do ảnh hưởng của thị trường thế giới nên đơn hàng giảm, nhiều doanh nghiệp buộc phải thu hẹp quy mô sản xuất, hoạt động cầm chừng với công suất giảm 30-50 % so với trước, cắt giảm giờ làm của công nhân. Trong bối cảnh đó, các sở, ngành của tỉnh đã nỗ lực giúp các nhà máy tìm kiếm đơn hàng mới.
Tăng cường xúc tiến thương mại
Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó giám đốc Sở Công Thương Bình Dương, nhìn nhận sản xuất giày da, gia công đồ gỗ xuất khẩu là những ngành bị ảnh hưởng nhiều. Một số doanh nghiệp dự báo còn khó khăn đến quý I năm 2023.
Trước tình hình trên, Sở Công Thương đã phối hợp với Sở Ngoại vụ, các ban, ngành cùng doanh nghiệp tổ chức nhiều cuộc xúc tiến thương mại, giúp các nhà máy tìm kiếm đơn hàng mới để tạo việc làm cho người lao động.
"Chúng tôi ở đã xúc tiến tìm kiếm thị trường mới là Ấn Độ, Mỹ La-tinh, Trung Đông và tập trung vào thị trường Trung Quốc để tìm đơn hàng. Khi có đơn hàng mới, doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh sản xuất, giữ chân được người lao động", bà Hà nói.
Ngoài ra, UBND tỉnh Bình Dương chỉ đạo nhiều sở, ngành tăng cường kết nối cung - cầu lao động, tìm kiếm thị trường mới để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thêm đơn hàng.
Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cũng vừa cập nhật nhu cầu tuyển dụng của 38 doanh nghiệp với tổng số gần 9.000 công nhân. Trong đó, Công ty TNHH giày Vĩnh Nghĩa và Công ty TNHH Panko Vina trong lĩnh vực da giày, may mặc tại TX Bến Cát đang thông báo tuyển dụng trên 1.000 lao động như.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đang tuyển dụng hàng trăm lao động như: Công ty TNHH All Green Vina (KCN Mỹ Phước 3, TX Bến Cát) sản xuất lông mi nhân tạo đang tuyển dụng mới thêm 500 lao động; Công ty TNHH Yazaki EDS (Khu phố thống nhất 1, phường Dĩ An, TP Dĩ An) tuyển mới 500 lao động sản xuất dây dẫn điện ôtô...
Công ty TNHH LC Foods (TX Bến Cát) ngành nghề thực phẩm, Công ty TNHH điện tử thông minh TCL ngành nghề điện tử cần tuyển 200 lao động; Công ty TNHH King Chou VN cần tuyển 772 lao động trong lĩnh vực sản xuất lưới các loại...
Chăm lo Tết cho người lao động
Không chỉ nỗ lực tìm kiếm việc làm, UBND tỉnh Bình Dương cũng đặt nhiều ưu tiên cho việc chăm lo Tết cho người lao động, với phương châm tất cả đều có Tết.
Sở Công Thương vừa tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch về bình ổn thị trường hàng hóa thiết yếu Tết Qúy Mão. Có 14 doanh tham gia bình ổn với tổng giá trị hàng hóa dự trữ hơn 6.000 tỷ đồng.
"Với số lượng hàng hóa bình ổn như trên, Sở Công Thương dự kiến sẽ đảm bảo được nhu cầu tiêu dùng của người dân trong tỉnh, với giá cả thấp hơn giá thị trường, đặc biệt là trong giai đoạn khó khăn hiện nay", bà Nguyễn Thanh Hà thông tin.
Năm 2022, tổng dự toán kinh phí tạm tính chi hỗ trợ Tết Nguyên đán 2023 của toàn tỉnh Bình Dương là hơn 229 tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2021.
Đến nay, các cấp Công đoàn trong tỉnh đã xây dựng xong kế hoạch tặng 82.810 suất quà cho người lao động, mỗi phần quà trị giá 500.000 đồng, tổng kinh phí hơn 41 tỷ đồng trích từ ngân sách Công đoàn.
Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cũng tham mưu, đề xuất UBND tỉnh và các huyện, thị, thành phố, dành nguồn kinh phí để tặng quà cho những công nhân khó khăn. Ngoài ra, liên đoàn có kế hoạch tặng 5.000 vé tàu khứ hồi cho đoàn viên, công nhân lao động tại các tỉnh miền Trung, miền Bắc, tổng kinh phí ước tính 20 tỷ đồng.
Các địa phương cũng đang xây dựng chương trình phục vụ Tết ở các khu công nghiệp như: “Chợ Tết Công đoàn năm 2023”, “Tết sum vầy - Xuân gắn kết” phục vụ công nhân; tặng phiếu mua hàng 0 đồng cho người lao động khó khăn... nhằm giúp những công nhân ở lại Bình Dương đón tết ấm áp.
Trước sự bùng nổ của khoa học - công nghệ, nhiều mô hình kinh doanh ra đời, cùng với đó là những thách thức đan xen cơ hội mới sau đại dịch Covid-19, tỉnh Bình Dương xác định: Không ngừng thực hiện các chiến lược đột phá kinh tế - xã hội, tiếp tục quyết liệt phát triển đề án thành phố thông minh lên tầm cao mới, đón làn sóng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Với tầm nhìn đó, tỉnh Bình Dương đang từng bước hình thành vùng đổi mới sáng tạo, tạo động lực phát triển mới, hội nhập quốc tế, thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn nữa, đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp trong điều kiện mới.