Space Zoom là một trong những tính năng được yêu thích trên smartphone Samsung nhờ khả năng tạo ra những tấm ảnh chụp Mặt Trăng có độ chi tiết rất cao chỉ bằng camera trên điện thoại.
Tuy nhiên, một người dùng Reddit mới đây đã thực hiện thí nghiệm với tính năng Space Zoom trên Samsung Galaxy S23 Ultra, chỉ ra rằng khả năng zoom 100x trên thực tế phụ thuộc phần lớn vào thuật toán. Người này khẳng định những ảnh chụp ảnh Mặt Trăng trên S23 Ultra thực tế được thêm chi tiết bằng AI.
YouTuber công nghệ nổi tiếng Marques Brownlee sau đó cũng thực hiện một thử nghiệm tương tự với chiếc Galaxy S23 Ultra. Kết quả cho thấy Mặt Trăng trong ảnh chụp vẫn mờ nhòe như ảnh gốc nếu như tắt tính năng Scene Optimizer. Những tranh cãi này một lần nữa cho thấy việc áp dụng các tính năng AI trong nhiếp ảnh đang xóa nhòa ranh giới giữa "chụp ảnh" và "tạo ảnh".
Phát hiện từ thí nghiệm với Galaxy S23
Trên Reddit, người dùng ibreakphotos trình bày thí nghiệm dùng một tấm ảnh chụp Mặt Trăng có độ phân giải cao, sau đó thu nhỏ kích thước xuống chỉ còn 170 x 170 pixel và làm mờ tấm ảnh bằng hiệu ứng trên Photoshop. “Điều này đồng nghĩa với mọi chi tiết trong tấm ảnh đều đã biến mất và không thể khôi phục được vì đã bị can thiệp về mặt kỹ thuật”, người dùng cho biết.
Tiếp theo, ibreakphotos phóng đại tấm ảnh này hết cỡ trên màn hình máy tính, tắt toàn bộ đèn trong phòng và dùng Samsung S23 Ultra cùng tính năng Space Zoom để chụp lại.
Nhưng điều bất ngờ là kết quả cho ra lại là một bức ảnh rất rõ nét và có độ chi tiết cao, dù tấm ảnh gốc hiển thị trên màn hình máy tính rất mờ, nhòe. ibreakphotos phát hiện S23 Ultra đã tự thêm những chi tiết không hề có trong tấm ảnh gốc. Thay vì khôi phục lại những thông tin đã mất hay phóng đại pixel nhỏ, ảnh chụp trên smartphone Samsung lại tạo ra một Mặt Trăng hoàn toàn mới.
“Ảnh chụp Mặt Trăng trên điện thoại Samsung đều là giả”, người dùng này viết. Anh cho rằng tính năng Space Zoom đã thêm vào những thông tin không có sẵn trong ảnh gốc. AI mới là nhân tố đóng vai trò lớn trong quá trình xử lý hình ảnh, trong khi cảm biến quang học lại chẳng có nhiệm vụ gì.
“Rất dễ để rèn luyện mô hình máy học dựa trên các ảnh chụp Mặt Trăng có sẵn. Sau đó, AI sẽ dùng các cấu trúc có sẵn này vào những tấm ảnh phát hiện vật thể là Mặt Trăng”, người dùng cho biết.
Tuy nhiên, từ thử nghiệm của mình, Marques Brownlee (chủ kênh MKBHD) cho rằng tính năng Scene Optimizer là thứ khiến bức hình trông như giả tạo, nhưng chúng ta lại quá tập trung vào hình chụp Mặt Trăng mà quên mất rằng smartphone từ vài năm nay đã có khả năng làm đẹp cho mọi thể loại hình chụp bằng AI.
Đơn cử như khi người dùng muốn chụp một cánh đồng, AI sẽ tự động nhận dạng môi trường xung quanh, sau đó đẩy màu xanh lên cao và chọn chế độ chụp góc rộng để phù hợp. Hay khi phát hiện người dùng đang chụp ảnh đồ ăn, màu đỏ, vàng sẽ được làm nổi để bật lên độ ngon miệng của món ăn.
"Ảnh chụp từ smartphone có thể không giống ngoài đời hoàn toàn. Chúng chỉ là cách thuật toán tái tạo các vật thể bằng cách đoán các vật thể đó xuất hiện ngoài đời thật như thế nào", Marques Brownlee giải thích.
Thủ thuật của Samsung đằng sau những tấm ảnh Mặt Trăng sắc nét
Theo The Verge, đây không phải là một vấn đề mới. Trước đây, khi Samsung lần đầu công bố tính năng zoom 100x Space Zoom trên S20 Ultra vào năm 2020, nhiều người dùng cho rằng hãng chỉ đang sao chép những cấu trúc có sẵn trên các ảnh chụp Mặt Trăng trước đó để tái tạo ảnh chụp mới. Nhưng hãng smartphone Hàn Quốc khẳng định quá trình zoom 100x của họ thực chất phức tạp hơn thế rất nhiều.
Năm 2021, Input Mag đã đưa một bài phân tích để khẳng định những tấm ảnh Mặt Trăng bị S21 Ultra làm giả. Nói với báo giới, Samsung khẳng định những tấm ảnh Mặt Trăng chụp từ S21 Ultra không sử dụng hình thức dán những tấm ảnh có sẵn hay những hiệu ứng lên. Thay vào đó, hãng công nghệ dùng AI để nhận dạng vật thể Mặt Trăng và nâng độ chi tiết của tấm ảnh bằng cách giảm nhiễu và làm mờ.
Samsung còn đăng tải một bài viết dài, giải thích tường tận quá trình biến một tấm ảnh Mặt Trăng mờ nhòe thành một tấm ảnh sắc nét. Hãng khẳng định chỉ sử dụng tính năng có tên “cải thiện độ chi tiết” để xóa các chi tiết nhiễu, tăng độ sắc nét một cách tối đa nhằm cho một tấm ảnh chụp Mặt Trăng đủ sáng và rõ ràng hơn.
Thật - giả khó phân
Tuy nhiên, thử nghiệm của người dùng Reddit ibreakphotos đã cho thấy quá trình xử lý ảnh của Samsung phức tạp hơn những gì họ tiết lộ. Hãng không chỉ tăng độ sắc nét của những chi tiết ảnh bị mờ nhòe mà còn tự tạo ra chi tiết.
Nhưng vấn đề liệu S23 Ultra có làm giả ảnh chụp Mặt Trăng bằng chế độ Space Zoom hay không vẫn là câu hỏi chưa có lời giải đáp.
Trong nhiếp ảnh, tiêu chuẩn của sự chân thực được đánh giá dựa trên lượng thông tin thu được từ cảm biến quang học khi chụp ảnh. Các nhiếp ảnh gia hoàn toàn có thể chỉnh sửa những thông tin trong tấm ảnh này như chỉnh màu, độ tương phản, tăng/giảm sáng… Nhưng quá trình này không được coi là làm giả ảnh chụp.
Với trường hợp của Samsung, tấm ảnh chụp Mặt Trăng không phải là thành quả từ cảm biến quang học là sản phẩm của công nghệ máy học. Điều này có nghĩa là đây chỉ là tấm ảnh được tạo lập bằng máy, không phải ảnh thật.
Tuy nhiên, nhiều người không đồng ý với quan điểm này. Không chỉ Samsung, nhiều hãng smartphone hiện nay cũng bắt đầu áp dụng công nghệ máy học để cải thiện những hạn chế của cảm biến điện thoại. Do đó, việc kết hợp chi tiết được chụp bằng quang học và những dữ liệu do phần mềm tạo lập trong hình ảnh không phải điều lạ.
Công nghệ “cải thiện độ chi tiết” của Samsung hứa hẹn sẽ trở nên phổ biến và được áp dụng rộng rãi trong tương lai. Người dùng có thể rèn luyện công nghệ này bằng bộ dữ liệu sẵn có như khuôn mặt của người thân, bạn bè hay ghi nhớ những địa danh nổi tiếng để cho ra những tấm ảnh đẹp, hoàn thiện.