Đây là thông tin được Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đưa ra tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành về đẩy mạnh tín dụng ngân hàng năm 2024 diễn ra vào sáng nay (20/1).
Cụ thể, theo Phó thống đốc Tú, NHNN đang tiếp tục điều hành lãi suất để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế.
Lãi suất huy động - cho vay chưa ngừng giảm
Đầu năm 2024, nhà điều hành tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp để góp phần hỗ trợ nền kinh tế.
Hiện lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng ở mức 0,5%/năm. Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 4,75%/năm, riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND tại quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô là 5,25%/năm. Lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.
Theo lãnh đạo NHNN, đây là điều kiện để các ngân hàng thương mại điều chỉnh giảm lãi suất huy động, giúp kéo lãi suất cho vay hạ thêm trong nửa cuối năm 2023 và đầu năm 2024.
“Tính đến ngày 31/1, mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay tiếp tục có xu hướng giảm, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại giảm lần lượt khoảng 0,15%/năm và 0,25%/năm so với cuối năm 2023”, Phó thống đốc Đào Minh Tú thông tin.
NHNN cũng đã có công văn yêu cầu các ngân hàng tiếp tục thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng, NHNN về vấn đề lãi suất và báo cáo tình hình công bố lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân.
Ngoài nỗ lực giảm lãi suất kể trên, lãnh đạo NHNN cho biết nhà điều hành chính sách tiền tệ đã đồng thời chỉ đạo nhanh chóng các nhiệm vụ quan trọng cho toàn ngành ngay đầu năm. Trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 6-6,5% và lạm phát khoảng 4-4,5%, NHNN định hướng mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân ngân hàng khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.
Yêu cầu ngân hàng đẩy nhanh cho vay
Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), cho biết cuối tháng 12/2023, NHNN đã giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 cho các tổ chức tín dụng, thông báo công khai nguyên tắc xác định để các tổ chức tín dụng chủ động thực hiện tăng trưởng tín dụng nhằm cung ứng nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế.
Trong tháng 2 này, NHNN tiếp tục có công văn chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh triển khai, thực hiện các giải pháp nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong đó, quyết liệt triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng đúng, trúng mục tiêu ngay từ đầu năm, tăng cường rà soát, đơn giản hóa quy trình và thủ tục cấp tín dụng, tối ưu hóa áp dụng chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng…
Về định hướng, giải pháp điều hành hoạt động tín dụng năm 2024, NHNN cho biết kinh tế thế giới tiếp tục dự báo còn nhiều khó khăn dưới tác động của điều kiện tài chính thắt chặt, xung đột địa chính trị, rủi ro tài chính gia tăng, lạm phát toàn cầu, rủi ro các cuộc khủng hoảng năng lượng, lương thực, thực phẩm…
Trong nước, tăng trưởng kinh tế tiếp tục đối mặt với các thách thức khi cầu thế giới dự kiến vẫn tăng thấp, tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2024 được dự báo thấp hơn 2023, tác động đến hoạt động thương mại, đầu tư và các ngành sản xuất công nghiệp chế biến chế tạo…
Trong bối cảnh đó, NHNN tiếp tục xác định điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, lạm phát và mục tiêu. Trong đó, khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cấp tín dụng, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế.
Nhà điều hành sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai quyết liệt các chương trình, chính sách tín dụng, trong đó có chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ; chương trình cho vay liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long.