Theo dự thảo Bảng giá điều chỉnh, giá đất tại đường Song Hành Quốc lộ 22 (huyện Hóc Môn) là gần 39,6 triệu đồng/m2, tăng 50 lần. Ảnh: Quỳnh Danh.
Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP.HCM vừa giải đáp một số thắc mắc liên quan đến dự thảo Bảng giá đất điều chỉnh của TP. Một trong những vấn đề được quan tâm là việc giá đất tại các huyện ngoại thành tăng mạnh, có nơi tăng gấp 50 lần so với bảng giá cũ.
Cụ thể, theo bảng giá đất được ban hành trước đây, giá đất tại đường Song Hành Quốc lộ 22 (huyện Hóc Môn) là 780.000 đồng/m2, nhưng theo dự thảo Bảng giá điều chỉnh, giá đất tại vị trí này được điều chỉnh lên gần 39,6 triệu đồng/m2, tức tăng 50 lần.
"Hoàn toàn phù hợp"
Lý giải về chênh lệch này, Sở TN&MT cho biết qua kiểm tra thực tế giá đất được nêu tại vị trí đường Song hành Quốc lộ 22, giá đất tại Bảng giá đất được ban hành theo Quyết định số 02 là 780.000 đồng/m2. Tuy nhiên, giá đất nêu trên chưa phải là giá đất thị trường mà phải bổ sung hệ số được ban hành theo Quyết định số 56/2023 sẽ là 3,5 triệu đồng/m2.
Trong khi đó, tại thời điểm ngày 1/12/2023, UBND huyện Hóc Môn đã phê duyệt giá bồi thường gần 39,6 triệu đồng/m2 và đã được người dân có đất thu hồi đồng thuận.
"Do đó, Bảng giá đất điều chỉnh cập nhật mức giá trên cho vị trí tại đường Song hành Quốc lộ 22 là phù hợp", cơ quan quản lý nhấn mạnh.
Sở TN&MT cũng cho biết thời gian qua, các khu vực ngoại thành được đầu tư hạ tầng đồng bộ, kéo theo giá đất chuyển nhượng thực tế tăng nhanh. Chính vì vậy, giá đất thị trường để tính bồi thường cho các dự án hạ tầng như đường Vành đai 2, 3 cũng tăng cao, tạo sự đồng thuận khi thu hồi đất.
"Bảng giá đất điều chỉnh này được cập nhật từ các nguồn như giá đất bồi thường, giá đất chuyển nhượng thực tế từ cơ quan đăng ký đất đai và cơ quan thuế, đảm bảo phản ánh đúng tình hình thị trường, không phân biệt giữa khu vực nội thành và ngoại thành", Sở TN&MT nhấn mạnh.
Thời gian qua, các khu vực ngoại thành được đầu tư hạ tầng đồng bộ, kéo theo giá đất chuyển nhượng thực tế tăng nhanh. Ảnh: Quỳnh Danh.
Cơ quan quản lý cho biết đối với việc chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở, người dân sẽ phải nộp tiền sử dụng đất là phần chênh lệch giữa giá đất ở và giá đất nông nghiệp. Theo bảng giá đất điều chỉnh, giá đất nông nghiệp tăng trung bình 11-14 lần, cao hơn so với mức tăng 4-5 lần của giá đất ở, do đó, khoảng cách giữa 2 mục đích sử dụng đất sẽ giảm dần.
Đồng thời, trường hợp chưa có điều kiện thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai thì Luật Đất đai cho phép người sử dụng đất được ghi nợ tiền sử dụng đất, khi nào chuyển nhượng quyền sử dụng đất, có thu nhập thì mới phải nộp.
Đối với các hộ nghèo, gia đình chính sách đã có chế độ miễn, giảm tiền sử dụng đất khi đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Nghị định số 103/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.
Không tác động đến tính tiền sử dụng đất, thuê đất
Theo Sở TN&MT, việc điều chỉnh bảng giá đất thể hiện tính công bằng và phù hợp khi cập nhật giá đất sát với thực tế tại TP.HCM, đảm bảo người dân chuyển mục đích sử dụng đất hoặc được bố trí tái định cư đều chịu mức giá tương xứng, tránh chênh lệch bất hợp lý giữa các nhóm đối tượng sử dụng đất.
Đồng thời, việc giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai sẽ trở nên thuận lợi, minh bạch hơn, cắt giảm thời gian xác định giá đất.
Bên cạnh đó, giá đất nông nghiệp tại Bảng giá đất sau điều chỉnh tăng so với trước đây, làm cho khoảng cách chênh lệch địa tô hài hòa hơn so với thực tế, tạo sự minh bạch và công bằng cho các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản khi thực hiện nghĩa vụ tài chính.
Sở cũng lưu ý rằng giá đất trên Bảng giá đất điều chỉnh không tác động đến việc định giá đất cụ thể để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của các dự án bất động sản, nhà ở thương mại bởi các dự án này được tính theo phương pháp thặng dư.
Đồng thời, giá đất nông nghiệp đã được điều chỉnh phù hợp với thực tế nên các khoản được trừ của Nhà đầu tư sẽ phù hợp hơn so với trước đây. Qua đó, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư trên địa bàn TP, điều chỉnh giá bán các sản phẩm bất động sản phù hợp hơn, tạo điều kiện cho các đối tượng có nhu cầu có thể tiếp cận.
Ngoài ra, các dự án, công trình trọng điểm được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước sẽ thực hiện triển khai theo đúng tiến độ, không bị ách tắc.
Theo đó, khi giải quyết được vấn đề trên, Sở TN&MT cho rằng Bảng giá đất sẽ có tác động tích cực đến nền kinh tế của TP, huy động được nguồn lực tạo động lực để nền kinh tế TP phục hồi và phát triển.
"Đối với các doanh nghiệp sản xuất và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng không bị ảnh hưởng, do các chi phí đầu vào liên quan đến thuế sử dụng đất không tăng", Sở bổ sung.