Tết là thời điểm nhu cầu mua sắm của người dân tăng đột biến. Trong bối cảnh kinh tế ảm đạm, nhiều doanh nghiệp cắt giảm nhân sự khiến thu nhập và thưởng Tết của nhiều người bị ảnh hưởng. Lúc này, ngoài việc xem xét thật kỹ tính hợp lý và cần thiết của khoản chi thì chọn thanh toán bằng thẻ tín dụng có tỷ lệ cashback (hoàn tiền) cao cũng là một giải pháp tiêu dùng nhiều người lựa chọn.
Thẻ tín dụng nào hoàn nhiều tiền nhất
Khảo sát tại 30 ngân hàng thương mại trong nước, hiện có hơn 50 dòng thẻ tín dụng có dịch vụ hoàn tiền, mức hoàn tiền đang dao động trong khoảng 0,1-20%.
Trong đó, mức hoàn tiền cao nhất hiện nay là 20% ghi nhận trên 3 dòng thẻ MSB Mastercard mDigi; MSB Visa Online; OCB MasterCard Lifestyle. Thấp hơn một chút, dòng thẻ tín dụng Sacombank JCB Ultimate cũng đang được hoàn 15% đối với các giao dịch chi tiêu ăn uống.
Ở tỷ lệ hoàn tiền 10%, có một loạt dòng thẻ tín dụng các ngân hàng như Visa Platinum/Signature của ACB; MSB (Visa Signature/Signature Mfirst); Happy Digital của NamABank; OCB Mastercard Platinum; TPBank Evo Visa; VPBank (Diamond World/Diamond World Lady)...
Tuy vậy, khách hàng cần lưu ý là đi kèm tỷ lệ hoàn tiền kể trên, các ngân hàng thường giới hạn số tiền hoàn tối đa trong mỗi kỳ sao kê, chứ không hoàn đủ trên tổng số tiền giao dịch trong kỳ.
Với tỷ lệ hoàn từ 1% đến dưới 10%, hiện có một số loại thẻ áp dụng như Visa travel/cashback của ABBank; dòng thẻ JCB/Visa của Eximbank; HDBank VietJet Platinum…
Với nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước, hiện chỉ có BIDV và VietinBank áp dụng chính sách hoàn tiền cho thẻ tín dụng. Trong đó, BIDV có 3 loại thẻ hoàn tiền là Visa Platinum Cashback (10%); Visa Infinite (6%); Visa Premier hoàn tiền cao nhất 600.000 đồng/tháng. Với VietinBank, nhà băng này áp dụng tỷ lệ hoàn tiền 0,3-6% cho 2 dòng thẻ MasterCard Platinum Cashback Virtual và MasterCard Platinum Cashback.
Đi kèm chính sách hoàn tiền, các ngân hàng cũng áp dụng nhiều chính sách khuyến mại cho các chủ thẻ tín dụng.
Như trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, HDBank có chương trình lì xì tới 2 triệu cho các chủ thẻ tín dụng quốc tế phát sinh chi tiêu trong tháng 2; mức chi tiêu từ 2 triệu đồng. Trong ngày 10-19/2, 10 khách hàng phát sinh giao dịch có giá trị cao nhất mỗi ngày sẽ được nhận hoàn tiền 10% giá trị giao dịch (tối đa 1 triệu đồng).
Ngoài ra, khách hàng mới mở thẻ hoặc kích hoạt thẻ tín dụng quốc tế của HDBank từ nay tới 15/2 phát sinh các giao dịch tổng trị giá từ 1 triệu trở lên có cơ hội quay số trúng vàng.
- Tỷ lệ cashback và chính sách ưu đãi của một số dòng thẻ tín dụng hiện nay:
- 5% cho chi tiêu bảo hiểm, bệnh viện, xăng dầu - 2% chi tiêu giáo dục - 1% chi tiêu tại siêu thị, cửa hàng tiện lợi, nhà hàng, quán ăn - 0,3% chi tiêu khác
- 5% chi tiêu đi lại, siêu thị, cửa hàng tạp hóa - 2% chi tiêu ẩm thực - 5% chi tiêu giáo dục, bảo hiểm, y tế - 0,2% chi tiêu khác
- Tích lũy tiền hoàn lại để thanh toán tại Traveloka, Shopee... - Gói bảo hiểm mua sắm 20 triệu/năm - Nhận 10% hoàn lãi khi thanh toán khoản tối thiểu hàng tháng trên sao kê đúng hạn - Ưu đãi toàn cầu Citi World Privileges
- 6% chi tiêu tại CGV, Grab - 4% chi tiêu bảo hiểm - 2% chi tiêu mua sắm tại trung tâm thương mại và cửa hàng thời trang - 0,3% chi tiêu khác
Lưu ý gì khi dùng thẻ tín dụng?
Chi tiêu bằng thẻ tín dụng mang lại nhiều lợi ích tuy nhiên kèm theo cũng không ít rủi ro. Chuyên gia tư vấn tài chính cá nhân Nguyễn Kim Liên, nhà sáng lập Amy Advise đánh giá ở góc độ người sử dụng, thẻ tín dụng mang tới 2 lợi ích là ưu đãi hoàn tiền khi mua sắm và trả góp lãi suất 0%.
“Người tiêu dùng nên mở thẻ được hoàn tiền (cashback), tốt nhất là loại hoàn tiền thẳng vào tài khoản hơn là loại tích điểm mua sắm. Vì đôi khi tích điểm xong lại phải quy đổi ra quà và có những thứ quà không cần thiết, không mang ý nghĩa tiết kiệm”, vị chuyên gia này nhận định.
Nếu khó khăn trong việc lựa chọn thẻ, chuyên gia khuyên người dùng nên nắm bắt bản thân và gia đình thường xuyên chi tiêu lĩnh vực gì, mức độ chi tiêu bao nhiêu một tháng rồi tìm loại thẻ được hoàn tiền cao nhất trong lĩnh vực ấy. Cần đọc kỹ phần chương trình hoàn tiền rồi so sánh các loại thẻ để tìm ra dòng thẻ phù hợp với hạn mức chi tiêu của bản thân.
Vị chuyên gia cũng khuyên người dùng nên tránh mở nhiều thẻ tín dụng. “Vì dùng thẻ tín dụng rất dễ lạm chi và mất khả năng thanh toán. Điều đó dẫn đến việc chủ thẻ phải dùng đến các dịch vụ chuyển đổi trả góp dư nợ của thẻ tín dụng, chi phí lãi vay phát sinh khoảng 0,8-1%/tháng tương đương 10-12,7%/năm. Nếu không chuyển đổi kịp, trả nợ chậm thì lãi phát sinh có thể lên tới 28-42%/năm.
Nếu mới sử dụng, chỉ nên dùng 1 thẻ để thực hành thói quen và tạo kỷ luật trả nợ đúng hạn, khi đã biết cách kiểm soát thẻ và chi tiêu thì mới tính đến việc mở thêm để tận dụng các chương trình ưu đãi hoàn tiền khác nhau”, vị chuyên gia đưa lời khuyên.
Ngoài ra, hạn mức của mỗi thẻ tín dụng không nên vượt quá 1 tháng chi tiêu. Tổng hạn mức tín dụng của tất cả thẻ không nên vượt quá số dư quỹ khẩn cấp (quỹ khẩn cấp thường bằng 3-6 tháng chi tiêu). Việc này đề phòng trường hợp có khoản chi tiêu lớn phát sinh thì đã có sẵn tiền để trả nợ.
Ngoài ra, bà Kim Liên cho biết người dùng nên thanh toán toàn bộ dư nợ cuối kỳ trước ngày thanh toán của tháng tiếp theo để tránh phát sinh lãi vay (thường là 25-35%/năm). Nếu không thanh toán hết, lãi vay sẽ tính trên toàn bộ dư nợ kể từ ngày quẹt thẻ.
Một số thẻ tín dụng có chi phí lãi vay trả góp khá cao (dao động 1-1,5%/tháng), chi phí rút tiền mặt từ thẻ tín dụng cũng rất cao (4% giá trị rút); khi sử dụng những tính năng này cần nghiên cứu kỹ các chi phí phát sinh liên quan.