“Vui lên đi. Đó chỉ là thất bại nhỏ, không đáng bận tâm”.
“Nếu biết chuyện sớm, tôi đã khuyên bạn cố gắng mạnh mẽ hơn, thay vì buồn bã như thế này”.
Đây có lẽ là một trong số những lời động viên thường xuất hiện khi chúng ta gặp khó khăn tại nơi làm việc. Tuy nhiên, hiếm khi nào, hoặc không bao giờ bạn cảm thấy khá hơn sau khi nghe chúng.
Thực chất, đây là một dạng thể hiện của sự tích cực độc hại (toxic positivity). Thay vì thực sự mang tính chất xoa dịu, cổ vũ, những lời động viên sáo rỗng như trên dễ dàng tổn hại đến sức khỏe tinh thần và năng suất làm việc của bất kỳ nhân sự nào.
Trong trường hợp bạn là một quản lý muốn loại bỏ thái độ tích cực độc hại khỏi văn phòng, hãy cân nhắc những gợi ý sau từ Fast Company.
Chỉ cần lắng nghe
Chúng ta luôn cố gắng phản hồi mọi lời than vãn từ người khác. Thậm chí, một số cá nhân thường nói rất nhiều thứ, từ động viên đến hướng dẫn tìm lối ra.
Thực tế, khi ai đó tìm đến bạn để sẻ chia, họ đang tổn thương và tìm kiếm không gian an toàn để bộc lộ sự yếu đuối. Quan trọng nhất, những người này cần được giải tỏa và lắng nghe.
Do đó, điều bạn cần làm là cho phép họ chia sẻ thoải mái về sự việc.
Đặc biệt, hãy dành cho câu chuyện thái độ tôn trọng, thay vì vội phán xét, kết luận. Nếu không, sự tích cực độc hại dễ dàng xuất hiện và lại khiến nhân viên của bạn tổn thương hơn.
“Tất nhiên, hai người sẽ có những đoạn im lặng, hoặc cấp dưới sẽ bật khóc trong cơn xúc động. Lúc này, bạn cần cưỡng lại mong muốn tiếp nối cuộc trò chuyện. Thay vào đó, hãy thử một số mẫu câu như ‘Tôi vẫn lắng nghe’, ‘Cảm ơn vì đã tin tưởng và sẻ chia cùng tôi’.
Đồng thời, một số cử chỉ như chạm nhẹ vào vai, gật đầu, hơi nghiêng người về phía họ là cách thể hiện bạn đang tập trung và tích cực lắng nghe”, Mita Mallick, lãnh đạo về đa dạng và hòa nhập tại công ty công nghệ Carta, nói.
Đừng khuyên nhủ
Đừng cố lấp đầy cuộc trò chuyện bằng hàng loạt lời khuyên, động viên sáo rỗng.
Chẳng hạn, “Thời gian chữa lành mọi vết thương”, “Xui xẻo không đến nhiều lần”, “Mọi thứ vốn dĩ đã như vậy rồi” là ví dụ cơ bản cho thái độ tích cực độc hại.
Hậu quả của việc luôn ép mình và người khác suy nghĩ lạc quan là khiến ai cũng trở nên tiêu cực.
Theo nhà tâm lý học lâm sàng Jaime Zuckerman, sự tích cực độc hại thực chất là một cách chối bỏ những khó chịu bên trong.
Khi bị chối bỏ, cảm xúc tiêu cực dần trở nên nghiêm trọng vì mãi vẫn không được xử lý.
Điều bạn cần làm là sau khi lắng nghe là động viên họ thể hiện cảm xúc thực. Hãy tạm thời thuận theo sự yếu đuối, mơ hồ của họ tại thời điểm này.
Nếu đủ thời gian và điều kiện, bạn có thể gợi ý nhân viên thể hiện cảm xúc qua lời nói hoặc câu chữ. Khi được phát ra hoặc viết thành chữ, mức độ buồn bã, tức giận hay đau đớn sẽ suy giảm đáng kể.
Đề nghị hỗ trợ
Sau khi đã cho họ thời gian và không gian để sẻ chia, hãy đảm bảo rằng bạn có thể tiếp tục hỗ trợ sau đó.
Một số kiểu câu có thể dùng trong tình huống này là:
Tôi rất tiếc vì điều này đã xảy ra. Làm thế nào để tôi giúp bạn? Có bất cứ điều gì tôi có thể làm ngay bây giờ? Uống một ít cà phê nhé? Cảm thấy buồn là chuyện bình thường. Nhưng bạn có muốn thử sức với chuyện gì đó mới không?
Lúc này, có thể nhân viên đang còn mơ hồ về quyết định sắp tới. Vì thế, quản lý nên chủ động tìm giải pháp, nếu cấp dưới sẵn sàng tiếp nhận.
Quan trọng hơn cả, đừng ép họ thuận theo ý muốn của riêng bạn. Bằng không, bạn sẽ vô tình trở thành một lãnh đạo thao túng khi nhân sự đang ở trong tình thế khó khăn.
Hãy nhớ rằng, quản lý nào cũng có trách nhiệm ngăn chặn sự tích cực tiêu cực tại môi trường công sở.
Thay vì cố đưa ra lời khuyên, hãy tập trung vào phương án hành động tiếp theo. Đó mới là cách để thể hiện vai trò của một nhà lãnh đạo đáng tin cậy.