Các doanh nghiệp vàng đồng loạt thông báo hết hàng vàng miếng SJC và vàng nhẫn 9999. Ảnh: Châu Dương.
Khảo sát trên website bán hàng của các doanh nghiệp vàng bạc đá quý lớn trong nước như Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), Tập đoàn DOJI, Tập đoàn Phú Quý, Bảo Tín Minh Châu, Mi Hồng..., giá vàng miếng SJC và vàng nhẫn 9999 không có biến động về giá trong phiên giao dịch sáng nay (30/8).
Đây cũng đã là phiên thứ ba liên tiếp hai mặt hàng này giữ xu hướng đi ngang.
Hiện vàng miếng SJC chủ yếu được các doanh nghiệp giao dịch ở mức 79 - 81 triệu đồng/lượng (mua - bán). Còn vàng nhẫn 9999 chạy quanh vùng 77,4 triệu đồng/lượng (mua vào) và 78,6 triệu đồng/lượng (bán ra).
Vàng miếng SJC, vàng nhẫn 9999 cùng "cháy hàng"
Dù vẫn được niêm yết giá công khai trên hệ thống bán hàng nhưng khảo sát tình hình thực tế, ngoài SJC vẫn đang cung cấp dịch vụ bán vàng miếng SJC và vàng nhẫn 99,99 thì các doanh nghiệp vàng còn lại đã tạm ngưng bán ra hai loại vàng này tới người dân.
"Theo tình hình kinh doanh thực tế, đầu vào đang khan hàng nên các cửa hàng kinh doanh của Bảo Tín Minh Châu đang tạm ngừng giao dịch bán ra vàng miếng, nhẫn tròn trơn VRTL, vàng miếng SJC", nhân viên tại cửa hàng vàng Bảo Tín Minh Châu khu vực Cầu Giấy, Hà Nội cho biết.
Tại cửa hàng vàng của DOJI, nhân viên cũng cho biết mặt hàng vàng miếng SJC đã hết hàng trên toàn quốc. Với vàng nhẫn tròn trơn, doanh nghiệp này cũng đã hết hàng từ ngày hôm qua (30/8), hiện không thể cung cấp sản phẩm tới khách hàng.
Các khách hàng có nhu cầu mua mặt hàng này có thể để lại số điện thoại, đăng ký số lượng mua, một vài ngày tới khi có hàng, nhân viên của DOJI sẽ gửi thông báo.
Ngoài SJC, hệ thống các cửa hàng Bảo Tín Minh Châu, PNJ, DOJI đang tạm ngừng bán vàng nhẫn. Ảnh: Thế Bằng.
Không chỉ SJC, DOJI, khảo sát thêm tại các cửa hàng bán vàng của PNJ trong sáng nay cũng đồng loạt ngưng bán ra nhiều loại vàng.
"PNJ rất tiếc hiện tại lượng vàng miếng SJC, nhẫn trơn, vàng Tài Lộc trên hệ thống cửa hàng đang tạm hết hàng và chưa có thông tin chính xác về thời gian có hàng trở lại", nhân viên bán hàng của PNJ thông tin tới khách hàng.
Có nên bán vàng lúc này?
So với đầu năm, giá vàng nhẫn 9999 hiện đã tăng hơn 15 triệu đồng mỗi lượng, tương đương mức đi lên hơn 24% và vẫn đang đứng yên tại mức kỷ lục mới.
Mặc dù ít có biến động trong thời gian gần đây, giá vàng miếng SJC cũng đã kịp tăng 10 triệu đồng mỗi lượng so với đầu năm, tương ứng mức tăng ròng hơn 12%.
Với giá neo cao, nhiều người đang nắm giữ vàng đắn đo có nên bán chốt lời hay tiếp tục gom vào. Tuy nhiên, chia sẻ với Tri Thức - Znews, anh Cường - chủ tiệm vàng trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội - cho rằng người dân không nên mua bán vàng trong giai đoạn này.
Thứ nhất, việc mua bán vàng miếng SJC tại các ngân hàng quốc doanh được Ngân hàng Nhà nước cấp phép như BIDV, Vietcombank, Agribank, VietinBank và Công ty SJC không dễ. Thứ hai, vàng nhẫn đang khan hiếm nên có thể giờ bán ra nhưng sẽ khó mua vào sau này.
Còn ở góc độ quản lý tài chính cá nhân, chuyên gia tài chính Nguyễn An Huy, Tổ trưởng Tổ tư vấn Tài chính cá nhân tại CTCP Tư vấn đầu tư & Quản lý tài sản FIDT cho rằng vàng là tài sản dự phòng cho các rủi ro địa chính trị và nhà đầu tư chỉ nên giữ 5-10% danh mục tài sản.
"Vì vậy, nếu ai có tỷ trọng vàng dưới 5% thì nên gia tăng, vì hiện nay rủi ro địa chính trị vẫn còn. Ai trên 10% thì nên bán, vì về dài hạn, vàng có tỷ suất sinh lời không tốt bằng cổ phiếu và bất động sản dân sinh", ông Huy nhận định.
Nếu nhà đầu tư có nhu cầu mua trong giai đoạn hiện tại mà phân vân giữa vàng miếng SJC hay vàng nhẫn 9999 bởi chênh lệch giữa hai loại vàng này đã không còn quá lớn, chỉ dao động trong khoảng trên dưới 2 triệu đồng/lượng, ông Huy cho rằng nên mua vàng miếng SJC vì tính khan hiếm của nó trong ngắn hạn.