Ngân hàng

Thống đốc yêu cầu ngân hàng đẩy mạnh cho vay

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh công tác tín dụng rất nặng nề trong năm 2024. Các ngân hàng phải có đánh giá, nhận diện đầy đủ để tăng trưởng tín dụng bám sát thực tế.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng yêu cầu các ngân hàng đẩy mạnh cho vay để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Ảnh: NHNN.

Ngày nay (20/2), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn ngành về đẩy mạnh tín dụng ngân hàng năm 2024. Tại hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết công tác tín dụng sẽ tiếp tục là hoạt động trọng tâm trong năm 2024.

Tín dụng tăng trưởng âm trong tháng đầu năm

Trong tháng 1 đầu năm nay, tín dụng vẫn gặp khó khăn và giảm so với cuối năm 2023. Điều này theo lãnh đạo NHNN tới từ nhiều nguyên nhân, như cầu tín dụng của nền kinh tế giảm do cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh giảm; một số nhóm khách hàng (doanh nghiệp nhỏ và vừa) có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn/hoặc còn vướng mắc về thủ tục pháp lý; quy luật mùa vụ…

Theo đó, ngành ngân hàng đã chủ động triển khai nhiều giải pháp để đẩy mạnh tín dụng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế như các chương trình, chính sách tín dụng đối với các ngành, lĩnh vực theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, các dự án trọng điểm, các động lực tăng trưởng; thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo Thông tư 02; tăng cường rà soát, đơn giản hóa quy trình và thủ tục cấp tín dụng... tạo điều kiện thuận lợi, nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho doanh nghiệp và người dân.

Tuy nhiên, để tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ tín dụng, Thống đốc NHNN cho rằng cần có chính sách tổng thể từ phía các Bộ, ngành, cơ quan, địa phương về xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, khai thác cầu nội địa, cải thiện môi trường kinh doanh, khơi thông thị trường bất động sản.

“Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 đã được thông báo sớm để tổ chức tín dụng chủ động xây dựng kế hoạch và thực hiện cung ứng nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế ngay từ đầu năm. Vốn cho nền kinh tế đến từ nhiều kênh khác nhau, trong đó tín dụng ngân hàng chỉ là một trong các kênh cung ứng”, Thống đốc đánh giá.

Ngược lại với tăng trưởng tín dụng thì huy động vốn của các ngân hàng lại tăng trưởng khá tốt, thanh khoản hệ thống đảm bảo.

Theo số liệu từ NHNN, trong năm 2023, tiền gửi của người dân và doanh nghiệp vào ngân hàng đạt mức cao nhất từ trước tới nay, với hơn 13,5 triệu tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2022.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết công tác tín dụng sẽ là hoạt động trọng tâm trong năm 2024 của ngành ngân hàng. Ảnh: NHNN.

Giải pháp tăng trưởng tín dụng

Trong bối cảnh năm 2024 kinh tế thế giới dự báo tiếp tục khó khăn dưới tác động của điều kiện tài chính thắt chặt, xung đột địa chính trị, rủi ro tài chính gia tăng... tác động tới nền kinh tế trong nước nói chung và ngành ngân hàng nói riêng.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đánh giá nhiệm vụ của ngành ngân hàng, trong đó có công tác tín dụng là rất nặng nề.

Để thực hiện thành công đa mục tiêu, Thống đốc đề nghị đẩy mạnh các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, tăng cường ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

“Thường xuyên tổ chức các hội nghị kết nối doanh nghiệp, hiệp hội bằng hình thức phù hợp theo vùng và tại tất cả tỉnh, thành phố. Chỉ đạo các ngân hàng thương mại đồng thời chủ động tổ chức hội nghị khách hàng để tháo gỡ, chia sẻ khó khăn với khách hàng”, Thống đốc nhấn mạnh.

Cùng với đó, lãnh đạo NHNN cũng yêu cầu các nhà băng tiếp tục triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định của Thông tư 02, đảm bảo thực hiện đúng quy định, giám sát chặt chẽ, an toàn, phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ để trục lợi. Tiếp tục giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cho vay, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế.

Đồng thời, các ngân hàng thương mại cũng được yêu cầu đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ tín dụng phù hợp từng phân đoạn khách hàng và thị trường, loại hình, nhu cầu sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, nhất là các nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp phục vụ đời sống, tiêu dùng của người dân.

Link bài gốcLấy link
https://znews.vn/thong-doc-yeu-cau-ngan-hang-day-manh-cho-vay-post1460939.html