Đầu tư

TP.HCM hút gần 3 tỷ USD vốn FDI chỉ trong một tháng

Năm 2023, TP.HCM dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI khi đạt 5,85 tỷ USD. Đáng nói, số vốn FDI thành phố này thu hút được chỉ trong tháng 12 đã lên tới 2,77 tỷ USD.

Theo số liệu của Cục Thống kê TP.HCM, trong năm 2023, tính chung cả dự án cấp mới, điều chỉnh tăng vốn và góp vốn, mua cổ phần, mua lại cổ phần góp, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào thành phố đạt hơn 5,85 tỷ USD, tăng 48% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý, trong 11 tháng đầu năm 2023, tổng vốn FDI vào TP.HCM mới đạt 3,08 tỷ USD và xếp thứ hai cả nước, sau Quảng Ninh (3,1 tỷ USD). Như vậy, chỉ trong tháng 12, TP.HCM đã ghi nhận đến 2,77 tỷ USD vốn FDI đổ vào.

Bất động sản kích thích vốn FDI vào TP.HCM

Nhìn vào số liệu thống kê cụ thể, có thể thấy, hoạt động góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp năm qua ghi nhận 2.314 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện với số vốn góp 4,289 tỷ USD, tăng 146,7% so với cùng kỳ. Nếu so với tháng 11, TP.HCM đã có thêm 215 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện với số góp vốn tăng thêm 2,38 tỷ USD.

Trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản dẫn đầu sự tăng trưởng khi tăng từ 917 triệu trong 11 tháng đầu năm, lên 2,273 tỷ USD cho cả năm 2023, tương ứng tăng 1,353 tỷ USD chỉ riêng tháng 12.

Bên cạnh đó, hoạt động bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ôtô, môtô, xe máy cũng ghi nhận số vốn góp tăng từ 363,3 triệu USD lên 680,5 triệu USD, chiếm 15,9% tổng vốn góp; hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ tăng từ 330,1 triệu USD cuối tháng 11 lên 538 triệu USD vào cuối tháng 12/2023, chiếm 15,5%.

Về quốc gia đầu tư, Singapore và Nhật Bản là hai quốc gia có tỷ trọng vốn FDI rót cao nhất vào TP.HCM lần lượt chiếm 36% và 26,4%.

Đối với các dự án cấp mới, TP.HCM có 1.202 dự án FDI cấp phép mới trong năm 2023, tăng 34,6% so với cùng kỳ và vốn đăng ký đạt 598,4 triệu USD, giảm 0,5%.

Trong đó, hoạt động bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ôtô, môtô, xe máy đạt 512 dự án, vốn đăng ký là 230,3 triệu USD, chiếm 38,5% vốn đăng ký cấp mới.

Tiếp đến là hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ có 297 dự án, vốn đăng ký 139,6 triệu USD, chiếm 23,3%. Hoạt động công nghiệp chế biến, chế tạo có 20 dự án, vốn đăng ký là 67,7 triệu USD, chiếm 11,3%. Hoạt động xây dựng có 9 dự án, vốn đăng ký là 54,5 triệu USD, chiếm 9,1%.

Singapore vẫn là quốc gia dẫn đầu về dự án FDI cấp phép mới tại TP.HCM năm qua với 203 dự án, vốn đăng ký đạt 172,7 triệu USD, chiếm 28,9% vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Nhật Bản với 103 dự án, vốn đăng ký 87,5 triệu USD, chiếm 14,6%; Ấn Độ với 46 dự án, vốn đăng ký đạt 62,5 triệu USD, chiếm 10,4%.

Đối với điều chỉnh vốn đăng ký có 296 dự án điều chỉnh vốn đăng ký, tăng 54,2% so với cùng kỳ và vốn điều chỉnh đạt 964,9 triệu USD, giảm 39,7%.

Theo cơ quan thống kê, lũy kế từ ngày 1/1/1988 đến ngày 20/12/2023, trên địa bàn TP có 12.398 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn hơn 57,63 tỷ USD. Bên cạnh đó, còn có 26.604 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước với số vốn đăng ký 28,08 tỷ USD.

Tính chung giá trị vốn đầu tư nước ngoài cấp mới, đầu tư tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp vào TP đạt hơn 85,71 tỷ USD.

Thời điểm phù hợp để doanh nghiệp ngoại đẩy mạnh M&A bất động sản

Bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam, cho biết Việt Nam đã và đang lọt vào tầm ngắm của lượng lớn nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Trong đó, TP.HCM - trung tâm kinh tế tài chính - là một trong những địa phương có hoạt động M&A nói chung và trong lĩnh vực bất động sản nói riêng được ghi nhận đà tăng đáng kể cả về số lượng và giá trị giao dịch.

TP.HCM là một trong những địa phương có hoạt động M&A nói chung và trong lĩnh vực bất động sản nói riêng của nhà đầu tư nước ngoài tăng mạnh nhất. Ảnh: Quỳnh Danh.

Theo bà Trang, khi bối cảnh kinh tế toàn cầu đang có nhiều biến động, một quốc gia mới nổi như Việt Nam đã trở thành thị trường tiềm năng thu hút đầu tư. Đặc biệt, tỷ suất lợi nhuận hấp dẫn ở một thị trường chính là yếu tố quan trọng trong các quyết định đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài.

Vị này cho rằng trở ngại lớn nhất của phía bên mua chính là việc tìm kiếm những cơ hội có chất lượng tốt, mang lại dòng thu nhập ổn định. "Các cơ hội này rất hạn chế, do vậy danh mục dự án để khối ngoại có thể xuống tiền không nhiều", bà nói.

Nguyên nhân được bà Trang nhận định là đến từ tính pháp lý, độ chênh về kỳ vọng giá cả từ cả hai phía và quy trình bồi thường.

Tuy nhiên, theo chuyên gia của Cushman & Wakefield, đây vẫn là thời điểm phù hợp để các doanh nghiệp ngoại tăng cường các hoạt động thâu tóm hoặc liên kết hợp tác, đặc biệt là những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh.

"Vì hiện nay mặt bằng lãi suất đã giảm, nhiều nghị định và quy định mới nhằm gỡ vướng cho dự án bất động sản đã được ban hành. Đồng thời, nhiều giải pháp tích cực khác mà chính phủ đang thực hiện để cải thiện tính minh bạch, chấp hành pháp luật cũng như môi trường kinh doanh nói chung...", bà nói thêm.

Bà Trang dự báo một lượng vốn lớn đến từ nhà đầu tư nước ngoài sẽ hoàn tất, đổ vào thị trường bất động sản Việt Nam trong giai đoạn 2024-2026. "Bởi nhiều giao dịch đã, đang trong quá trình đàm phán và khá tích cực", bà nhấn mạnh.

Link bài gốcLấy link
https://znews.vn/tphcm-hut-gan-3-ty-usd-von-fdi-chi-trong-mot-thang-post1452452.html