Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lõi của Nhật Bản đã tăng 3,1% trong năm 2023, đánh dấu mức tăng lớn nhất kể từ năm 1982, theo dữ liệu công bố hôm thứ Sáu.
Mức tăng đột biến được cho là do chi phí thực phẩm tăng và đồng yên yếu khiến hàng nhập khẩu trở nên đắt hơn.
Trong tháng 12/2023, CPI lõi, không bao gồm thực phẩm tươi sống, tăng 2,3% so với một năm trước đó và tăng trong 28 tháng liên tiếp.
Con số này giảm từ mức 2,5% trong tháng 11 và vượt mục tiêu lạm phát 2% của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) trong tháng thứ 21 liên tiếp. Dữ liệu hàng tháng tương đồng với dự đoán của các nhà kinh tế trong một cuộc khảo sát gần đây của Reuters.
Kanako Nakamura, nhà kinh tế tại Viện nghiên cứu Daiwa, cho biết dữ liệu tháng 12 cho thấy lạm phát đang có “chiều hướng chậm lại”. Đồng thời lưu ý rằng xu hướng giá thực phẩm tăng từ năm 2022 – do chi phí nhập khẩu, logistic trong nước và lao động cao hơn – đã giảm xuống.
Nakamura cho biết Daiwa dự báo CPI lõi trung bình là 2,8% trong năm tài chính bắt đầu từ tháng 4 năm nay.
Số liệu lạm phát mới nhất được đưa ra khi chính phủ Nhật Bản kêu gọi các doanh nghiệp tăng lương trước khi diễn ra cuộc đàm phán mùa xuân hàng năm giữa giới chủ lao động và liên đoàn lao động.
Mức lương thực tế trung bình ở Nhật Bản trong tháng 11 – được điều chỉnh theo lạm phát – giảm so với cùng kỳ trong tháng thứ 20 liên tiếp, cho thấy lạm phát tiếp tục làm lu mờ việc tăng lương.
BOJ sẽ bắt đầu cuộc họp chính sách tiền tệ kéo dài hai ngày, bắt đầu vào ngày 22/1, và sẽ công bố quyết định vào ngày hôm sau. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đang chờ đợi diễn biến của các cuộc đàm phán tiền lương hàng năm sắp tới. Liên đoàn lao động lớn nhất Nhật Bản (Rengo) đang kêu gọi các công ty tăng lương ít nhất 5% cho người lao động.
Tại cuộc họp của BOJ vào tháng 12 năm ngoái, Thống đốc Kazuo Ueda cho biết khả năng đạt được mục tiêu lạm phát của ngân hàng trung ương đang tăng dần và sẽ xem xét thay đổi chính sách tiền tệ siêu nới lỏng nếu triển vọng đạt được mục tiêu lạm phát 2% tăng đáng kể.
“Nếu chu kỳ giữa tiền lương và giá cả tăng lên, cộng với khả năng đạt được mục tiêu giá cả một cách bền vững và ổn định cũng tăng theo, chúng tôi có thể sẽ xem xét thay đổi chính sách”, ông Ueda cho biết.
Ông Ueda cũng nói với NHK rằng các cơ quan chức năng có thể đưa ra một số quyết định ngay cả khi không có kết quả đầy đủ của các cuộc thảo luận về tiền lương.
Theo Nikkei