Thị trường tiêu dùng

Thời trang xa xỉ gặp nguy, có thể phải hạ giá vào năm 2024

Chứng kiến doanh số không khả quan trong năm nay, các thương hiệu thời trang cao cấp cân nhắc giảm giá để tồn tại trong năm 2024.

Các nhãn hàng nữ trang xa xỉ gặp khó trong hoạt động kinh doanh. Ảnh minh hoạ: Chanel.

Cuối tháng 11, thương hiệu thời trang xa xỉ Burberry công bố kết quả kinh doanh ảm đạm. Doanh số bán của nhãn hàng này giảm 9% tại Trung Quốc và 10% tại Mỹ.

“Các khu vực kinh doanh đều gặp thách thức”, Jonathan Akeroyd, Giám đốc điều hành Burberry, nói với Business Of Fashion.

Không chỉ Burberry, tập đoàn thời trang cao cấp LVMH, Richemont và Kering cũng công bố mức tăng trưởng cuối năm năm giảm đáng kể so với nửa đầu năm. Đâu là lối thoát cho ngành hàng thời trang xa xỉ vào năm sau?

Các thương hiệu trang sức, váy áo xa xỉ loay hoay tìm hướng đi khi thị trường Mỹ và Trung Quốc ảm đạm. Ảnh minh hoạ: Bulgari.

Thị trường Mỹ và Trung Quốc lao đao

Theo tập đoàn tư vấn Bain & Company, tốc độ tăng trưởng sẽ chậm lại trong năm tới. Sau khi tăng 8%, đạt mức 387 tỷ USD trong năm nay, doanh số ngành hàng xa xỉ chỉ có thể nhích lên 1-4% vào năm 2024.

Trong bối cảnh nền kinh tế ảm đạm, thiếu triển vọng, các thương hiệu loay hoay tìm lối đi.

Mỹ và Trung Quốc vẫn là 2 thị trường béo bở nhất. Nếu cả 2 khu vực không có dấu hiệu phục hồi, các nhà mốt phải tìm kiếm “miếng bánh” khác. Ấn Độ là thị trường đang phát triển nhanh, trở thành mục tiêu được nhiều nhãn hàng nhắm tới.

Tuy nhiên, các tập đoàn hàng hoá xa xỉ vẫn đặt hy vọng ở Trung Quốc. Sau đại dịch, người tiêu dùng tại quốc gia này chưa chi tiêu mạnh tay như trước.

Giữa tháng 11, chính phủ Trung Quốc đã bơm gói kích thích tài chính trị giá 500 tỷ USD vào hệ thống ngân hàng, cho thấy mong muốn vực dậy nền kinh tế. Song, hiệu quả của phương pháp này chưa thể đoán trước.

Mỹ cũng cho thấy nỗ lực kiểm soát lạm phát. Cục Thống kê Lao động Mỹ báo cáo rằng giá tiêu dùng tháng 10 tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước.

Khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed bắt đầu hạ lãi suất, giảm chi phí vay và giải phóng đầu tư vào năm tới, khoản chi tiêu cho hàng hoá cao cấp cũng có khả năng tăng theo.

Tin tưởng vào khả năng phục hồi của nền kinh tế Mỹ, các thương hiệu xa xỉ vẫn đầu tư mạnh mẽ vào việc phát triển hệ thống cửa hàng tại quốc gia này.

Dior tổ chức show thời trang Cruise 2024 tại Mumbai (Ấn Độ), khai phá thị trường mới. Ảnh: Dior.

Louis Vuitton đầu tư vào phòng chờ sân bay với mục đích quảng bá vali, túi xách du lịch. Ảnh: Louis Vuitton.

Hướng đi cho thời trang cao cấp

Tập đoàn tư vấn Bain & Company kỳ vọng giá trị thị trường thời trang cao cấp tăng từ 396 tỷ USD trong năm nay lên 595 tỷ USD vào năm 2030. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này phụ thuộc phần lớn vào khả năng hồi phục của nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc.

Các tập đoàn hàng hoá xa xỉ có thể nhắm đến nhóm khách hàng siêu giàu, những người muốn thể hiện sự vương giả qua lối sống hàng ngày, luôn xuất hiện trên du thuyền, bên cạnh tác phẩm nghệ thuật, sử dụng các thiết kế thời trang, nội thất đắt đỏ.

Không chỉ cung cấp các sản phẩm may mặc, nhãn hàng thời trang cao cấp cần biến chúng thành trải nghiệm xa hoa. Ví dụ, Bulgari và Armani biến không gian mua sắm, trưng bày thành khách sạn. Dior và Gucci đầu tư vào bảo tàng. Trong khi đó, Louis Vuitton thiết kế phòng chờ sân bay riêng, tạo đòn bẩy cho mặt hàng vali.

Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất dẫn đến quyết định chi tiêu vẫn là giá cả. Các thương hiệu cần tái định giá, tránh đẩy mức giá lên quá cao, khiến khách hàng chần chừ khi rút ví.

Gucci đưa các sản phẩm vào bảo tàng, tạo ra trải nghiệm xa xỉ cho khách hàng thượng lưu. Ảnh: Gucci.

Link bài gốcLấy link
https://lifestyle.zingnews.vn/thoi-trang-xa-xi-gap-nguy-co-the-phai-ha-gia-vao-nam-2024-post1450499.html