Kiếm tiền

Thế hệ ưu tiên đồng lương hơn bao giờ hết

Khái niệm “mức lương tốt” đối với nhiều Gen Z ở Mỹ chỉ là đủ để chi trả các khoản phí cao kỷ lục hiện nay, như nhà ở, học phí, thực phẩm… Họ cũng không đặt niềm tin vào công ty.

Văn hoá công ty và sự vui vẻ không phải ưu tiên của Gen Z, thay vào đó thế hệ này tập trung vào mức lương và cơ hội thăng tiến hơn. Ảnh minh họa: Abanti Chowdhury/ BI.

Ở tuổi 25, Kimi Kaneshina không đạt được kỳ vọng mà cô từng mong muốn trong sự nghiệp.

Tháng 6 năm ngoái, cô bị sa thải sau 1 năm làm chuyên viên quản lý sản phẩm tại một công ty phía nam bang California. Sự kiện này đã thay đổi thứ tự ưu tiên trong quá trình tìm kiếm công việc tiếp theo của Gen Z này.

Hiện điều Kaneshina quan tâm nhất khi tìm việc đó là mức lương cô sẽ nhận. Nếu đạt được thoả thuận về mức lương, tiếp theo, Kaneshina sẽ xem xét kinh nghiệm của bản thân có phù hợp vị trí công việc mà cô ứng tuyển hay không. Cuối cùng, cơ hội thăng tiến và phát triển công việc là vấn đề Kaneshina quan tâm đến.

Không chỉ riêng Kaneshina, đây là 3 yếu tố ứng tuyển của phần lớn người trẻ hiện nay. Họ chú trọng vào thu nhập và cơ hội phát triển nghề nghiệp. Văn hoá công ty và môi trường làm việc vui vẻ không còn nằm ở vị trí ưu tiên.

Thế hệ trẻ chủ động vẽ nên tương lai của mình thay vì chờ đợi sự giúp đỡ từ công ty. Ảnh minh họa: Artem Podrez/Pexels.

Gen Z không giao phó tương lai cho công ty

Theo thống kê từ Pew Research Center, một tổ chức thường xuyên thực hiện các cuộc khảo sát và nghiên cứu nhằm cung cấp thông tin và dữ liệu cho cộng đồng và chính phủ Mỹ, hồi tháng 5/2023, chỉ có 44% nhân sự dưới 30 tuổi cảm thấy hài lòng với công việc của mình, trong khi chỉ số hài lòng của người trên 65 tuổi là 67%.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng thế hệ Z ưu tiên về tiền lương và sự phát triển nghề nghiệp, trong khi thế hệ trước chú trọng sự thú vị của công việc.

Sau khi chứng kiến thế hệ Millennials (sinh năm 1981-1996) “bán mình” cho công việc vì lời hứa sẽ được tăng lương và thăng tiến từ các công ty, Gen Z (sinh năm 1997-2012) không còn đủ niềm tin để giao phó tương lai của mình cho người khác.

Thế hệ này đang tự nắm bắt tương lai của mình bằng cách ưu tiên thu nhập và đề cao khả năng thăng tiến. Lạm phát diễn ra mạnh mẽ và các khoản vay nợ sinh viên khổng lồ là lý do khiến sự thay đổi này xuất hiện, theo Business Insider.

“Thế hệ trước đây có thể gắn bó và phát triển tại một công ty suốt 20 năm nhờ công việc và chế độ lương hưu tốt. Ngày nay, thật khó thế hệ trẻ để làm điều tương tự. Giờ đây, tôi đã nhận ra tuổi trưởng thành thực sự là như thế nào”, Kaneshina chia sẻ.

Các công ty cung cấp phúc lợi ổn định có nhiều khả năng thu hút và giữ chân nhân tài Gen Z hơn. Ảnh minh họa: Artem Podrez/Pexels.

Ưu tiên thay đổi theo thời gian

Theo nghiên cứu của công ty tư vấn chiến lược toàn cầu Bain & Co, được công bố vào tháng 7/2023, những người lao động trên 62 tuổi cho biết công việc thú vị là ưu tiên hàng đầu của họ.

Trong khi đó, người lao động trong độ tuổi từ 18 đến 25 lại ưu tiên chế độ đãi ngộ tốt, tiếp theo là cơ hội học tập và phát triển.

Julia Kensbock, giáo sư quản lý và tổ chức tại ĐH Bremen (Đức), cho biết những ưu tiên về công việc sẽ thay đổi tương ứng theo độ tuổi lao động.

“Khi còn trẻ, chúng ta lo lắng nhiều về tương lai lâu dài. Khi già đi, chúng ta có xu hướng chuyển sự tập trung sang các mục tiêu ngắn hạn, bởi chúng ta ưu tiên việc duy trì cảm xúc tích cực và tinh thần thoải mái hơn”, bà Kensbock đề cập trong một bài viết được đăng tải trên cơ sở dữ liệu trực tuyến Wiley năm 2019.

Ngoài ra, bài viết cũng đề cập rằng tiền lương là yếu tố đặc biệt quan trọng ảnh hưởng đến sự hài lòng trong công việc của người trẻ.

Nhìn chung, ai cũng đều mong muốn mức lương tốt, nhưng tầm quan trọng của thu nhập có xu hướng giảm dần khi họ lớn tuổi hơn.

Không ngoại trừ Gen Z, ai cũng cần tiền để trang trải cuộc sống. Ảnh minh họa: Pavel Danilyuk/Pexels.

Thế hệ đối mặt với các chi phí cao kỷ lục

Không còn “cúi đầu” gắn bó với công ty và chăm chỉ làm việc để nhận được mức lương mơ ước, văn hoá làm việc từ xa, xu hướng Đại từ chức (Great Resignation) và làn sóng sa thải đã thay đổi cách mọi người nhìn nhận về công việc.

Nhân viên “trung thành” và nhân viên mới không còn khoảng cách về thu nhập.

Theo đơn vị cung cấp dữ liệu về thu nhập LabourIQ, ước tính mức lương trung bình của nhân sự mới tuyển dụng cao hơn 7% so với mức lương của những nhân sự có thâm niên đang làm ở vị trí tương tự. Con số chênh lệch này còn cao hơn ở những vị trí trong lĩnh vực công nghệ và tài chính.

Đại diện Gen Z, Kaneshina cho biết người lao động trẻ không đặt nhiều niềm tin vào công ty vì không chắc chắn sẽ nhận được sự giúp đỡ về lâu dài từ doanh nghiệp như thế nào. Điều này thúc đẩy Gen Z “chạy theo đồng tiền” nhằm đảm bảo cuộc sống cho chính họ.

Trong nghiên cứu 2023 EY Gen Z Segmentation Study của EY, tổ chức toàn cầu chuyên về dịch vụ tư vấn, kiểm toán và tài chính, có hơn 50% Gen Z trên tổng số 1.500 người tham gia khảo sát bày tỏ nỗi lo lắng về việc không có đủ tiền trang trải.

Khái niệm “mức lương tốt” đối với nhiều Gen Z chỉ là đủ để chi trả các khoản phí cao kỷ lục hiện nay, như nhà ở, học phí, thực phẩm,…

Corey Seemiller, giáo sư về lãnh đạo tổ chức tại ĐH Wright (Ohio, Mỹ), cho rằng thế hệ trẻ đề cao vấn đề tiền bạc là hợp lý. Khi thế hệ baby boomers (sinh năm 1955-1964) bắt đầu gia nhập lực lượng lao động, giá trị của đồng USD cao hơn nhiều so với ngày nay.

Theo kết quả khảo sát trên 12.000 người lao động toàn cầu của Cigna, công ty bảo hiểm y tế và dịch vụ chăm sóc sức khỏe đa quốc gia, 39% Gen Z cho biết bất an về tài chính là nguyên nhân hàng đầu khiến họ căng thẳng. Điều này chưa từng xảy ra ở bất kỳ thế hệ nào trước đây.

Thế hệ Z đã mở ra một làn sóng quan điểm, nhu cầu và kỳ vọng mới. Ảnh minh họa: Karolina Grabowska/Pexels.

Công việc chỉ là công việc

Bên cạnh đó, giáo sư Corey Seemiller đồng tình với Gen Z về mong muốn thăng tiến trong công việc.

Theo ông, các thế hệ trước cũng có cùng mong muốn có bước tiến cao hơn trong sự nghiệp trong vòng 1-2 năm giống Gen Z hiện tại.

Nếu lương và sự phát triển không có dấu hiệu tiến triển tốt, thay vì chờ đợi, Gen Z sẽ “nhảy” việc. Thế hệ này đang dần làm mờ khái niệm “công việc ổn định” truyền thống trước đây.

Theo khảo sát năm 2023 của ResumeLab, công ty chuyên cung cấp dịch vụ tạo CV chuyên nghiệp, có 83% trên tổng số 1.100 Gen Z cho biết họ sẽ thay đổi công việc nhằm đa dạng hóa bộ kỹ năng, theo đuổi những thách thức mới và tìm kiếm môi trường phù hợp với giá trị và hoài bão của họ.

Đối với phần lớn Gen Z, công việc chỉ là công việc. Thế hệ trẻ không đặt năng chuyện công việc có liên quan đến danh tính cá nhân như thế hệ trước.

Kết quả khảo sát từ Deloitte, công ty cung cấp dịch vụ về thuế và tài chính toàn cầu, cho thấy chỉ có 61% Gen Z cảm thấy công việc quan trọng với danh tính của họ, trong khi chỉ số này cao tới 86% ở thế hệ lớn tuổi hơn.

Tuy nhiên, theo giáo sư Corey Seemiller, thế hệ Gen Z vẫn giữ đam mê với những gì họ muốn làm, nhưng họ có thể không đặt tất cả niềm tin của mình vào một "rổ trứng" duy nhất.

Thay vào đó, những người làm việc trẻ tập trung vào hai điều quan trọng giúp họ an tâm trong một nền kinh tế biến động: một mức lương ổn định và cơ hội thăng tiến trong công việc.

Link bài gốcLấy link
https://lifestyle.zingnews.vn/the-he-uu-tien-dong-luong-hon-bao-gio-het-post1460186.html