Liên quan các vấn đề tâm lý nói chung, một nghiên cứu được công bố mới đây trên GHDx (Global Health Data Exchange) cho thấy tỷ lệ rối loạn tâm thần toàn cầu hiện lên tới 14,6% dân số toàn thế giới.
Trong khi đó, xét riêng ở nhóm tuổi lao động, một nghiên cứu tại Anh năm 2008 đã chỉ ra cứ 6 nhân viên lại có một người gặp vấn đề về sức khỏe tinh thần do môi trường làm việc gây ra.
Trên thực tế, các vấn đề tâm lý rất đa dạng với nhiều hình thái, mức độ khác nhau. Tuy nhiên, nhận thức về vấn đề tâm lý của cộng đồng, dù đã có sự cải thiện trong thời gian qua, vẫn còn nhiều hạn chế. Đây cũng là điều cần đặc biệt lưu ý với nhóm dân văn phòng, những người trong độ tuổi lao động.
Cảm xúc nhỏ bị bỏ qua và tác động của công nghệ
Chia sẻ với Zing bên lề lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe Cộng đồng và phát triển COHED (trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam) và ra mắt nền tảng hỗ trợ chăm sóc sức khỏe tinh thần Safe and Sound, tiến sĩ, bác sĩ tâm lý Ngô Thị Thanh Hương, cho biết sau đại dịch Covid-19, có tới 45-50% người thuộc nhóm nhân viên văn phòng, trẻ (dưới 30 tuổi) xuất hiện các vấn đề rối loạn tâm lý cũng như sức khỏe tâm thần.
“Các vấn đề phổ biến là trầm cảm, rối loạn lo âu… Tuy nhiên, trong một số trường hợp, chúng ta cần làm rõ rằng đôi khi vấn đề chưa tiến triển thành bệnh. Thay vào đó, nhiều tình huống chỉ gây ra những rối loạn cảm xúc, khiến một số người dễ cáu gắt, từ đó không kiểm soát được hành vi”, vị chuyên gia nói.
Theo BS Hương, một trong những nguyên nhân lớn nhất dẫn đến các vấn đề về tâm lý ở nhóm nhân viên văn phòng là sự thiếu kết nối xã hội. Trong đó, các thiết bị công nghệ điện tử sắm vai chính trong ảnh hưởng này.
Vị chuyên gia chia sẻ: “Việc lạm dụng các thiết bị công nghệ điện tử, Internet là một vấn đề của xã hội hiện đại. Bản thân tôi trong quá trình điều trị thời gian qua cũng gặp rất nhiều trường hợp tìm tới sự trợ giúp sau khi cảm thấy mất kết nối với thế giới xung quanh”.
Cụ thể, những người này cảm giác bị hạn chế về khả năng giao tiếp sau một thời gian dài không có sự kết nối với cộng đồng.
BS Hương lấy ví dụ trong một văn phòng, công ty bất kỳ, chúng ta có thể dễ dàng quan sát việc nói chuyện, giao tiếp hàng ngày giữa các đồng nghiệp đang giảm dần và được thay thế bằng nhóm chat, tin nhắn, email…
Ở các quốc gia phát triển trên thế giới, vấn đề này thậm chí phổ biến hơn khi sự tương tác giữa người với người bị hạn chế bởi nhịp sống bận rộn.
“Tại Việt Nam, cuối ngày, nhiều người vẫn có dịp để ra ngoài gặp gỡ bạn bè, uống cà phê tán gẫu hay đôi khi là nhâm nhi cốc bia, ly rượu. Xét về mặt tâm lý, đây cũng cũng cơ hội để tăng sự tương tác, từ đó giúp đời sống và sức khỏe tinh thần của chúng ta tốt hơn”, vị chuyên gia nhận định.
Cũng vì thế, trong ngày Sức khỏe Tâm thần Thế giới (10/10) vừa qua, Bộ Y tế cũng đã có khuyến cáo về một số hành vi giúp duy trì sức khỏe tinh thần tốt nhất, một trong số đó là tăng kết nối và quá trình giao tiếp.
Những lý do tự tử bất ngờ
“Trầm cảm” và “tự tử” là 2 từ khóa liên quan vấn đề tâm lý được rất nhiều người, nhất là nhóm trẻ tuổi, quan tâm và nhắc đến trong thời gian gần đây. Nhiều trường hợp đáng tiếc đã xảy ra và trở nên lan rộng khi nạn nhân là những người nổi tiếng, ca sĩ, diễn viên từng được hàng triệu người yêu mến.
Trên thực tế, những câu chuyện buồn về vấn đề tự tử do gặp vấn đề tâm lý xảy ra rất nhiều, ở các nhóm tuổi, đối tượng khác nhau.
BS Ngô Thị Thanh Hương nói: “Trong showbiz, chúng ta cũng biết rằng áp lực là kinh khủng. Khi các quan điểm xã hội được đẩy lên, chỉ trích, khen, chê… nổ ra, một số người nổi tiếng có thể xuất hiện các hành động như vậy. Tuy nhiên, trong xã hội bình thường, những trường hợp này cũng không hiếm”.
Theo vị chuyên gia này, thống kê cho thấy cứ mỗi 40 giây, thế giới lại ghi nhận một người tự tử. Đây là một con số “khủng khiếp”.
Lý giải về những trường hợp này, BS Hương cho hay trong quá khứ, chúng ta hiểu rằng một số người rơi vào tình trạng trầm cảm, đến một giai đoạn nhất định sẽ cảm thấy cô đơn trong thế giới quan của họ và cuối cùng tìm tới cái chết.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, các bác sĩ đang quan sát thấy còn những nguyên nhân khác.
“Trong một số trường hợp, vào một ngày đẹp trời, họ cảm thấy họ đã hoàn thành mọi trách nhiệm của bản thân như lo cho con trưởng thành, đủ khả năng tự lo cho mình, hoàn thành sự chuẩn bị về tài chính cho gia đình… Lúc này, bỗng dưng họ thấy trống rỗng, không tìm thấy mục đích sống và quyết định chấm dứt cuộc đời”, vị chuyên gia giải thích.
Mặt khác, trước đó, những người này hoàn toàn không có bất cứ biểu hiện nào của các vấn đề tâm lý cũng như triệu chứng của trầm cảm. Họ vẫn vui vẻ, trò chuyện với bạn bè, gia đình…
Nhận thức đúng để phòng tránh, tìm trợ giúp
Dù là vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng tới sinh mệnh của nhiều người, thực tế cho thấy việc phát hiện và xử lý các mối nguy từ tâm lý tại Việt Nam vẫn chưa thực sự hiệu quả. Mặt khác, cách nhìn nhận của chúng ta về vấn đề này còn rất hạn chế.
Theo BS Hương, nhiều người vẫn đang nghĩ về tâm thần hay các vấn đề tâm lý như một bệnh lý nặng nề. Người bệnh phải không mặc quần áo chạy ra đường hay nói linh tinh… Từ đó, tâm lý kỳ thị cũng hình thành.
Trong khi đó, người dân cũng rất khó để tìm kiếm sự giúp đỡ cần thiết. Nguyên nhân đầu tiên là hệ thống về sức khỏe tinh thần của Việt Nam hiện chưa phát triển đủ mạnh để đảm bảo sự tiện lợi cho bệnh nhân.
“Trong trường hợp nhận thấy vấn đề về tâm lý, chúng ta cũng không dễ để tìm kiếm trên mạng là có thể ra ngay giải pháp. Hay nhiều người, vốn có vấn đề về lo lắng, cũng nghi ngờ rằng bác sĩ nào tốt, tổ chức này là ai, có thể giúp họ hay không…”, vị chuyên gia nói.
Một thực tế khác là sự kỳ thị trong cộng đồng. Từ đây, không phải ai cũng sẵn sàng chia sẻ về vấn đề của mình. Ngoài ra, những khó khăn về chi phí, tính sẵn có của dịch vụ cũng gây trở ngại cho việc giải quyết vấn đề tâm lý.
Trong bối cảnh đó, BS Hương nhận định một trong những giải pháp để hạn chế những sự việc không may xảy ra chính là đưa những thông tin, phương pháp, công cụ hỗ trợ xử lý các vấn đề tâm lý tiếp cận nhiều người hơn.
Vị chuyên gia gợi ý: “Đôi khi, chúng ta có thể bỗng nhiên cảm thấy không muốn giao tiếp với người khác hay mất đi hứng thú với những sở thích vốn có. Đây có thể là những dấu hiệu ban đầu của trầm cảm”.
Bên cạnh đó, để chủ động phòng tránh những trường hợp không may tìm tới tự tử mà không có biểu hiện từ trước, BS Hương cũng khuyên mọi người nên thường xuyên giữ kết nối với người xung quanh, luôn tìm cho mình một động lực, mục đích sống.