Lạm phát tại Mỹ và các nền kinh tế lớn khác đã hạ nhiệt trong năm qua nhờ giá nhiên liệu sụt giảm.
Nhưng nói với Tri thức - Znews, ông Kelvin Wong - chuyên gia phân tích cấp cao ở Singapore - cảnh báo rằng lạm phát do chi phí đẩy có thể trở lại, nếu giá dầu thô WTI vọt lên mức 93 USD/thùng trong năm 2024. Điều này sẽ làm gia tăng kỳ vọng lạm phát và buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải cắt giảm lãi suất muộn hơn dự kiến.
Vị chuyên gia chỉ ra căng thẳng địa chính trị trên toàn cầu đang gia tăng, đặc biệt là xung đột ở Trung Đông. Mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington cũng có thể chịu sức ép hơn nữa trong chiến dịch bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024.
Chi phí vận chuyển leo thang
Hơn nữa, theo CNN, các vụ tập kích tàu hàng trên Biển Đỏ vài tháng qua cũng đang bóp nghẹt kênh đào Suez - một trong những tuyến thương mại chính của thế giới. Gần đây, lực lượng Houthi (Yemen) gia tăng tập kích tàu hàng đi qua Biển Đỏ sau khi chiến sự Israel - Hamas bùng phát hồi đầu tháng 10 năm ngoái.
Các tàu container vì thế phải tránh đi qua kênh đào Suez, khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, kéo giá sản phẩm lên cao đúng thời điểm cả thế giới đang trong cuộc chiến chống lạm phát. Kênh đào Suez hiện đóng góp 10-15% thương mại toàn cầu và khoảng 30% khối lượng vận tải biển bằng container của cả thế giới.
Theo PortWatch - một nền tảng do Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Đại học Oxford thành lập, lưu lượng giao thông hàng ngày qua kênh đào Suez đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021, khi siêu tàu chở hàng Ever Given bị mắc kẹt ở kênh này.
Tôi thực sự tin rằng thị trường tài chính đã quá chủ quan về triển vọng lạm phát
Ông Sergio Ermotti - Giám đốc điều hành Ngân hàng UBS
Trong khi đó, theo dữ liệu của công ty tư vấn Drewry (London), chi phí vận chuyển ở nhiều tuyến thương mại bận rộn nhất thế giới đã tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3 kể từ tháng 12.
Chi phí vận chuyển sẽ tác động đến mức giá cuối cùng mà người tiêu dùng phải trả. Nếu chi phí này tiếp tục tăng cao, lạm phát toàn cầu có thể đi lên.
Tuần này, Giám đốc điều hành Maersk Vincent Clerc cảnh báo tình trạng gián đoạn kênh đào Suez có thể kéo dài ít nhất một tháng nữa. “Tình trạng này càng kéo dài, chi phí sẽ càng bị độn lên”, ông chỉ ra. Đáng lo ngại hơn, tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng còn dẫn đến việc thiếu hụt container vận chuyển hàng hóa.
“Tôi thực sự tin rằng thị trường tài chính đã quá chủ quan về triển vọng lạm phát”, CNN dẫn lời ông Sergio Ermotti - Giám đốc điều hành Ngân hàng UBS - nhận định tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Ông chỉ ra chi phí vận chuyển tăng cao có thể đẩy giá hàng hóa lên cao hơn nữa.
“Chắc chắn tỷ lệ lạm phát sẽ chịu ảnh hưởng”, ông nhấn mạnh.
Thị trường quá chủ quan?
Trên thực tế, ngay cả khi cước vận tải chưa tác động đến giá tiêu dùng, lạm phát tại Mỹ, châu Âu và Vương quốc Anh đều đã đi lên trong tháng 12. Diễn biến này cho thấy không dễ để đạt mục tiêu 2% mà Fed và các ngân hàng trung ương khác đề ra.
“Còn quá sớm để khẳng định rằng chúng ta đã chiến thắng lạm phát. Mọi thứ vẫn chưa xong”, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Pháp, ông Francois Villeroy de Galhau, cảnh báo.
Theo bà Gita Gopinath - Phó giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế, các thị trường đang đặt cược rằng ngân hàng trung ương sẽ chuyển từ thắt chặt chính sách tiền tệ, sang mạnh tay cắt giảm lãi suất. “Tôi cho rằng vẫn còn quá sớm để đi đến kết luận”, bà cảnh báo.
Bà Gopinath chỉ ra một số nguyên nhân có thể thổi bùng lạm phát, trong đó có tình trạng phân mảnh chuỗi cung ứng, chủ nghĩa bảo hộ thương mại, cú sốc khí hậu và xung đột vũ trang.
Bà Mary Callahan Erdoes, Giám đốc điều hành Bộ phận quản lý tài sản của JPMorgan Chase, chỉ ra một viễn cảnh đáng lo ngại hơn. “Ngay khi các ngân hàng trung ương bắt đầu giảm lãi suất, người tiêu dùng cảm nhận được rằng tình hình đang tốt lên, và họ sẽ chi tiêu nhiều hơn. Ngay lập tức, lạm phát lại tăng cao”, bà giải thích.
Trong khi đó, một cú sốc khác đối với lạm phát có thể đến từ tình trạng bạo lực gia tăng ở khu vực sản xuất dầu mỏ tại Trung Đông.