Cuối năm 2023, tài khoản TikTok @thaitruc870 của chủ quán Xuka (TP Vũng Tàu) đăng tải đoạn clip chia sẻ câu chuyện chồng mình vi phạm nồng độ cồn, dù trước đó đã áp dụng cách làm trên Internet nhằm giảm cồn trong khoang miệng. Chủ tài khoản chia sẻ như sau:
“Hôm nay là đám giỗ của ba tôi nên chồng tôi uống khoảng 16-17 lon bia. Đến 15h, chúng tôi trở về nhà ngủ và thức dậy vào lúc 18h để chuẩn bị đi xem phim. Bây giờ là 22h14, chúng tôi đang cầm trên tay biên bản của cảnh sát giao thông.
Cơ sự này một phần do chồng tôi nghĩ mình uống ít, lại nhậu từ sáng nên cồn có thể đã tan hết, phần còn lại do anh ấy tin mẹo trên mạng hiệu quả. Trong lúc xem phim, tôi để ý chồng liên tục sử dụng ống hít thông mũi, thậm chí còn chấm lên đầu lưỡi. Anh ấy đinh ninh làm như vậy thì thổi nồng độ cồn sẽ không lên.
Kết quả là chúng tôi mất mười mấy triệu tiền phạt; xe bị giam 7 ngày”.
Chia sẻ khiến nhiều người quan tâm khi mẹo giải rượu "trên mạng" này vốn được nhiều người "tin dùng" trong những cuộc tiệc tùng bất tận dịp Tết.
Là người nhậu 1-2 lần/tháng, Nguyễn Việt (22 tuổi) lần đầu biết đến mẹo “né” vi phạm nồng độ cồn như trong đoạn clip trên.
Việt là một trong số những người có tần suất nhậu không ít, song luôn “bán tín bán nghi” đối với cách làm giảm nồng độ cồn không có cơ sở khoa học được chia sẻ. Do đó, Việt thường đặt ra những biện pháp hiệu quả hơn để tránh bị xử phạt vì lái xe sau khi sử dụng đồ uống có cồn.
Đặt ra quy tắc
Cuối tháng lĩnh lương, Việt lại có những buổi “lai rai” cùng đồng nghiệp hoặc bạn bè lâu ngày không gặp. Lần nhậu gần đây nhất của Việt là dịp Tết Nguyên đán khi họ hàng đến chúc Tết, kéo dài từ 18h-22h và uống hết 2 thùng bia. Tửu lượng của Việt rơi vào khoảng 10 chai.
Khi bắt đầu thấy cơ thể hơi lừ đừ, tim đập nhanh hơn bình thường, Việt biết mình đã ngà ngà say. Đối với trường hợp uống nhiều, Việt thường chóng mặt ngay tại thời điểm đó, đi kèm với cảm giác mệt mỏi và buồn nôn.
Tuy nhiên, Việt vẫn đủ tỉnh táo để rút điện thoại ra, đặt xe công nghệ đến đón. Đây là thói quen của Việt kể từ khi lực lượng chức năng tăng cường tổ chức kiểm tra nồng độ cồn.
“Trước đây, tôi thường chọn những quán nhậu gần nhà để tiện di chuyển bằng xe máy, nhưng giờ thì đặt xe cho ‘lành’. Cách này không chỉ đảm bảo an toàn cho bản thân mà còn khiến tôi tự tin hơn trên bàn nhậu, uống thoải mái mà không lo phải chạy xe hay bị thổi nồng độ cồn”, Việt chia sẻ.
Thêm vào đó, các buổi nhậu gần đây của Việt ưu tiên tổ chức tại nhà, phòng trọ để ai say quá có thể yên tâm ngủ lại. Trường hợp bất khả kháng phải đi xe máy sau khi nhậu thì Việt sẽ di chuyển đến nhà nghỉ, khách sạn gần đó rồi ngủ lại qua đêm.
Dù được nhận xét là “đô bất tử” trên bàn nhậu, Minh Uyên (24 tuổi) cũng đặt ra những quy tắc nhất định để đảm bảo an toàn. Một trong số đó là không để người khác ép mình uống khi mình không muốn hoặc không thể nạp thêm rượu bia vào cơ thể.
“‘Em không nể mặt anh hả?’ - Chỉ cần nghe thấy câu này đến từ bất kỳ ai là tôi lập tức dừng uống, thậm chí kêu ngay một lon nước ngọt thay thế, mặc cho mọi người cảm thấy hành động của mình thật kỳ lạ và không ít lần trách móc”, Uyên bày tỏ.
Châm ngôn của Uyên là uống tới bến nếu thấy vui chứ không để ai ép buộc mình. Ngoài ra, Uyên chỉ đi nhậu cùng những người đáng tin cậy - thường không uống hoặc uống ít - để đảm bảo an toàn trong và sau cuộc vui.
Khác với mọi người cố gắng ăn no trước khi uống để không dễ say, Uyên chỉ lấp dạ dày trống bằng sữa - đây là cách hiệu quả đối với Uyên nếu muốn “bất tử” trên bàn nhậu.
Không “mặn mà” với bia không cồn
Để giải quyết bài toán "nồng độ cồn" thì bia không cồn dường như là một lựa chọn khả dĩ.
Theo Zero Zilch Zip, lợi ích rõ rệt nhất khi dùng bia không cồn là giảm lượng cồn tiêu thụ. Tuy nhiên, một số người không mấy “mặn mà” với loại sản phẩm này vì nhiều lý do.
Vừa nhấp chút bia không cồn, Nguyễn Việt lập tức buông cốc vì không quen với mùi vị “lợ lợ như nước khoáng có gas”, trong khi giá thành loại này khá cao, khoảng 20.000-35.000 đồng/lon, 300.000 đồng/thùng.
Tết Nguyên đán vừa qua, gia đình của Xuân Nam (sinh sống tại Hà Nội) cũng mua một số loại bia không cồn nhưng theo Nam đánh giá, chúng không mang lại “cảm giác chân thật” như rượu bia truyền thống.
Nam cho biết bia không cồn thực chất được sục khí carbon dioxide ở áp suất cao để tạo gas. Đây là sản phẩm đánh lừa vị giác bởi lớp gas sẽ nhanh chóng tan hết sau 5-10 phút, tạo cảm giác như đang… uống nước lã.
Đồng quan điểm, Minh Thông (21 tuổi, sinh sống và làm việc tại TP.HCM) không nghĩ sẽ sử dụng bia không cồn thay thế bia truyền thống. “Mục đích chính của việc nhậu là cảm nhận men say, giúp mọi người mở lòng chia sẻ nhiều điều với nhau. Còn uống bia không cồn thì chẳng khác nào uống nước ngọt, không có cảm giác lâng lâng say xỉn thành ra đánh mất ý nghĩa của nhậu nhẹt”, Thông thẳng thắn chia sẻ.
Thông cũng cho rằng biện pháp giảm nồng độ cồn hiệu quả nhất là tự kiểm soát lượng cồn mà bản thân tiêu thụ, đồng thời sử dụng một số bí quyết để cơ thể dễ chịu hơn sau khi uống. Hai trong số đó là uống nước chanh khi nhậu và lau sơ toàn thân khi trở về nhà.
Có những ngày nhậu quá mức cho phép, Thông thủ sẵn một chai thuốc giải rượu bên mình và uống tại bàn. Sản phẩm này dễ dàng được tìm thấy tại các cửa hàng thuốc và chuỗi cửa hàng tiện lợi như Family Mart, Circle K, GS25… Mức giá trung bình khoảng 40.000, 50.000 đồng/sản phẩm.
Nhờ vậy, Thông hạn chế nôn mửa, chóng mặt, bồn chồn vào ngày hôm sau. Ngược lại, nếu không sử dụng thuốc giải rượu, cơ thể của Thông sẽ khó chịu triền miên khi nhậu 5-6 lần/tháng.
Đặc biệt, Thông chia sẻ với Tri Thức - Znews “chiêu” vừa uống bia vừa ngậm lát chanh trong miệng để đỡ say và buồn nôn, giúp “kéo mình về thực tại” trong những lần nhậu quá hăng say.
Sau cùng, Việt, Uyên, Nam và Thông đều đồng tình rằng không có cách nào làm tiêu tan nồng độ cồn 100%. Kể cả “né” được vi phạm, cơ thể sẽ không tránh khỏi mệt mỏi vào sáng hôm sau. Do đó, cả 4 người đều cố gắng hạn chế sử dụng đồ uống có cồn - chỉ uống nhân dịp quan trọng hoặc sức khỏe cho phép để đảm bảo “vui thôi đừng vui quá”.